Chứng khoán Hồng Kông xóa gần hết đà giảm trong phiên
Chứng khoán Hồng Kông xóa gần hết đà giảm trong phiên
Chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương phần lớn vẫn nhuốm sắc đỏ trong ngày thứ Năm (13/06), sau 2 phiên giảm liên tiếp trên Phố Wall đêm qua.
Khép lại phiên ngày thứ Năm (13/06), chỉ số Hang Seng của Hồng Kông chỉ còn giảm nhẹ 13.75 điểm (tương đương 0.66%), sau khi có lúc giảm hơn 1.5% trong phiên sáng. Hôm thứ Tư (12/06), chỉ số này khép phiên với mức lao dốc 1.73% giữa lúc xuất hiện xung đột dữ dội giữa người biểu tình và cảnh sát chống bạo động về dự luật dẫn độ gây tranh cãi.
“Bạn đã có phần bù rủi ro chính trị đáng kể được ấn sâu vào cổ phiếu Hồng Kông vì các hiệu ứng thương mại đang diễn ra và Hồng Kông là cửa ngõ vào Trung Quốc. Vì vậy, triển vọng của Trung Quốc đã gây tiếng vang trong tháng vừa qua”, Bin Binay Chandgothia, Giám đốc điều hành và quản lý danh mục đầu tư tại Principal Global Investors, đã nói với CNBC trong ngày thứ Năm (13/06).
“Bên cạnh đó, còn có khả năng một điều gì đó sai trái có thể diễn ra khi xảy ra các vụ biểu tình. Sau đó, bạn có thể thấy cổ phiếu Hồng Kông trở nên rẻ hơn”, Chandgothia cho hay.
Tuy nhiên, ông nói, mức định giá trên thị trường Hồng Kông “vẫn khá hấp dẫn” tại thời điểm này.
Trên thị trường Trung Quốc, chứng khoán đã chuyển sang sắc xanh. Cụ thể, chỉ số Shanghai Composite tiến 0.05% lên 2,910.74 điểm, Shenzhen Component tăng nhẹ lên 8,951.61 điểm và Shenzhen Composite cộng 0.287% lên 1,532.79 điểm.
Ở Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 0.46% xuống 21,032 điểm, sau khi cổ phiếu của nhà cung ứng cho Apple là Japan Display tụt 11.94% sau khi Công ty thông báo về kế hoạch tái cấu trúc mới, trong đó Chủ tịch và CEO dự kiến từ chức. Chỉ số Topix lùi 0.82% xuống 1,541.5 điểm.
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc chỉ còn giảm 0.27% xuống 2,103.15 điểm sau khi giảm hơn 1.25% trong phiên sáng, trong đó cổ phiếu của nhà sản xuất chip điện tử SK Hynix rớt 3.35%. Chỉ số ASX 200 của Australia gần như đi ngang tại mức 6,542.4 điểm.
Nguồn: CNBC
|
Chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) giảm 0.36% vào phiên chiều.
Phố Wall giảm liền 2 phiên
Chứng khoán Mỹ giảm phiên thứ 2 liên tiếp vào ngày thứ Tư (12/06), chịu sức ép bởi đà sụt giảm của nhóm cổ phiếu công nghệ và ngân hàng, làm chững lại đà tăng mạnh khởi đầu tháng 6.
Cụ thể, chỉ số Dow Jones lùi 43.68 điểm (tương đương 0.2%) xuống 26,004.83 điểm, chỉ số S&P 500 hạ 0.2% xuống 2,879.84 điểm và chỉ số Nasdaq Composite mất 0.4% còn 7,792.72 điểm.
Chứng khoán Mỹ giảm điểm vào ngày thứ Tư sau khi lùi bước trong phiên giao dịch trước đó. Dow Jones đã giảm nhẹ vào ngày thứ Ba (11/06), chấm dứt chuỗi 6 phiên leo dốc liên tiếp.
Tuy nhiên, các chỉ số chứng khoán chính đều vọt hơn 4% từ đầu tháng đến nay, phục hồi từ đợt bán tháo mạnh trong tháng 5 giữa lúc nỗi lo về thương mại Mỹ - Mexico được cải thiện và kỳ vọng chính sách tiền tệ sẽ được nới lỏng hơn.
Thị trường dầu và tiền tệ
Giá dầu rớt mạnh trong ngày thứ Tư (12/06) khi nguồn cung dầu thô tại Mỹ tăng tuần thứ 2 liên tiếp và nỗi lo về nhu cầu năng lượng vẫn tồn tại do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang.
Cụ thể, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7 trên sàn Nymex sụt 2.13 USD (tương đương 4%) 51.14 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 14/01/2019, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 8 trên sàn Luân Đôn mất 2.32 USD (tương đương 3.7%) còn 59.97 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 28/01/2019. Cả 2 hợp đồng này đều gần như đi ngang trong phiên ngày thứ Ba (11/06).
Vào ngày thứ Tư, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết nguồn cung dầu thô nội địa tăng 2.2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 07/06/2019, thấp hơn dự báo vọt gần 4.9 triệu thùng của Viện Xăng dầu Mỹ (API), nhưng cao hơn rất nhiều so với dự báo cộng 800,000 thùng từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts. Đây cũng là tuần tăng thứ 2 liên tiếp của dự trữ dầu thô tại Mỹ.
Trong phiên giao dịch châu Á ngày thứ Năm (13/06), giá dầu vọt hơn 3% sau khi xuất hiện thông tin nổ tàu chở dầu ở Vịnh Ô-man.
Cơ quan điều hành Thương mại Hàng hải của Vương quốc Anh – trực thuộc Hải quân Hoàng gia Anh – cho biết, hiện họ đang điều tra sự cố ở Vịnh Ô-man gần bờ biển Iran.
Truyền thông Iran ghi nhận hai tàu chở dầu bị nhắm mục tiêu trong vụ nổ này, nhưng không cung cấp bằng chứng.
Chỉ số đồng USD – thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – dao động ở mức 96.934 sau khi dao động quanh 96.6 trong ngày hôm qua.
Đồng JPY được giao dịch ở mức 108.31 đổi 1 USD sau khi dao động ở mức gần 108.3 đổi 1 USD trong phiên trước, đồng AUD được “sang tay” ở mức 0.6913 USD sau khi chạm mức 0.696 USD trước đó.
FiLi