ĐHĐCĐ Kido: Thời kỳ khó khăn đã qua, tiếp nhận và xem xét quay lại ngành bánh kẹo
ĐHĐCĐ Kido: Thời kỳ khó khăn đã qua, tiếp nhận và xem xét quay lại ngành bánh kẹo
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2019 diễn ra sáng 14/06, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Kido (HOSE: KDC) - ông Trần Kim Thành cho biết: "Thời kỳ khó khăn của KDC xem như đã qua, sẽ có những phát triển vượt bậc, cộng thêm đầu tư cho các ngành chuẩn bị tham gia, đợi thị trường thuận lợi là triển khai và các khoản đầu tư này sẽ mang lại hiệu quả".
Chủ tịch Trần Kim Thành: "Thời kỳ khó khăn của KDC xem như đã qua, sẽ có những phát triển vượt bậc"
|
Kế hoạch 2019 lãi trước thuế 300 tỷ đồng
Đại diện Kido nhận định về tình hình kinh tế năm 2019 với nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới có khả năng sẽ tăng trưởng chậm lại, nhất là biến động về tỷ giá, lãi suất, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế… Tất cả những điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến giá nguyên liệu dầu ăn, nghĩa là ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành. Dù vậy, tiềm năng tăng trưởng ngành dầu ăn còn cao khi doanh thu năm 2018 đạt 25,000 tỷ đồng nhưng dự báo quy mô sẽ tăng lên 34,000 tỷ đồng vào năm 2023.
Theo đó, Kido đặt mục tiêu năm 2019 với doanh thu thuần 8,300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 300 tỷ đồng, lần lượt tăng 9% và 70% so với năm 2018. Cổ tức là 12%.
Để đạt được con số này, đối với ngành thực phẩm đóng gói, Kido cho biết sẽ tăng cường tích hợp lợi thế về hệ thống kênh phân phối, chuỗi cung ứng… Còn đối với ngành thực phẩm đông lạnh, Kido tập trung phát triển các sản phẩm cốt lõi của ngành kem, tiếp tục chiến lược cao cấp hóa sản phẩm và tăng cường phát triển khẩu vị địa phương. Trong đó, ngành sữa chua sẽ được cơ cấu lại sản phẩm để thâm nhập lại thị trường, còn ngành thực phẩm lạnh sẽ cẩn trọng hơn trong việc xây dựng định hướng mở rộng quy mô kinh doanh khi điều kiện thị trường cải thiện.
Ngoài ra, chiến lược của Kido thời gian tới vẫn là tiếp tục tìm kiếm đối tác phù hợp để tiến hành M&A và chọn lọc đối tác để thực hiện OEM (sản xuất sản phẩm gốc).
Năm 2018, các sản phẩm lạnh của Kido Foods chiếm 40% thị phần, dầu ăn chiếm 30% thị phần
Nói về năm 2018, Kido nhận định thị trường ngành hàng tiêu dùng (FMCG) sẽ tăng trưởng tốt với nhiều triển vọng phát triển cho tất cả các ngành hàng cốt lõi của Tập đoàn. Tuy nhiên, thực tiễn thị trường không như dự báo do chiến tranh thương mại, ngành hành FMCG tăng trưởng chậm lại, đặc biệt là việc biến động giá nguyên vật liệu đầu vào… đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của Công ty. Dù vậy, Kido vẫn thực hiện được 7,609 tỷ đồng doanh thu năm 2018, tăng trưởng hơn 8% so với năm 2017. Lợi nhuận trước thuế đạt 177 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh chiếm 133 tỷ đồng, tức đóng góp 75% trong cơ cấu lợi nhuận và đạt tốc độ tăng trưởng 40% so cùng kỳ.
Trong năm qua, Kido Foods với sản phẩm kem – sữa chua và thực phẩm lạnh đã chiếm lĩnh được 40% thị phần trong nước; còn nhóm các công ty dầu ăn chiếm 30% thị phần.
Thảo luận
Chiến lược phát triển mảng dầu ăn của Kido như thế nào để không có sự cạnh tranh giữa các công ty thành viên?
Mỗi thương hiệu nhắm vào một phân khúc đối tượng nên không có sự cạnh tranh lẫn nhau. Trong đó, Tường An tập trung vào cho dầu chai hướng tới người tiêu dùng B2C, Vocarimex là B2B khách hàng công nghiệp và xuất khẩu, còn Golden Hope thâm nhập phân khúc trung bình với nhóm sản phẩm đa dạng mẫu mã.
Đâu là sự khác biệt giữa Tường An, Vocarimex và Calofic?
Tường An đứng thứ hai sau Calofic, mỗi công ty có chiến lược khác nhau. Tường An tận dụng thương hiệu, tập trung vào dầu ăn cao cấp, an toàn, tốt cho sức khỏe. Giữa Vocarimex và Tường An có sự gắn kết để đồng hành và phát triển B2B, từ đó tăng mức độ thâm nhập thị trường.
Kido trước đây làm bánh kẹo, đến nay có ý định quay lại ngành này?
Trước đây ngành bánh kẹo là chuyên của Kido, HĐQT sẽ tiếp thu và xem xét ý kiến này.
Chiến lược của Công ty là gì khi đối diện với giá dầu ăn giảm sút?
Chúng tôi kinh doanh trong ngành hàng này khi mà giá dầu ăn có những biến động tăng giảm. Công ty mở rộng nhiều nguồn cung cấp nên có quyền chọn lựa nhà cung cấp mang đến lợi ích, giá cạnh tranh so với thị trường.
Ngành dầu ăn sụt giảm có dấu hiệu từ tháng 4/2017 khi trung bình từ 17,000 – 18,000 đồng/kg, đến nay tiếp tục giảm còn 12,800 đồng/kg, tức giảm 20%. Công ty mua nguyên liệu bằng USD và chốt thời điểm mua, sau khi hàng về Việt Nam khoảng 1 tháng thì giá xuống tiếp. Nghĩa là mua giá quá khứ nhưng bán giá hiện tại, nên chưa mua về tới đã lỗ rồi, nhập vô giá xuống lại lỗ tiếp. Trong hai năm qua là thời điểm khó khăn của ngành dầu, ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp, trong đó có chênh lệch tỷ giá cũng như cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.
Công ty có chiến lược sản phẩm theo xu hướng dầu ăn có lợi cho sức khỏe?
Nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày càng cao nên có quyền chọn lựa sản phẩm có lợi cho sức khỏe, đó là mục tiêu của Công ty. Thương hiệu Tường An đủ xây dựng trong thời gian dài.
2018 sáp nhập Golden Hope Nhà Bè, Ban lãnh đạo cho biết chiến lược phát triển Công ty này?
Kido có chiến lược phát triển riêng cho Golden Hope Nhà Bè. Công ty này có sản phẩm thương hiệu tốt như Marvela. Công ty tiếp tục build dòng sản phẩm cao cấp và đẩy mạnh chiến lược B2B. Tối ưu hóa sản xuất để giảm giá thành, tăng năng lực cạnh tranh. Kết quả kinh doanh 5 tháng 2019 đã có lời trong khi cùng kỳ 2018 lỗ.
Chiến lược xuất khẩu lâu dài của Công ty?
Công ty đang đẩy mạnh xuất khẩu châu Á, châu Âu, tương lai không chỉ xuất khẩu dầu oil, mè, mà còn dầu hướng Dương, mở rộng sang Trung Quốc, châu Phi. Đồng thời xuất khẩu dầu chai, xây dựng kênh xuất khẩu vào siêu thị của các nước. Tham vọng ngoài việc xuất khẩu dầu sang các nước để họ làm thương hiệu thì Công ty còn xuất khẩu thương hiệu tại Việt Nam ra nước ngoài.
Ngành hàng nào của công ty con mang lại hiệu quả của Kido?
Dầu là ngành chủ lực, tương lai sẽ tiếp tục phát triển ngành này, thứ hai là đông lạnh. Chiến lược Kido là vẫn tập trung vào không gian nhà bếp với các sản phẩm thiết yếu, nhưng Công ty cẩn trọng với chiến lược phát triển từng ngành hàng mới để không ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển chung của Tập đoàn. Đơn cử như năm qua mì snack tăng trưởng khá tốt.
Kế hoạch M&A của Kido như thế nào?
Kido vẫn đang tìm kiếm đối tác để thực hiện M&A, năm nay chưa có kết quả và sẽ công bố một số thương vụ M&A sau khi đã hoàn thiện.
Hiện KDC sở hữu 51% Vocarimex, 75% TAC và Nhà Bè, còn KDF là 60%.
5 tháng kết quả kinh doanh của Kido như thế nào?
Chủ tịch Trần Kim Thành: Các công ty con đều đưa ra kế hoạch 2019 tương đối thận trọng, nhưng 5 tháng đều đạt kết quả tốt, nên kết quả của KDC là doanh thu 2,665 tỷ đồng, lợi nhuận 137 tỷ đồng, tương đương 46% kế hoạch. Như vậy kế hoạch 300 tỷ đối với ban điều hành là không quá khó. Đặc biệt về doanh số, chỉ cần các mặt hàng phổ thông của ngành dầu cũng đã khả quan.
Một công ty bán đi ngành cốt lõi, thì khả năng thành công trở lại với ngành hàng mới thực sự là khó. Ngành dầu đang tăng với tỷ lệ hàng năm rất cao. Sau 3 năm KDC đã tương đối hiểu biết nhiều về ngành này như các đối tác quan trọng có thể ảnh hưởng đến giá thành, chiết khấu… thậm chí phối hợp cùng các ngân hàng để giảm bớt ảnh hưởng biến động nguyên liệu.
Còn lợi nhuận, sau khi lấy được thị phần thì lợi nhuận sẽ ngày càng tăng. Thời kỳ khó khăn của KDC xem như đã qua, sẽ có những phát triển vượt bậc, cộng thêm đầu tư cho các ngành chuẩn bị tham gia, chưa triển khai, đợi thị trường thuận lợi là triển khai và các khoản đầu tư này sẽ mang lại hiệu quả.
Fili