Không giải quyết được khuyến nghị của EC, thủy sản có nguy cơ dính 'thẻ đỏ'
Không giải quyết được khuyến nghị của EC, thủy sản có nguy cơ dính 'thẻ đỏ'
Nếu không giải quyết được các vấn đề về khai thác IUU, Việt Nam sẽ bị xác định là quốc gia không hợp tác và có thể sẽ bị áp dụng biện pháp 'thẻ đỏ'. Khi đó, tất cả sản phẩm thủy sản của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp sáng 21-6
|
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết như vậy khi phát biểu mở đầu cuộc họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU) sáng 21-6.
Phát biểu mở đầu cuộc họp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết ngành thủy sản nói chung, lĩnh vực khai thác thủy sản nói riêng đã có nhiều bước tiến vượt bậc, trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém chậm khắc phục, chưa đáp ứng được xu thế hội nhập.
Điều đó được thể hiện rõ nhất qua việc ngày 23-10-2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã cảnh báo "thẻ vàng" đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu vì Việt Nam thực hiện chưa tốt quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU).
"Khi bị cảnh báo "thẻ vàng", 100% lô hàng thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của Việt Nam bị kiểm tra khi xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU). Nếu không giải quyết được các vấn đề về khai thác IUU, Việt Nam sẽ bị xác định là quốc gia không hợp tác và có thể sẽ bị áp dụng biện pháp "thẻ đỏ".
Trường hợp bị áp dụng biện pháp "thẻ đỏ", tất cả sản phẩm thủy sản từ khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU. Do EU là thị trường tín chỉ nên các thị trường khác có thể sẽ áp dụng biện pháp tương tự với hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam" - Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Phó thủ tướng, thời gian qua Chính phủ, bộ ngành và các địa phương đã nỗ lực triển khai các giải pháp cấp bách để khắc phục những khuyến cáo của IUU. Nhưng đến nay kết quả đạt được chưa đáp ứng được yêu cầu của EC. Đặc biệt, tàu cá và ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản vi phạm ở nước ngoài vẫn còn diễn ra, chưa có dấu hiệu dừng lại.
Công tác giám sát tàu cá hoạt động trên biển, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác chưa tốt, xử lý các hành vi khai thác IUU chưa nghiêm, nguồn lực cho hoạt động chống khai thác IUU chưa được đầu tư đúng mức… Chính vì vậy mà chúng ta chưa tạo được bước đột phá trong công tác chống khai thác IUU.
Trên có sở đó, ngày 20-5, Thủ tướng quyết định thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về IUU.
Phó thủ tướng đề nghị tập trung đánh giá kết quả đạt được và chỉ rõ tồn tại, hạn chế của bộ ngành, địa phương trong thời gian qua.
Từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể mang tính thực tiễn về công tác chỉ đạo, điều hành, đầu tư nguồn lực về vật chất, con người, cách thức tổ chức triển khai thực hiện để ngăn chặn, loại bỏ khai thác IUU, gỡ cảnh báo ‘thẻ vàng" của EC đối với Việt Nam.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, năm 2018 xảy ra 85 vụ/137/1.162 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, tiếp tục tăng so với năm 2017. Trong 5 tháng đầu năm 2019, tiếp tục diễn biến phức tạp khi xảy ra 41 vụ/69 tàu/271 ngư dân vi phạm. Các tỉnh có nhiều tàu cá vi phạm gồm Kiên Giang, Bến Tre, Cà Mau, Bình Định… |
CHÍ TUỆ