Dành không gian biển cho cộng đồng: Bình Định dời 3 khách sạn lớn
Dành không gian biển cho cộng đồng: Bình Định dời 3 khách sạn lớn
Lãnh đạo tỉnh Bình Định cho biết sẽ dời ba khách sạn lớn là Hải Âu, Hoàng Yến và Bình Dương, dành toàn bộ dải bờ biển vịnh Quy Nhơn cho cộng đồng.
Ba khách sạn ven biển (từ trái sang): Hải Âu, Hoàng Yến và Bình Dương sẽ phải di dời
Ảnh: NGUYỄN DŨNG
|
Không phải đến cuộc tiếp xúc cử tri hai phường Lê Lợi và Nguyễn Văn Cừ (TP Quy Nhơn) trước kỳ họp HĐND tỉnh mới đây ông Hồ Quốc Dũng - chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - mới nhắc đến việc di dời 3 khách sạn lớn ở phía đông đường An Dương Vương. Chuyện giải tỏa tất cả công trình phía đông hai trục đường An Dương Vương, Xuân Diệu ở TP biển này đã được đặt ra trong những năm gần đây và được đưa vào quy hoạch phát triển của TP.
Bãi biển là của cộng đồng
Tại cuộc tiếp xúc hôm 3-6, có cử tri của P.Lê Lợi cho rằng 3 khách sạn sát biển gồm Hải Âu, Hoàng Yến và Bình Dương... che khuất tầm nhìn ra vịnh Quy Nhơn, làm mất cảnh quan độc đáo của dải bờ biển, đề nghị tỉnh sớm di dời.
Ông Hồ Quốc Dũng nói rằng TP Quy Nhơn được định hướng quy hoạch theo hướng TP hiện đại nhưng giữ được cảnh quan thiên nhiên độc đáo, có bản sắc riêng. Ông nói ven biển chỉ có vài công trình cao tầng tạo điểm nhấn, nhưng nằm ở phía tây chứ không phải ở phía đông hai trục đường ven biển là An Dương Vương và Xuân Diệu.
"Toàn bộ không gian Quy Nhơn đều hướng biển, khu vực biển và bờ biển là của cộng đồng, chứ không xây dựng dày đặc như một số đô thị biển khác trong khu vực. Đây là kinh nghiệm mà lãnh đạo tỉnh đã rút ra từ các đô thị biển lân cận" - ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, cả ba khách sạn Hải Âu (4 sao), Hoàng Yến (3 sao) và Bình Dương (2 sao) được xây dựng từ nhiều năm trước bên bãi biển Quy Nhơn, và là những khách sạn "có tiếng" ở TP này.
"Tất cả công trình che khuất tầm nhìn ra biển đều bị giải tỏa theo lộ trình để tạo không gian thông thoáng cho phố biển Quy Nhơn. Trước mắt, tỉnh Bình Định đã thống nhất với Bộ Quốc phòng về chủ trương di dời toàn bộ khách sạn Bình Dương; hiện đang trong quá trình kiểm kê, bồi thường giải tỏa và di dời khách sạn này đến địa điểm mới. Đối với khách sạn Hải Âu và Hoàng Yến sẽ căn cứ vào thời hạn hợp đồng cho thuê đất để tỉnh giải tỏa" - ông Dũng cho biết.
Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, ông Dũng nói dù những khách sạn trên khá nổi tiếng, quen thuộc với nhiều du khách, nhưng không chỉ lãnh đạo tỉnh, mà nhiều người dân cũng có ý kiến nên di dời, trả lại không gian cho bãi biển Quy Nhơn.
Hơn thế, hiện nay tại TP Quy Nhơn đang xây dựng một số khách sạn, cao ốc quy mô lớn, hiện đại, nên việc dời các khách sạn này cũng không ảnh hưởng nhiều đến việc đón khách du lịch của đô thị này.
"Kéo" đô thị gần hơn với không gian biển
Không chỉ giải tỏa các công trình được cho là che khuất tầm nhìn ra vịnh biển Quy Nhơn, tỉnh Bình Định còn thực hiện nhiều dự án, công trình mới để phục vụ mục tiêu quy hoạch không gian du lịch biển Quy Nhơn, trong đó lấy 2 trục đường ven biển đã nêu làm điểm nhấn.
"Quy hoạch đô thị tính toán khoảng cách giữa các tòa nhà cao tầng đủ xa về chiều ngang để không tạo ra đô thị ngột ngạt, bị bêtông hóa. Trước đây, để làm đường Xuân Diệu tạo ra bộ mặt ven biển hiện đại, xinh đẹp, Bình Định đã di dời đến gần 3.000 hộ dân. Hiện nay, tỉnh tiếp tục chỉnh trang đô thị để tạo nên không gian công cộng ở khu vực ven biển Quy Nhơn" - ông Lê Đăng Tuấn, phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định, cho hay.
Một trong những điểm nhấn là Bình Định vừa mở rộng đường Xuân Diệu về phía tây với 4 làn xe, đường Xuân Diệu cũ chạy song song được quy hoạch thành đường đi bộ kết hợp xây dựng công viên biển với mức đầu tư khoảng 280 tỉ đồng, thực hiện trong năm 2019.
Theo kiến trúc sư Võ Duy Trinh - phó trưởng Phòng quản lý đô thị TP Quy Nhơn, đồ án thiết kế đường đi bộ và công viên ven biển Xuân Diệu đặc biệt chú ý đến giao thông tĩnh khi tổ chức nhiều bãi đỗ ôtô và công trình vệ sinh công cộng.
Ngoài ra, có nhiều hạng mục đáng chú ý như xây dựng công trình triển lãm nghệ thuật, xây dựng biểu trưng Bình Định, nâng cấp công viên cảnh quan, hệ thống đèn chiếu sáng hiện đại...
Ông Hồ Quốc Dũng cho biết thêm để "kéo gần" không gian biển với đô thị Quy Nhơn, tỉnh Bình Định cũng mở thêm nhiều con đường hướng biển. Trước Tết Kỷ Hợi 2019, khu nhà cũ kỹ che chắn lối xuống biển Quy Nhơn sát với phía bắc quảng trường Nguyễn Tất Thành với 26 hộ đã được giải tỏa hoàn toàn, mở thêm một con đường rộng rãi nối xuống vịnh Quy Nhơn.
Trước đó, đường Ngô Văn Sở cũng đã thông tuyến xuống vịnh Quy Nhơn và hình thành phố đi bộ du lịch ẩm thực.
Theo kế hoạch, trong năm 2019 này, việc giải tỏa 110 hộ dân giữa hai đường Nguyễn Huệ và Xuân Diệu để thông tuyến đường Lê Hồng Phong xuống biển Quy Nhơn cũng được thực hiện. Tiếp đó, đường Ngọc Hân Công Chúa cũng sẽ được mở rộng về hướng biển...
"Giải tỏa trong khu vực lõi của đô thị Quy Nhơn rất khó khăn và tốn kinh phí rất cao. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh quyết tâm thực hiện vì vẻ đẹp độc đáo của không gian biển Quy Nhơn" - ông Dũng kết luận.
"Xén" khu lấn biển để trả vẻ đẹp của bãi biển
Ở bãi biển Quy Nhơn không chỉ có 3 khách sạn đã nêu, mà còn có khu lấn biển Mũi Tấn ở gần cảng Quy Nhơn do một doanh nghiệp thực hiện dự án nhiều năm trước nhưng dang dở, bị người dân bức xúc vì làm mất đi hình ảnh "vầng trăng khuyết" độc đáo của bãi biển Quy Nhơn lẫn gây ô nhiễm môi trường vịnh biển. Theo ông Hồ Quốc Dũng, Ban thường vụ Tỉnh ủy Bình Định đã có chủ trương mới và UBND tỉnh vừa thông qua quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 theo hướng xây kè ven biển, nạo vét một phần khối lượng đất, đá mang lên bờ và trả lại độ cong tự nhiên cho bãi biển Quy Nhơn. Chỉ một phần diện tích nhỏ phía sát Hải đoàn 48 sẽ dùng để xây dựng khách sạn, diện tích lớn còn lại xây công viên phục vụ cộng đồng. |
Duy Thanh