Dầu WTI quay đầu giảm sau khi tăng liên tiếp 3 phiên
Dầu WTI quay đầu giảm sau khi tăng liên tiếp 3 phiên
Các hợp đồng dầu WTI tương lai quay đầu giảm nhẹ vào ngày thứ Ba (25/06) sau khi tăng 3 phiên liên tiếp, do căng thẳng ngày càng leo thang giữa Mỹ và Iran, MarketWatch đưa tin.
“Đà giảm tốc của tăng trưởng toàn cầu và căng thẳng với Iran đang tác động đến thị trường dầu mỏ khi nhà đầu tư chờ đợi kết quả cuộc gặp của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, bên thềm Hội nghị thượng đỉnh G-20 trong tuần này”, Mihir Kapadia, Giám đốc điều hành tại Sun Global Investments, nhận định.
“Nỗi lo về những tiến triển chậm chạp trong đàm phán thương mại vẫn còn đó, khi có báo cáo xuất hiện cho biết… ông Trump sẽ thoải mái với bất kỳ kết quả nào”, ông Kapadia nói.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8 trên sàn Nymex lùi 7 xu (tương đương 0.1%) xuống 57.83 USD/thùng. Hợp đồng này đã khép phiên ngày thứ Hai (24/06) tại mức 57.90 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 29/05/2019, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
Dầu WTI đã tăng mạnh hồi tuần trước và đầu tuần này với những dự báo rằng căng thẳng Trung Đông có thể dẫn đến sự gián đoạn trên thị trường dầu mỏ. Đà tăng của giá dầu cũng được hỗ trợ nhờ những dấu hiệu cho thấy chính sách thúc đẩy nền kinh tế của ngân hàng trung ương có thể được đưa ra.
Iran vào ngày thứ Ba đã gay gắt chỉ trích các lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhắm đến nhà lãnh đạo tối cao và các quan chức hàng đầu khác của nước này, cho biết lệnh trừng phạt này của Mỹ là “dấu chấm hết” cho ngoại giao giữa 2 nước, Associated Press đưa tin. Về phần mình, Tổng thống Iran đã mô tả Nhà Trắng “bị ảnh hưởng bởi chứng thiểu năng trí tuệ”. Tổng thống Iran, Hassan Rouhani, tiếp tục nói thêm rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ là “thái quá và ngu ngốc”.
Từ Israel, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, John Bolton, cho biết các cuộc đàm phán với Iran vẫn có thể xảy ra và Mỹ “luôn để mở cánh cửa đàm phán” cho Iran.
Trong khi đó, hợp đồng dầu Brent giao tháng 8 trên sàn Luân Đôn tiến 19 xu (tương đương 0.3%) lên 65.05 USD/thùng.
Chính quyền ông Trump đã gia tăng áp lực kinh tế đối với Tehran kể từ khi ông Trump rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 hồi tháng 5/2018, với hy vọng thúc đẩy Iran phải chấp nhận một thỏa thuận cứng rắn hơn. Mỹ cuối cùng đang tìm cách đẩy xuất khẩu dầu của Iran về 0 nhằm thúc đẩy những nhượng bộ của quốc gia Hồi giáo này về hạt nhân.
Ngoài ra, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các đồng minh sẽ nhóm họp vào ngày 01-02/07 tới. Cuộc họp ban đầu dự kiến diễn ra vào ngày 25-26/06/2019.
“Thị trường phần lớn đang kỳ vọng rằng OPEC+ sẽ tiếp tục thỏa thuận cắt giảm sản lượng hiện tại trong nửa cuối năm 2019”, các chuyên gia phân tích ING cho hay. “Đây là điều mà một số thành viên OPEC, bao gồm Ả-rập Xê-út, tuyên bố rằng thị trường cần đến”, các nhà phân tích nhận định. Nga có lẽ là ẩn số lớn nhất, vì vậy những tuyên bố từ Moscow sẽ được xem xét thận trọng.
Sự thúc đẩy đằng sau việc trì hoãn cuộc họp của OPEC là một cách tiếp cận chờ đợi và nhận biết. Các quan chức OPEC muốn xem kết quả của Hội nghị thượng đỉnh G-20, và họ hy vọng ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, ít nhất đạt được một số tiến triển trong thỏa thuận thương mại, các chuyên gia phân tích cho hay.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng xăng giao tháng 7 tiến 1.2% lên 1.877 USD/gallon, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 30/05/2019. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 7 cộng 0.8% lên 1.923 USD/gallon.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 7 nhích 0.2% lên 2.308 USD/MMBtu.
Fili