Hang Seng giảm hơn 400 điểm, chứng khoán Trung Quốc đi xuống sau dữ liệu lạm phát
Hang Seng giảm hơn 400 điểm, chứng khoán Trung Quốc đi xuống sau dữ liệu lạm phát
Chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương rơi vào trạng thái trái chiều trong buổi sáng ngày thứ Tư (12/06), sau bước lùi trên Phố Wall trong đêm qua.
Tính tới lúc 10h50 ngày thứ Tư (12/06 – giờ Việt Nam), thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục suy yếu vào đầu phiên, trong đó chỉ số Shanghai Composite lùi 0.57% và Shenzhen Component hạ 0.35%. Còn Shenzhen Composite cũng giảm 0.103%.
Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 413.11 điểm (tương đương 1.49%) khi các cuộc biểu tình tiếp diễn trong ngày thứ Tư (12/06) vì đạo luật dẫn độ gây tranh cãi của Trung Quốc.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc 10h50 giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC
|
Trong khi đó, số liệu lạm phát chính thức của Trung Quốc cho thấy, chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 5/2019 tăng 0.6% so với cùng kỳ năm trước, trùng khớp vói dự báo của các chuyên viên phân tích tham gia cuộc thăm dò của Reuters. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng tăng 2.7% so với cùng kỳ năm trước, mạnh nhất kể từ tháng 2/2018 và cũng trùng khớp với dự báo của các chuyên viên phân tích.
Trên thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 0.09% vào phiên sáng, trong đó cổ phiếu của ông lớn SoftBank Group giảm hơn 2%. Chỉ số Topix hạ 0.14%.
Ở Hàn Quốc, chỉ số Kospi hạ 0.2% vào đầu phiên, trong khi chỉ số ASX 200 của Australia cộng 0.16% khi phần lớn lĩnh vực đều tăng.
Chứng khoán Mỹ quay đầu giảm nhẹ vào ngày thứ Ba (11/06), tạm nghỉ sau đà tăng mạnh khởi động tháng 6.
Cụ thể, chỉ số Dow Jones lùi 14.17 điểm xuống 26,048.51 điểm, xóa sạch đà tăng 185.99 điểm. Chỉ số S&P 500 mất gần 0.1% còn 2,885.72 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite khép phiên ngay dưới mức hòa vốn ở mức 7,822.57 điểm. Lĩnh vực công nghiệp giảm mạnh nhất trong số các lĩnh vực thuộc S&P 500, giảm 0.9% khi cổ phiếu Raytheon sụt 5.1%.
Dow Jones cũng chấm dứt chuỗi 6 phiên leo dốc liên tiếp. Tuy nhiên, S&P 500 vẫn thấp hơn 2.4% so với mức kỷ lục trong phiên.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết trong một dòng tweet rằng đồng USD đang gặp “bất lợi lớn” so với các đồng tiền chủ chốt khác như Euro.
“Đồng Euro và các đồng tiền khác đang định giá thấp so với đồng USD, đặt Mỹ vào vị thế bất lợi lớn”, ông Trump tweet, đồng thời nói thêm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không có manh mối gì. Đồng USD giảm nhẹ so với đồng Euro sau dòng tweet của ông Trump.
Nhận định của ông Trump được đưa ra giữa lúc nhà đầu tư kỳ vọng Fed có thể hạ lãi suất trong vài tháng tới, mặc dù các chuyên viên phân tích nói với CNBC rằng Fed có khả năng sẽ “giữ nguyên chính sách”.
“Tôi nghĩ tất cả những lời đồn thổi về việc Fed sẵn sàng hạ lãi suất thực chất gây phản tác dụng. Tôi không nghĩ mọi thứ quá tệ. Tôi nghĩ Mỹ có nhiều ‘đạn dược’ đó chứ”, David Marsh, Chủ tịch và đồng sáng lập tại OMFIF, cho hay. “Nền kinh tế vẫn chưa giảm tốc tới mức đó”.
Trong ngày thứ Ba (11/06), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông đang trì hoãn tiến tới thỏa thuận thương mại với Trung Quốc và ông sẽ không hoàn tất thỏa thuận trừ khi Bắc Kinh trở về những điều khoản đã đàm phán và nhất trí trước đó trong năm nay.
“Tại thời điểm này, chính tôi đang trì hoãn tiến tới thỏa thuận”, ông Trump cho biết tại Nhà Trắng trước khi đi đến Iowa. “Và chúng tôi sẽ có một thỏa thuận tuyệt vời với Trung Quốc hoặc sẽ chẳng có thỏa thuận nào”.
Thị trường tiền tệ và dầu
Chỉ số đồng USD – thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – dao động ở mức 96.700 sau khi dao động trong phạm vi 96.6 và 96.9 trong ngày hôm qua.
Đồng JPY được giao dịch ở mức 108.45 đổi 1 USD sau khi dao động ở mức gần 108.6 đổi 1 USD trong phiên trước, đồng AUD được “sang tay” ở mức 0.6952 USD sau khi chạm mức 0.699 USD.
Các hợp đồng dầu thô tương lai quay đầu giảm mạnh vào ngày thứ Tư (12/06), trong đó giá dầu WTI tương lai giảm 1.39% xuống 52.53 USD/thùng, còn hợp đồng dầu Brent tương lai hạ 1.33% xuống 61.46 USD/thùng.
FiLi