Nghề chấp bút cho người nổi tiếng
Nghề chấp bút cho người nổi tiếng
Ngày càng có nhiều người nổi tiếng, doanh nhân muốn ra mắt tự truyện và các cuốn sách truyền cảm hứng. Thay vì tự mình ngồi nhiều tháng tới cả năm để hoàn thiện hàng trăm trang, có hẳn các nhóm hùng hậu đứng sau các cuốn sách này.
Nhóm hỏi đáp nói chuyện với diễn giả Nguyễn Văn Trường để chấp bút cho cuốn sách của anh
ẢNH: LÊ NAM
|
“Dây chuyền” chấp bút
Người chấp bút không đơn thuần viết lại những gì nhân vật nói, mà phải viết dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về nhân vật, cùng họ phát hiện ra những điểm đặc trưng nhất mà đôi khi chính họ cũng chưa nhận ra. Trương Vũ Khánh Linh (Làm việc tại NXB Kim Đồng) |
Hồ Thị Hồng Nhiên (24 tuổi), tốt nghiệp Khoa Văn học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, bắt đầu làm công việc chấp bút gần một năm nay trong một công ty khởi nghiệp. Công việc của cô là tham gia các buổi phỏng vấn với tác giả sách, tốc ký (ghi chép nhanh) lời kể của tác giả sách, sau đó từ các bản thảo này sẽ viết hoàn thiện cuốn sách.
Chúng tôi có mặt trong một công ty chuyên viết sách cho các diễn giả, doanh nhân, người thành công trong một công ty trên đường Trần Ngọc Diện, Q.2, TP.HCM. Tại đây, khoảng 10 nhân viên được chia thành các nhóm khác nhau, nhóm chuyên phỏng vấn và ghi chép lời kể của nhân vật; nhóm viết sách; nhóm biên tập, nhóm thiết kế…
Nguyễn Trương Tuệ (23 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, có gần 1 năm gắn bó với công việc chuyên trò chuyện, đặt câu hỏi, làm sao để các tác giả nói chi tiết và hay nhất câu chuyện mình muốn truyền tải trong sách.
“Có những tác giả vẫn chưa thể hình dung ra hết là những cuốn sách này mình sẽ viết gì trong đó. Việc của người trò chuyện, hỏi đáp với tác giả rất quan trọng, để tác giả có cảm hứng, năng lượng trong lúc trò chuyện. Cái quan trọng nhất là năng lượng và cảm hứng của tác giả trong lúc làm việc sẽ cho ra được nhiều câu nói hay”, Trương Tuệ nói.
Với Hồ Thị Hồng Nhiên, để có cảm hứng và viết ra được cuốn sách chân thật, Nhiên phải đọc nhiều, tìm hiểu thông tin nền về tác giả, công việc của người đó, những trải nghiệm tác giả đã trải qua, để có thể hóa thân trong các câu chuyện, đưa vào trang sách những cảm xúc chân thật như chính tác giả từng có.
Nhiên chấp bút 10 cuốn sách trên tổng số gần 12 tháng làm việc, 2 cuốn sách khiến cô hài lòng nhất là viết cho diễn giả Nguyễn Hà Bằng và diễn giả Phạm Thành Long. “Anh Long muốn dẫn dắt từ những câu chuyện ngoài đời, đúc kết cho người đọc những triết lý cuộc sống sâu sắc. Anh Long cho tôi được sáng tạo trong những trang viết, nên công việc này rất thú vị”, Nhiên cho biết.
Tuy nhiên, yêu cầu công việc của một người chấp bút không đơn giản. Ngoài khả năng viết, câu từ không cần quá hoa mỹ, xuất sắc nhưng người chấp bút phải có khả năng diễn đạt, làm sao để rõ ràng, truyền đạt được hết ý tưởng của tác giả sách. “Để cuốn sách có hồn như chính tác giả viết lên, chúng tôi phải ngồi cùng tác giả, có kiến thức kỹ năng phỏng vấn để trong thời gian ít ỏi đó có thể khai thác được dữ liệu, được nhiều thông tin hay, thú vị, hấp dẫn để mình đưa vào quyển sách”, Nhiên nói thêm.
Nguyễn Văn Trường (32 tuổi), diễn giả, giám đốc của 4 doanh nghiệp khác nhau tại TP.HCM, người vừa làm việc với Trương Tuệ để có thể ra mắt cuốn sách đầu tiên của mình, cho biết bản thân anh cũng khá bất ngờ khi được biết đến việc có thể có nhóm chấp bút, giúp mình tiết kiệm nhiều thời gian. “Trước đây, tôi nghĩ mình phải chuẩn bị rất nhiều, nhưng tới đây, tôi biết mình chỉ cần ngồi, làm sao để có nhiều năng lượng nhất, chia sẻ những câu chuyện chân thực, sống động nhất, để các bạn có tư liệu viết lại thành sách”, anh Trường chia sẻ.
Cần cả kỹ năng sống
Anh Nguyễn Trương Tuyến, CEO của Công ty TGS Books, đơn vị chấp bút cho cuốn sách của bình luận viên bóng đá Quang Huy; người VN trẻ nhất chinh phục đỉnh Everest Phan Thanh Nhiên và nhiều người nổi tiếng khác, cho biết ngày càng nhiều người nổi tiếng, diễn giả, doanh nhân muốn có cuốn sách cho riêng mình, do đó công ty dù mới chính thức hoạt động hơn 1 năm nhưng đã chấp bút hơn 40 cuốn sách cho các tác giả, nhiều người trong số này quay lại đặt hàng 2 cho tới 10 cuốn sách, nhờ nhóm chấp bút trong thời gian tới. “Có thời điểm, công ty chúng tôi viết không kịp vì nhu cầu của khách hàng quá nhiều”, anh Tuyến nói.
Theo anh Tuyến, người có nhu cầu ra sách chỉ mất trọn vẹn 3 ngày, mỗi ngày khoảng 12 tiếng đồng hồ để hỏi đáp với một nhóm, phần còn lại, nội dung, bìa sách, liên kết với nhà xuất bản cũng có nhóm phụ trách.
“Sau 3 ngày, tác giả sách đã xong nhiệm vụ. Thông thường, trong khoảng 30 ngày tiếp theo, cuốn sách sẽ được hoàn thiện”, anh Tuyến cho hay.
Chị Trương Vũ Khánh Linh, làm việc tại Nhà xuất bản Kim Đồng, người chấp bút cuốn Alpha Woman của diễn viên, đạo diễn, nhà sản xuất phim Ngô Thanh Vân, cho biết mình bắt đầu các buổi phỏng vấn tác giả sách vào khoảng tháng 9.2018, và hoàn thành bản thảo sau đó 4 tháng. Để có cảm giác và sự hiểu biết nhân vật, chị Linh đọc rất nhiều bài phỏng vấn, xem rất nhiều tài liệu, video, hình ảnh…
“Người chấp bút không đơn thuần viết lại những gì nhân vật nói, mà phải viết dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về nhân vật, cùng họ phát hiện ra những điểm đặc trưng nhất mà đôi khi chính họ cũng chưa nhận ra. Vì vậy, ngoài kỹ năng viết lách thì người chấp bút cần phải có nhiều kỹ năng sống khác”, chị Linh chia sẻ.
Theo tiết lộ của một đơn vị chuyên dịch vụ chấp bút cho người nổi tiếng, với một cuốn sách trung bình khoảng 200 - 250 trang thì chi phí chấp bút từ vài chục triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng (chi phí này không bao gồm các khâu làm việc với nhà xuất bản, in ấn, ra mắt sách...).
Trong khi một số tác giả yêu cầu ghi riêng họ tên người chấp bút trên bìa sách thì tại một số đơn vị người chấp bút được “ở ẩn”, không được nhắc tới trong cuốn sách. Những người làm nghề chấp bút cho biết, giúp người khác viết nên cuốn sách đời họ đã là thành công, là trải nghiệm thú vị mà họ có.
Hà Thanh - Thúy Hằng