Nhịp đập Thị trường 05/06: Giữ được sắc xanh
Bài cập nhật
Nhịp đập Thị trường 05/06: Giữ được sắc xanh
VN-Index đóng cửa với sắc xanh nhẹ trên mốc tham chiếu. Dù vậy, chỉ số VN30 lại bất ngờ đảo chiều giảm điểm trước sức ép mạnh từ bên bán vào cuối phiên.
Kết phiên, chỉ số VN-Index tăng 0.03%, đạt 951.41 điểm; chỉ số HNX-Index tăng 0.47%,, đạt 103.54 điểm. Độ rộng thị trường kết phiên nghiêng hẳn về bên bán với 346 mã tăng điểm và 244 mã giảm điểm.
Thanh khoản tiếp tục suy yếu trong phiên hôm nay khi khối lượng khớp lên trên sàn HOSE chỉ đạt vỏn vẹn 95 triệu cổ phiếu.
VIC là trụ chính giúp thị trường giữ vững được sắc xanh trong phiên hôm nay khi bứt phá hơn 1%. Theo sau đó là đà tăng của các cổ phiếu HVN, VNM, SAB, VRE, CTG. Trong khi đó, sắc đỏ từ các cổ phiếu BID, VCB, HPG là tác nhân chính kìm hãm đà tăng của thị trường.
Nhóm ngân hàng diễn biến khá trái chiều. Trong khi, ACB, CTG, TCB đồng loạt có được sắc xanh thì VCB, VPB, MBB, EIB lại chìm trong sắc đỏ. Tiêu cực nhất là cổ phiếu EIB, sụt giảm sâu đến 3.5%.
Ngành sản phẩm cao su là ngành tăng mạnh nhất thị trường với mức tăng 2.72% Ngược lại, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ là ngành ảnh hưởng tiêu cực nhất tới thị trường khi giảm 2.34%.
Khối ngoại mua ròng gần 74 tỷ trên sàn HOSE và bán ròng gần 8 tỷ trên sàn HNX. Lực mua tập trung ở các mã KMR và VIC trên sàn HOSE. PVS và HGM là các cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất trên sàn HNX.
14h: Suy yếu về gần mốc tham chiếu
Bước vào phiên chiều, VN-Index trở nên ngày càng suy yếu trước áp lực của bên bán.
Độ rộng thị trường nghiêng có phần cân bằng hơn với 299 mã tăng điểm và 231 mã giảm điểm. Điều này cho thấy bên bán đang mạnh dần lên.
VIC tiếp tục giữ vững vai trò trụ chính của thị trường trong phiên hôm nay. Các Large Cap đầu ngành khác như SAB, GAS, TCB, CTG cũng đóng góp tích cực vào đà tăng của VN-Index. Trái ngược lại, BID, VCB, HPG đang dẫn đầu nhóm giảm điểm làm suy yếu chỉ số.
Nhóm bất động sản khu công nghiệp đang diễn biến khá trái chiều. Các mã SZL, NTC đều tăng tốt trên 1% trong khi LHG, KBC đồng loạt lùi về dưới tham chiếu
Ở nhóm thủy sản, MPC tiếp tục có phiên giảm sâu thứ 4 liên tiếp sau khi công ty này bị cáo buộc né thuế chống phá giá đối với tôm.
Nhóm ngành bảo hiểm đang giao dịch khá ảm đạm. Hầu hết các cổ phiếu đều giao dịch với biên độ hẹp quanh mốc tham chiếu với khối lượng cạn kiệt.
Ngành sản phẩm cao su hiện là ngành ảnh hưởng duy nhất tăng điểm trên thị trường khi tăng 2.72%. Ngược lại, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ hiện là ngành ảnh hưởng tiêu cực nhất thị trường khi giảm 3.1%.
Phiên sáng: Trở lại trạng thái giằng co
VN-Index kết thúc phiên sáng ở trạng thái giằng co quanh mốc 955 điểm. Động lực bứt phá của thị trường vẫn đang rất yếu khi thanh khoản chưa có dấu hiệu được cải thiện.
Kết phiên sáng, VN-Index đạt mức 954.34 điểm, tăng 0.33%. HNX-Index dừng tại mức 103.5 điểm, tương đương mức tăng 0.43%.
Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua với 305 mã tăng điểm và 187 mã giảm điểm.
Dù sắc xanh vẫn đang chiếm xu hướng chủ đạo nhờ sự giúp sức của các cổ phiếu đầu ngành như VIC, VNM, CTG, MSN. Song, một số cổ phiếu Bluechip đã đảo chiều giảm điểm như VHM, VCB, HPG đã khiến đà tăng của thị trường ngày càng suy yếu.
Các cổ phiếu ngành hàng không đang diễn biến khá trái chiều. Trong khi HVN tăng tốt trên 1% thì VJC sụt giảm nhẹ xuống dưới mốc tham chiếu.
Nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán đang giao dịch rất tích cực trong phiên sáng nay. Các Large Cap như HCM, SSI, VND đồng loạt có được sắc xanh. Trong đó, HCM và VND đều bứt phá tốt trên 1%.
Ngành sản phẩm cao su hiện là ngành ảnh hưởng duy nhất tăng điểm trên thị trường khi tăng 2.49%. Ngược lại, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ hiện là ngành ảnh hưởng tiêu cực nhất thị trường khi giảm 1.81%.
Khối ngoại mua ròng hơn 48 tỷ đồng trên sàn HOSE. Lực mua tập trung ở các mã KMR và VIC trên sàn HOSE. HGM đang là cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất trên sàn HNX.
10h30: Lực cầu yếu dần
Sau khi mở cửa đầy hưng phấn, lực cầu không được duy trì mạnh khiến đà tăng của thị trường bị thu hẹp. Thị trường tiếp tục giao dịch ở mức thanh khoản thấp cho thấy sự thận trọng vẫn đang chi phối.
Độ rộng thị trường tiếp tục nghiêng về bên mua với 296 mã tăng và 140 mã giảm điểm.
Bộ ba cổ phiếu họ Vin gồm VIC, VHM, VRE tiếp tục giữ được sắc xanh và là đầu tàu dẫn dắt đà tăng của thị trường, theo sau đó là các Large Cap khác như TCB, GAS, CTG. Trong khi đó, sự sụt giảm mạnh của các cổ phiếu EIB, BHN đang kìm hãm đà tăng của VN-Index.
Nhóm dệt may đang giao dịch khá tích cực khi các mã GIL, TCM, VGT đều đang tăng điểm. Các cổ phiếu ngành thủy sản cũng đang có dấu hiệu hồi phục trở lại sau nhiều phiên giảm điểm sâu. ANV, MPC, IDI đồng loạt tăng tốt hơn 1%.
Ấn tượng nhất trong phiên sáng nay là sự trở lại của cổ phiếu YEG với mức tăng gần kịch trần đi kèm mức thanh khoản ấn tượng.
Sản phẩm cao su hiện là ngành duy nhất có ảnh hưởng tốt tới thị trường khi tăng 2.64%. Ngược lại, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ hiện là ngành ảnh hưởng tiêu cực nhất thị trường khi giảm -1.78%.
Mở cửa hưng phấn
Thông tin Fed dự định hạ lãi suất và Trung Quốc muốn giải quyết xung đột thương mại qua đàm phán đã giúp giải tỏa tâm lý nhà đầu tư. Thị trường mở cửa hưng phấn với sắc xanh lan tỏa rộng trên khắp các nhóm ngành.
* Nối gót Phố Wall, chứng khoán châu Á bật tăng đầu phiên, riêng Trung Quốc “ngược gió”
* Chứng khoán tháng 6 sẽ ảm đạm?
Độ rộng thị trường đầu phiên nghiêng mạnh về bên mua với 256 mã tăng và 89 mã giảm điểm.
Các Large Cap đầu ngành như GAS, VNM, VIC, VHM đều đang bứt phá mạnh mẽ dẫn đầu đà tăng của thị trường. Ở chiều giảm điểm, ảnh hưởng từ sắc đỏ của các cổ phiếu EIB, ROS, BID là không đáng kể.
Ngành ngân hàng đang diễn biến rất tích cực khi chỉ có một mã giảm điểm. Các Large Cap như VCB, ACB, MBB đồng loạt có được sắc xanh tích cực. Ấn tượng nhất là đà tăng mạnh của VIB và TCB, cả hai đều bứt phá mạnh gần 2%.
Giá dầu đang có dấu hiệu phục hồi cũng là thông tin bổ trợ tốt giúp các cổ phiếu ngành khai khoáng, tiện ích giao dịch tích cực trong phiên sáng nay. GAS, PVS, PVD, PVB, PVC đều đang tăng mạnh hơn 1%.
Khai khoáng hiện là ngành ảnh hưởng tốt nhất tới thị trường khi tăng 1.79%. Ngược lại, tài chính khác hiện là ngành ảnh hưởng tiêu cực nhất thị trường khi giảm -1.19%.
FILI