Hang Seng tăng hơn 300 điểm
Hang Seng tăng hơn 300 điểm
Chứng khoán châu Á rơi vào trạng thái trái chiều trong ngày thứ Ba (18/06) khi nhà đầu tư theo sát cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Tính tới lúc 14h05 ngày thứ Ba (18/06 – giờ Việt Nam), chứng khoán Trung Quốc dao động quanh ngưỡng tham chiếu. Hiện chỉ số Shanghai Composite lại quay đầu giảm 0.04%, trong khi Shenzhen Component tiến 0.29%, còn Shenzhen Composite cộng 0.243%.
Ở Hồng Kông, chỉ số Hang Seng cộng 322.98 điểm (tương đương 1.19%) khi cổ phiếu của gã khổng lồ công nghệ Tencent vọt hơn 1%.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc 14h05 giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC
|
Trên thị trường Hàn Quốc, chỉ số Kospi tiến 0.38% khi cổ phiếu của công ty dược Celltrion tăng hơn 1%. Trong khi đó, chỉ số ASX 200 của Australia cộng 0.6%.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0.72% khi cổ phiếu của các ông lớn chiếm tỷ trọng cao trong chỉ số chung Fast Retailing, Softbank Group và Fanuc đi xuống. Topix cũng lùi 0.66%.
Chứng khoán Mỹ tăng nhẹ vào ngày thứ Hai (17/06) nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ, khi nhà đầu tư đợi chờ cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tuần này.
Cụ thể, chỉ số Dow Jones tăng 22.92 điểm lên 26.112.53 điểm, trong khi S&P 500 tiến 0.1% lên 2,889.67 điểm. Nasdaq Composite tăng 0.6% lên 7,845.02 điểm khi nhóm cổ phiếu công nghệ đi lên.
Fed
Fed dự kiến bắt đầu cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày vào ngày thứ Ba (18/06). Kỳ vọng Fed thay đổi chính sách tiền tệ là khá thấp, nhưng nhà đầu tư sẽ trông chờ các manh mối về các đợt cắt giảm lãi suất tiềm năng vào tháng 7 và sau đó trong năm 2019.
Nhà đầu tư đang đặt cược vào khả năng giảm lãi suất vào tháng 7 và tháng 9, cũng như tháng 12/2019, dựa trên dữ liệu từ công cụ FedWatch của CME Group. Thị trường đang kỳ vọng Fed hạ lãi suất giữa lúc xuất hiện các dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế có khả năng giảm tốc. Về lý thuyết, lãi suất thấp hơn sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
“Những bài phát biểu gần đây của các quan chức Fed, bao gồm Chủ tịch Jerome Powell, đã cho thấy sự lo ngại về triển vọng lạm phát và sự sẵn lòng hành động nếu cần thiết. Chúng tôi mong chờ Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) chính thức hóa quan điểm này trong ngày thứ Tư (19/06) bằng cách gợi ý Fed sắp giảm lãi suất. Chúng tôi kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất vào tháng 12/2019, nhưng có khả năng họ sẽ giảm lãi suất sớm hơn”, Kim Mundy, Chiến lược gia tiền tệ tại Commonwealth Bank (Australia), cho biết trong báo cáo.
“Nếu Fed nới lỏng chính sách tiền tệ thì chắc chắn là họ dự báo nền kinh tế Mỹ đang giảm tốc. Nếu kinh tế Mỹ giảm tốc thì có khả năng nền kinh tế toàn cầu cũng cảm nhận chung một nỗi đau đó”, Steve Cochrane, Trưởng bộ phận kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tại Moody’s Analytics, cho biết trên chương trình “Squawk Box” trong ngày thứ Ba (18/06).
Ông cho biết, điều này cũng thôi thúc các ngân hàng trung ương trong khu vực nới lỏng chính sách và đưa ra thêm gói kích thích.
Thương mại Mỹ-Trung
Trong cuộc điều trần ở Washington trong ngày thứ Hai (17/06), hàng loạt công ty Mỹ cho biết họ có ít nguồn thay thế ngoài Trung Quốc về các mặt hàng như quần áo, thiết bị điện tử và các hàng tiêu dùng khác, khi chính quyền Mỹ chuẩn bị áp thuế mới lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc chưa bị áp thuế.
Việc nhập hàng từ những quốc gia khác sẽ làm gia tăng chi phí, trong nhiều trường hợp sẽ cao hơn cả hàng rào thuế quan 25%, một số nhân chứng nói với các quan chức từ Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, Bộ Thương mại, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên bang khác của Mỹ.
Mới đây, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng triển khai áp thêm thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc chưa bị áp thuế trong những vòng trước, nếu hai bên không tiến tới thỏa thuận thương mại.
“Chúng tôi rồi sẽ tiến tới thỏa thuận, nhưng nếu không thì Tổng thống Mỹ hoàn toàn vui lòng mà triển khai động thái áp thêm thuế mà chúng tôi đã thông báo từ trước, đồng thời áp thêm hàng rào thuế quan mới mà ông ấy đã tạm thời đình chỉ”, ông Ross cho hay.
FiLi