NHNN: Đẩy mạnh cơ cấu hệ thống tín dụng gắn với xử lý nợ xấu
NHNN: Đẩy mạnh cơ cấu hệ thống tín dụng gắn với xử lý nợ xấu
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa tổ chức Hội nghị thông tin kết quả điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) và hoạt động Ngân hàng 6 tháng đầu năm 2019 cùng với định hướng những tháng cuối năm 2019.
Năm 2019, NHNN định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13% và tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Chú thích: Hội nghị thông tin kết quả điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng những tháng đầu năm 2019, định hướng những tháng cuối năm 2019 được tổ chức vào chiều ngày 10/06/2019. Nguồn ảnh: Ái Minh
|
Về bối cảnh kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ 6 tháng đầu năm 2019, ông Phạm Thanh Hà – Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ cho biết, kinh tế thế giới với chiến tranh thương mại gia tăng, giá dầu thô biến động mạnh, thị trường tài chính toàn cầu diễn biến phức tạp đã tạo ra những khó khăn thách thức cho việc điều hành kinh tế vĩ mô.
Theo đó, với việc bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, trong 6 tháng đầu năm 2019, NHNN điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa (CSTK) và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Đến ngày 31/05/2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 4.98% so với cuối năm 2018, thanh khoản của hệ thống TCTD được đảm bảo, thông suốt.
NHNN đã điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, giữ ổn định các mức lãi suất điều hành và chỉ đạo TCTD rà soát, cân đối tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý trên cở sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, đảm bảo an toàn tài chính. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay về cơ bản tiếp tục ổn định, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6 – 9%/năm; 9 – 11%/năm đối với trung và dài hạn.
Trước những diễn biến phức tạp của thị trường trong và ngoài nước vào những tháng đầu năm 2019, NHNN đã chủ động điều hành linh hoạt tỷ giá trung tâm, tận dụng điều kiện thị trường thuận lợi để mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước, giúp thị trường tương đối ổn định, thanh khoản đảm bảo, giao dịch ngoại tệ thông suốt.
Nhìn chung, ngành Ngân hàng cơ bản đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, các nhu cầu đời sống chính đáng của người dân. Đến ngày 31/05/2019, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 5.74% so với cuối năm 2018. Tín dụng hướng vào sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được tăng cường kiểm soát.
Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD. Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 3/2019, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 907.33 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó, riêng trong năm 2018, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 163.14 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 03/2019 là 2.02%.
Trong lĩnh vực thanh toán, bên cạnh hoàn thiện cơ sở pháp lý, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Nhờ đó, tổng giá trị giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng trong 5 tháng đầu năm 2019 đạt trên 64,160 nghìn giao dịch, tương ứng với gần 35,728 nghìn tỷ đồng (tăng khoảng 23.23% về số lượng giao dịch và tăng 17.63% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm ngoái).
Trên cơ sở các mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ và diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, NHNN tiếp tục điều hành nghiệp vụ thị trường mở, điều tiết thanh khoản của các TCTD ở mức hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ, góp phần thực hiện mục tiêu CSTT trong những tháng cuối năm.
Đồng thời, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô và điều hành tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán...; tăng cường quản lý rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông, tín dụng tiêu dùng. Kiểm soát cho vay bằng ngoại tệ và có lộ trình phù hợp giảm dần cho vay bằng ngoại tệ.
NHNN vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai đề án cơ cấu lại hệ thống tín dụng gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020, trong đó, tập trung xử lý hiệu quả các TCTD yếu kém và đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia.
FILI