Đại biểu Quốc hội muốn 'truy' trách nhiệm vụ đường dây xăng giả của Trịnh Sướng
Đại biểu Quốc hội muốn 'truy' trách nhiệm vụ đường dây xăng giả của Trịnh Sướng
Việc một đường dây buôn lậu xăng giả tồn tại quá lâu cho thấy sự tắc trách của lực lượng quản lý lĩnh vực xăng dầu, theo các đại biểu.
Công an tỉnh Đăk Nông vừa khởi tố ông Trịnh Sướng cùng 22 người khác về hành vi Sản xuất và buôn bán xăng dầu giả. Theo quy định hiện nay, xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, thuộc trách nhiệm quản lý của nhiều cơ quan, từ quản lý thị trường, đo lường chất lượng, quản lý hệ thống phân phối..., thuộc Bộ Công Thương và Bộ Khoa học - Công nghệ. Theo các Đại biểu Quốc hội, việc hàng kém chất lượng bán ra thị trường và đường dây buôn xăng giả tồn tại quá lâu cho thấy "sự tắc trách, yếu kém của lực lượng kiểm soát thị trường, quản lý lĩnh vực xăng dầu".
Chia sẻ với VnExpress bên hành lang Quốc hội sáng 11/6, ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Công Thương cho biết: "Chúng tôi sẽ rà soát để xem trách nhiệm của các lực lượng quản lý lĩnh vực này đến đâu; từ đó sẽ siết chặt, đảm bảo hiệu quả quản lý hơn nữa mặt hàng này".
Trong khi Bộ Công Thương rà soát trách nhiệm của quản lý thị trường, đại diện Sở Khoa học & Công nghệ Sóc Trăng đã nhận trách nhiệm về việc không phát hiện cơ sở của ông Trịnh Sướng kinh doanh xăng giả.
Từ đầu năm 2017 đến nay, đơn vị này đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường, Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Phòng cảnh sát kinh tế... kiểm tra 130 lượt tại các điểm kinh doanh, trong đó có kho xăng của "đại gia" Trịnh Sướng nhưng không phát hiện xăng giả.
Ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Công Thương. Ảnh: Võ Hải
|
Trả lời báo chí ngày 11/6, ông Hoàng Văn Cường - Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, Bộ Công Thương "chưa làm tròn trách nhiệm trong quản lý, kiểm soát, chống hàng giả, gian lận thương mại".
Theo ông, không dễ để có sự câu kết cả hệ thống nhưng ở một khâu hoặc nhóm nào đó thì có thể. "Quá trình điều tra mở rộng, cơ quan điều tra sẽ chỉ ra khâu nào có sự bảo kê, lợi ích nhóm, anh nào cố ý, yếu kém trong năng lực... để sự việc kéo dài", ông Hoàng Văn Cường nói.
Cũng nhìn nhận việc kiểm tra, kiểm soát gian lận thương mại, buôn bán xăng dầu vừa qua "có vấn đề", ông Lê Hồng Tịnh - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường nghi ngờ "có lợi ích nhóm và phải điều tra, làm rõ, không thể bao che khi để tình trạng diễn ra quá lâu như vậy".
Tuy nhiên, ở góc độ điều tra, ông Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An nhận xét, đối tượng buôn xăng giả như đại gia Trịnh Sướng là một loại tội phạm, và việc bắt được vụ buôn xăng giả "phải trải qua quá trình điều tra, đấu tranh rất dài, phối hợp từ các lực lượng chức năng".
Ông Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an Nghệ An. Ảnh: Hoàng Phong.
|
Với kinh nghiệm của Nghệ An đã từng triệt phá đường dây buôn xăng giả trước đây, ông Cầu cho hay, bắt được vụ việc như vậy là "thắng lợi của cơ quan liên ngành". Theo ông, cơ quan điều tra phải lập chuyên án điều tra, theo dõi đối tượng sát sao hàng năm trời mới có chứng cứ. "Phải bắt được quả tang trong quá trình đối tượng đang pha trộn dung môi vào xăng thì mới là chứng cứ để xử lý hình sự. Vì thế, nếu kiểm tra, kiểm soát thông thường thì khó phát hiện", ông nói.
Không riêng xăng dầu, theo ông Cầu, còn nhiều mặt hàng khác cần lực lượng quản lý thị trường kiểm soát, trong khi lực lượng mỏng thì khó kiểm soát hết.
Kết quả điều tra của Công an tỉnh Đăk Nông cho biết, cuối năm 2018, cửa hàng xăng dầu của ông Trịnh Sướng ở thị xã Gia Nghĩa (Đăk Nông) bị phát hiện bán hơn 10 m3 xăng giả. Ngoài cơ sở của ông Sướng, cảnh sát còn phát hiện 2 cơ sở bán xăng giả khác tại huyện Đăk Song và Đăk R'lâp, tỉnh Đăk Nông.
Từ đầu năm 2017 đến nay, đường dây của ông Trịnh Sướng đã chi 3.000 tỷ đồng mua dung môi pha trộn với chất kích RON, bột màu tạo thành xăng giả. Mỗi tháng đường dây này đưa ra thị trường tiêu thụ 6 triệu lít xăng giả. Hành vi của đại gia này được xác định từ đầu năm 2017. Hơn hai năm qua, mỗi tháng đường dây này bán ra thị trường 6 triệu lít xăng giả các loại.
Nguyễn Hoài