Đề xuất thay đổi cách tính lương cho lao động Vietnam Airlines, VNPT
Đề xuất thay đổi cách tính lương cho lao động Vietnam Airlines, VNPT
Bộ LĐTB&XH đề xuất thay đổi cách tính lương cho một số doanh nghiệp Nhà nước. Điều này xuất phát từ việc nhiều doanh nghiệp trả lương cho lao động thấp hơn trung bình thị trường.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đang lấy ý kiến dự thảo nghị định thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, thưởng đối với một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
Trong giai đoạn lấy ý kiến, Bộ này đề xuất thực hiện thí điểm tại 3 đơn vị gồm Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM).
Vietnam Airlines, VNPT được tự chủ lương
Theo dự thảo, Bộ LĐTB&XH đề xuất cho 3 doanh nghiệp trên được tự chủ về số lao động và thang, bảng lương (kể cả đối với người quản lý). Người có thẩm quyền khi tuyển dụng thừa lao động sẽ phải chịu trách nhiệm.
Cơ chế tiền lương cũ khiến Vietnam Airlines gặp nhiều khó khăn trong giữ chân lao động chất lượng cao thời gian vừa qua. Ảnh: VNA.
|
Phần tiền lương của người lao động và ban điều hành sẽ được hưởng chung quỹ tiền lương khoán. Trong đó, mức giá khoán sẽ dựa trên chi phí tiền lương đã thực hiện giai đoạn 2016-2018.
Đơn giá tiền lương cũng khoán theo chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh, hao phí lao động và năng suất của từng đơn vị. Tại VNPT, dự thảo đề xuất tính theo tổng doanh thu trừ tổng chi phí chưa có lương. Tại Vietnam Airlines tính theo tấn/km hàng hóa và hành khách luân chuyển. Với VATM, đơn giá tiền lương tính theo km điều hành bay.
Ngoài ra, 3 doanh nghiệp thí điểm trên sẽ được tính bổ sung một phần tiền lương của lao động đặc thù vào đơn giá tiền lương khoán mà giai đoạn 2016-2018 đã trả thấp hơn so với thị trường.
Bộ LĐTB&XH cho biết hiện nay, VNPT trả lương cho một số lao động công nghệ cao bằng khoảng 70% thị trường. Trong khi Vietnam Airlines trả lương phi công người Việt chỉ bằng 60% phi công người nước ngoài.
Dự thảo cũng quy định đơn giá tiền lương khoán phải gắn với lợi nhuận năm 2019 và không thấp hơn bình quân giai đoạn 2016-2018. Việc này nhằm tránh bổ sung lương của lao động đặc thù quá cao, giảm hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong trường hợp, lợi nhuận năm 2019 thấp hơn thì phải giảm trừ quỹ tiền lương. Nếu lợi nhuận vượt thì được tính thêm vào quỹ tiền lương tối đa 2 tháng.
Cách tính lương của lãnh đạo cấp cao
Dự thảo cũng quy định cụ thể cách tính tiền lương của hội đồng thành viên, hội đồng quản trị và Ban kiểm soát. Trong đó, đề xuất quy định lương cơ bản và hưởng lương theo chức danh.
Cụ thể, lương cơ bản tính theo 2 loại doanh nghiệp. Một là phân loại gắn với quy mô, hai là dựa trên độ phức tạp quản lý (vốn, doanh thu, đầu mối quản lý, lao động).
Tiêu chí phân loại được dựa trên số vốn đã được quy định tại Nghị định 69/2014. Theo đó, quy mô vốn của tập đoàn là 10.000 tỷ đồng, còn tổng công ty là từ 1.800 tỷ đồng trở lên.
Như vậy, theo số liệu thống kê thực tế doanh thu, đầu mối quản lý, lao động hiện tại, thì VNPT được phân loại là tập đoàn, Vietnam Airlines và VATM hạng tổng công ty đặc biệt.
Mức lương cơ bản được quy định thấp nhất 40 triệu và cao nhất 70 triệu đồng, được tính bằng khoảng 30-35% lương chức danh trên thị trường.
Đồng thời để khuyến khích các công ty hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận, dự thảo cũng đề xuất cho phép tính thêm tiền lương của người quản lý như người lao động (thêm tối đa 2 tháng lương/năm). Quy định này sẽ bao trùm được mức lương hiện nay Nhà nước đã cho Vietnam Airlines thực hiện.
Dự thảo đề xuất trích lập quỹ tiền thưởng, phúc lợi từ lợi nhuận sau thuế không quá 3 tháng lương. Trong đó gồm 2 tháng lương và 1 tháng phúc lợi (tách riêng quỹ thưởng cho người lao động và ban lãnh đạo cấp cao).
Nếu so với quy định hiện hành, đề xuất này chỉ điều chỉnh quỹ thưởng của hội đồng thành viên, hội đồng quản trị từ 1,5 tháng lương thành 2 tháng lương, bằng quỹ thưởng của người lao động.
Quang Thắng