Đại diện thương mại Mỹ: Không thể khiến Trung Quốc ngừng hành vi gian lận chỉ bằng đàm thoại
Đại diện thương mại Mỹ: Không thể khiến Trung Quốc ngừng hành vi gian lận chỉ bằng đàm thoại
Việc áp hàng rào thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc có thể không đủ để buộc Trung Quốc phải thực hiện các cải cách kinh tế theo yêu cầu của Mỹ, nhưng các rào cản thương mại là công cụ duy nhất khi các cuộc đàm phán đổ vỡ, quan chức thương mại hàng đầu của Mỹ cho biết trong ngày thứ Ba (18/06).
Hiện Mỹ đang vướng vào cuộc chiến thương mại ngày càng căng thẳng với Trung Quốc. Hồi đầu tháng 5/2019, đàm phán thương mại Mỹ-Trung đã đổ vỡ sau khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc "trở mặt" và rút lại các cam kết đã nhất trí trước đó. Kéo theo đó, Mỹ đã quyết định nâng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25%. Cho tới nay, Mỹ đã áp thêm thuế 25% lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và còn dọa áp thêm thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc chưa bị áp thuế trong những vòng trước.
Đáp trả lại, Trung Quốc nâng thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ.
Các hàng rào thuế quan từ Mỹ và Trung Quốc đã gây xáo trộn chuỗi cung ứng quốc tế và làm chậm lại tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm vừa qua.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer
|
“Tôi không biết là việc chỉ sử dụng hàng rào thuế quan có đủ để khiến Trung Quốc ngừng gian lận hay không”, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói với các nhà làm luật tại buổi điều trần trước Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ (SFC).
“Tôi nghĩ là chúng ta không còn lựa chọn nào khác. Tôi biết một phương án nhưng phương án đó không hiệu quả. Đó là trao đổi với họ”.
Trước đó, Trong ngày thứ Ba (18/06), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “sẽ có cuộc họp kéo dài” tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản vào tuần tới. Ông Trump nói thêm ông và ông Tập “đã có cuộc trao đổi rất tốt đẹp qua điện thoại” và “các nhóm đàm phán sẽ bắt đầu trao đổi trước khi chúng tôi gặp mặt”.
Thông tin này đã châm ngòi cho đà tăng mạnh trên các thị trường tài chính trong ngày thứ Ba (18/06).
Washington muốn viết lại các điều khoản thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bằng cách cải thiện bảo vệ sở hữu trí tuệ, ngừng chuyển giao công nghệ bắt buộc và trợ cấp công nghiệp, đồng thời loại bỏ các rào cản khác đang cản trở các doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc.
Ông Lighthizer vừa thực hiện buổi điều trần đầu tiên kể từ khi các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung đổ vỡ.
Ngay cả khi ông Lighthizer đang điều trần trước SFC, các quan chức khác vẫn đang lắng nghe các nhận định công khai từ các nhà bán lẻ, nhà sản xuất và các công ty khác vốn sẽ bị ảnh hưởng nếu ông Trump triển khai áp thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc chưa bị áp thuế trong những vòng trước.
Trước đó, ông Trump đã yêu cầu ông Lighthizer chuẩn bị quy trình để triển khai áp hàng rào thuế quan lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, đồng thời cho biết ông sẽ áp thuế nếu cuộc gặp với ông Tập không có đủ tiến triển.
“Tôi thậm chí còn không biết liệu chúng tôi có triển khai hay không. Điều đó tùy thuộc vào Tổng thống Mỹ”, ông Lighthizer cho biết khi các thượng nghị sĩ chất vấn ông về những tác động của hàng rào thuế quan tới công ty, người nông dân và người tiêu dùng của Mỹ.
Các nỗ lực về Nhật Bản và USMCA vẫn tiếp tục
Ông Lighthizer cũng nói với các nhà làm luật rằng Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Mỹ.
Thỏa thuận này không thể được thông qua nếu không có sự ủng hộ từ các nhà làm luật Đảng Dân chủ - vốn đã chiếm quyền kiểm soát Hạ viện Mỹ trong năm 2018. Đảng Dân chủ cho biết họ muốn đảm bảo các điều khoản về lao động và môi trường trong USMCA có thể triển khai được.
Đội ngũ của ông Trump muốn thấy thỏa thuận thương mại lớn đầu tiên mà họ đàm phán được thông qua trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020.
Ông Lighthizer cũng nói rằng các nhà đàm phán Mỹ đã có những “bước tiến thực sự” với Nhật Bản về một thỏa thuận song phương. Nhờ đó, người nông dân Mỹ sẽ có khả năng tiếp cận lớn hơn tới thị trường Nhật Bản.
Các quan chức thương mại của Mỹ sẽ gặp các đối tác Nhật Bản bên lề hội nghị thượng đỉnh G20, ông Lighthizer nói.
FiLi