Đâu là những vấn đề ngăn Mỹ và Trung Quốc tiến tới thỏa thuận thương mại?
Đâu là những vấn đề ngăn Mỹ và Trung Quốc tiến tới thỏa thuận thương mại?
Bộ trường Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đang xem xét tới một vài vấn đề khó khăn nhất mà ông cho là đã ngăn Mỹ và Trung Quốc tiến tới một thỏa thuận.
Đầu tiên là vấn đề loại bỏ rào cản phi thuế quan của Trung Quốc đối với các công ty nước ngoài. Ông Mnuchin xem đây là trọng tâm của Mỹ trong cuộc đàm phán.
“Trong quá trình thương lượng về thỏa thuận, một trong những phần lớn của thỏa thuận luôn luôn là về rào cản phi thuế quan, là về chuyển giao công nghệ bắt buộc. Đó là những vấn đề rất quan trọng đối với chúng tôi và đóng vai trò then chốt trong bất kỳ thỏa thuận nào”, ông Mnuchin cho biết. “Có những vấn đề mà chúng tôi đã đạt nhiều tiến triển và trong bất kỳ thỏa thuận nào, chúng tôi cần phải chắc chắn là vấn đề đó được thêm vào thỏa thuận”.
Các quan chức và doanh nghiệp Mỹ từ lâu đã cho rằng các quy định chính thức và phi chính thức của Trung Quốc đã đẩy các công ty nước ngoài vào thế bất lợi khi hoạt động ở Trung Quốc. Một trong những ví dụ được đề cập tới thường xuyên là cơ chế “chuyển giao công nghệ bắt buộc” – trong đó các công ty bị ép buộc chia sẻ công nghệ tiên tiến và bí quyết của họ với các tổ chức Trung Quốc nhằm có được sự tiếp cận tới thị trường Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ cũng đề xuất rằng ông có thể muốn nhóm đàm phán của ông đề cập tới vấn đề đồng Nhân dân tệ, nhưng trong ngày Chủ nhật (09/06), ông Mnuchin đã bác bỏ quan điểm cho rằng Bắc Kinh đang chủ động giữ đồng Nhân dân tệ ở mức thấp nhằm có lợi thế cạnh tranh về thương mại.
Thay vào đó, ông Mnuchin cho rằng đà suy yếu của đồng Nhân dân tệ là kết quả của những áp lực suy giảm về kinh tế - một phần là do hàng rào thuế quan của ông Trump.
“Tôi thực sự nghĩ, đồng Nhân dân tệ đã chịu áp lực”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết. “Chẳng có gì hoài nghi, khi chúng tôi triển khai thuế quan, các công ty sẽ chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc và chuyển sang các quốc gia khác. Và điều đó sẽ có tác động vô cùng tiêu cực tới nền kinh tế Trung Quốc. Tôi nghĩ bạn sẽ thấy điều đó được phản ánh qua đồng tiền của Trung Quốc”.
Một chủ đề khác cũng làm gia tăng căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington là ông lớn viễn thông Huawei của Trung Quốc. Chính quyền Mỹ đã thêm Huawei vào danh sách đen về thương mại, cấm các công ty ở Mỹ làm ăn với Huawei vì lo ngại về an ninh quốc gia. Theo chính quyền Trump, lý do là Huawei có dính dáng tới những công nghệ kết nối mạng nhạy cảm và công ty này có khả năng bị Bắc Kinh gây áp lực để do thám những Chính phủ khác hoặc các hành động độc hại khác. Cả Trung Quốc và Huawei đều phủ nhận cáo buộc trên.
Ông Mnuchin nhấn mạnh rằng việc thêm Huawei vào danh sách đen chỉ là vì vấn đề an ninh quốc gia và không phải vì chiến tranh thương mại – mặc dù ông Trump đã từng nói rằng Huawei có thể là một phần của thỏa thuận lớn hơn.
“Chúng được tách biệt khỏi thương mại. Cả chúng tôi và Trung Quốc thừa nhận điều đó trong các cuộc đàm phán”, ông cho biết. “Chúng tôi có thể nói về các vấn đề an ninh quốc gia, nhưng đó là những vấn đề riêng biệt, chúng không liên quan tới thương mại”.
Cuộc họp kế tiếp giữa ông Trump và ông Tập
Bộ trưởng Tài chính Mỹ nói với CNBC rằng ông vừa gặp Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC), Yi Gang, để trao đổi về những sự chuẩn bị cho cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung.
Ông Mnuchin từ chối nói vào chi tiết của cuộc gặp gỡ đó, nhưng cho biết, ông và ông Yi Gang “đã có cuộc trao đổi riêng và cuộc trao đổi đó rất thẳng thắng và mang tính xây dựng”.
Ông Mnuchin cho biết ông không dự báo trước về cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trước khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau và ông cũng từ chối dự báo những gì sẽ diễn ra ở Osaka vào cuối tháng này.
“Tôi sẽ nói là chúng tôi mong chờ cuộc gặp đó, họ đã có cuộc đàm phán mang tính xây dựng cao ở Buenos Aires – điều đó đã dẫn tới nhiều vòng đàm phán”, ông nói. “Tôi biết họ có quan hệ rất thân thiết và nếu Trung Quốc muốn tiến tới thỏa thuận với chúng tôi, chúng tôi sẽ đàm phán với sự chân thành”.
FiLi