Grab và hành trình trở thành siêu ứng dụng tại Đông Nam Á
Grab và hành trình trở thành siêu ứng dụng tại Đông Nam Á
Bài viết này cung cấp cái nhìn sơ lược về các “ông lớn” trong lĩnh vực gọi xe và sự đột phá của họ sang các lĩnh vực dịch vụ tiêu dùng khác.
Anthony Tan và Hooi Ling Tan nảy ra ý tưởng xây dựng Grab, một công ty cung cấp dịch vụ gọi xe, khi đang theo đuổi tấm bằng MBA tại Trường Kinh doanh Harvard. Ban đầu, Grab chỉ là một dự án ở trường đại học và nhờ vào ý tưởng này, hai người bạn đã giành được giải thưởng 25,000 USD từ một cuộc thi do trường học tổ chức.
Xuất thân từ Malaysia, bộ đôi này đã nhận thức được tình trạng hỗn loạn và vô tổ chức mà ngành giao thông của các nước Đông Nam Á phải đối mặt. Hơn nữa, họ có được lợi thế vì là người đầu tiên triển khai dịch vụ gọi xe trong khu vực này. Kết hợp kiến thức về quản trị kinh doanh và quản lý tổng hợp, cả hai bắt đầu vạch ra kế hoạch kinh doanh và xây dựng một ứng dụng từ số tiền thưởng mà họ giành được từ cuộc thi nói trên.
Sau những đêm không ngủ và vô số lần động não, hai người đã triển khai GrabTaxi vào năm 2012 tại Malaysia, chỉ một năm trước khi Uber ra mắt dịch vụ gọi xe tại Singapore và 2 năm sau khi Go-Jek ra đời ở Indonesia.
Tương tự ở các quốc gia đã và đang phát triển, dịch vụ gọi xe đã trở thành ứng dụng thường nhật ở các quốc gia Đông Nam Á. Nền kinh tế trực tuyến trong khu vực được thúc đẩy mạnh mẽ bởi số lượng người dùng internet ngày càng nhiều và càng phụ thuộc. Một báo cáo năm 2018 của Google và Temasek cho thấy nền kinh tế internet tại Đông Nam Á đã đạt mốc 72 tỷ USD tổng giá trị giao dịch (GMV). Trong đó, dẫn đầu là ngành du lịch trực tuyến, thương mại điện tử, phương tiện truyền thông online và dịch vụ gọi xe.
Bước vào năm 2019 với sự tăng trưởng vượt bậc
Trong vòng bảy năm, dịch vụ gọi xe dựa trên thiết bị di động của Grab đã tăng trưởng theo cấp số nhân tại 8 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Năm 2018 là cột mốc quan trọng của công ty khi họ mua lại toàn bộ mảng dịch vụ này tại khu vực Đông Nam Á của đối thủ cạnh tranh Uber. Hiện tại, Grab đã trở thành công ty “decacorn” (start-up có giá trị vượt quá 10 tỷ USD) với mức định giá gần 14 tỷ USD, sau khi nhận được 1.46 tỷ USD cho vòng tài trợ Series H đang diễn ra từ Vision Fund của SoftBank vào tháng 3 năm nay.
Với Grab, về cơ bản, người dùng có thể vuốt ứng dụng trên thiết bị di động của họ để thuê bất cứ thứ gì chạy bằng bánh xe. Công ty đã giới thiệu hơn 10 loại dịch vụ gọi xe theo yêu cầu, bao gồm taxi, ô tô riêng, chia sẻ xe hơi, chia sẻ xe đạp, dịch vụ đưa đón và xe ôm, với hơn 2.8 triệu tài xế phụ trách hơn 6 triệu yêu cầu mỗi ngày. Trên thực tế, công ty này cũng đang nghiên cứu, hướng đến việc cung cấp mọi thứ trong lĩnh vực dịch vụ tiêu dùng.
Được quảng cáo là mô hình siêu ứng dụng, Grab đã lấn sân sang nhiều lĩnh vực dịch vụ tiêu dùng khác như dịch vụ đặt phòng khách sạn, platform video theo yêu cầu, mua vé, đặt hàng thực phẩm, mua sắm tạp hóa. Ngoài ra, Grab còn cung cấp các dịch vụ tài chính. Mô hình này được cho là đã được các tập đoàn đa quốc gia Trung Quốc tiên phong thực hiện, như Alipay và WeChat của Tencent. Hiện tại, Grab là một trong những công ty đi đầu trong mô hình này. Công ty thu về doanh số hơn 1 tỷ USD vào năm 2018 và hy vọng sẽ tăng gấp đôi vào năm 2019. Vào tháng 1/2016, GrabTaxi được đổi tên thành Grab, các nhà đồng sáng lập cho rằng sự thay đổi thương hiệu này là muốn phản ánh tất cả ngành nghề mà công ty này sẽ hoạt động. Hãy cùng xem qua các ngành công nghiệp mà hai nhà đồng sáng lập nhắm tới.
Cung cấp dịch vụ cho các công ty Fintech
Là một phần của mảng dịch vụ tài chính, vào tháng 1/2016, Grab đã ra mắt dịch vụ thanh toán di động dựa trên mã QR, GrabPay. Dịch vụ này hiện đã đưa vào hoạt động tại 6 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á: Singapore, Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Dịch vụ thanh toán này, ngoài việc chấp nhận thanh toán cho các chuyến đi của Grab, còn có thể dùng để thanh toán khi mua hàng tại cửa hàng, giao đồ ăn và chuyển tiền.
Grab cũng đã lấn sân sang cung cấp các khoản vay và dịch vụ bảo hiểm như một phần của chiến lược “Grow with Grab’ roadmap”. Công ty này hiện cung cấp khoản vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời cung cấp bảo hiểm vi mô cho các tài xế ở Singapore. Grab tuyên bố đã xây dựng được mạng lưới thương gia bao gồm hơn 600,000 thương nhân. Thị trường bảo hiểm Đông Nam Á là thị trường lớn thứ 6 với mức định giá 100 tỷ USD. GrabPay cho phép người tiêu dùng thanh toán trực tuyến khi mua hàng trên các platform thương mại điện tử như Qoo10, 11Street, v.v.
Cuối cùng, GrabPay mở rộng các dịch vụ tài chính theo hướng cung cấp tính năng 'Trả sau', dịch vụ thanh toán trả sau và trả góp tại Singapore. Dịch vụ này cho phép khách hàng thanh toán các dịch vụ của Grab vào cuối tháng mà không phải trả thêm chi phí!
Dùng bữa với Grab
Vào tháng 5/2018, Grab chính thức ra mắt dịch vụ giao hàng thực phẩm, GrabFood, như một phần trong chiến lược trở thành siêu ứng dụng thường nhật. Công ty đặt mục tiêu chiếm vị trí thống lĩnh thị trường giao hàng thực phẩm ở Đông Nam Á, dự kiến tới năm 2020, mảng dịch vụ này sẽ đạt mốc 13 tỷ USD, tăng thêm gấp 6 lần. Hai nhà đồng sáng lập đã thúc đẩy mạnh mẽ dịch vụ GrabFood sau khi tiếp quản các hoạt động tại Đông Nam Á của UberEats.
GrabFood hiện có mặt trên 200 thành phố ở 6 quốc gia Đông Nam Á, và sử dụng GrabPay để thanh toán. Đối tác tài xế của Grab thường có mức thu nhập tăng gấp đôi bằng cách trở thành đối tác giao hàng của GrabFood. Một trong những giám đốc điều hành cấp cao của công ty tuyên bố doanh thu của GrabFood đã tăng 45 lần trong khoảng thời gian từ tháng 3/2018 đến tháng 12/2018.
Mua sắm đồ tạp hóa với Grab
Nối tiếp thành công của GrabFood, vào tháng 7/2018, dịch vụ giao hàng tạp hóa GrabFresh lập tức được ra mắt trên cơ sở hợp tác với HappyFresh, nhà cung ứng dịch vụ giao hàng tạp hóa có trụ sở đặt tại Indonesia. Tương tự như việc giao thức ăn, các tài xế đối tác của Grab cũng có thể lựa chọn giao hàng tạp hóa giữa các chuyến chở khách. Thông qua GrabFresh, có rất nhiều mặt hàng để người tiêu dùng có thể lựa chọn. Tại thời điểm ra mắt, công ty cho biết sẽ cung ứng hơn 20,000 mặt hàng tạp hóa.
Còn gì nữa?
Vào tháng 4 năm nay, Grab đã bổ sung 4 ngành công nghiệp mới vào ứng dụng của họ tại Singapore: Đặt phòng khách sạn, streaming video theo yêu cầu, mua vé và lập kế hoạch du lịch. Công ty có kế hoạch triển khai các dịch vụ này cho tất cả người dùng trong siêu ứng dụng mở của họ vào tháng 6/2019. Công ty đã hợp tác với OTA, Agoda và Booking.com; đồng thời hợp tác với platform phát video theo yêu cầu HOOQ của Singapore và BookMyShow có trụ sở tại Ấn Độ, để thực thi những sáng kiến mới nhất.
Cuộc chiến của 2 siêu ứng dụng: Grab và Go-Jek
Thật thú vị khi biết rằng cả Grab và Go-Jek đều là những đối thủ cạnh tranh khốc liệt ở khu vực Đông Nam Á và những người sáng lập của hai công ty quen biết nhau từ thời còn theo học tại trường Harvard. Go-Jek, được thành lập bởi Kevin Aluwi, Michaelangelo Moran và Nadiem Makarim vào năm 2010, là nhà cung cấp dịch vụ hậu cần và gọi xe có trụ sở đặt tại Indonesia, hiện công ty đã triển khai hơn 18 loại hình dịch vụ.
Tương tự như Grab, đang nỗ lực trở thành một siêu ứng dụng, Go-Jek bắt đầu hoạt động như một dịch vụ gọi điện đặt xe, và hiện đang cung ứng các dịch vụ từ foodtech, fintech đến “siêu giao hàng” trong địa phương cũng như dịch vụ massage. Theo các nguồn tin của Techcrunch, định giá hiện tại của Go-Jek chỉ xấp xỉ mức 10 tỷ USD.
Kể từ khi Grab mua lại các hoạt động tại Đông Nam Á của Uber, hai công ty này, dựa vào “siêu ứng dụng” của họ, đang cạnh tranh để giành vị trí hàng đầu trong khu vực. Trong nhiều năm tới, Grab và Go-Jek có thể sẽ chiếm vị trí thống lĩnh ngầm trong ngành công nghiệp tiêu dùng, thông qua “siêu ứng dụng toàn năng” của họ.
Tuệ Nhiên (Theo Entrepreneur.com)
fili