Quả bóng tỷ giá được chuyền cho các ngân hàng
Quả bóng tỷ giá được chuyền cho các ngân hàng
Giờ thì chẳng còn mấy ai quan tâm đến giá vàng hàng ngày. Việc mua nhà, mua đất bằng vàng đã chìm hẳn vào dĩ vãng. Có thể đến một ngày nào đó, 5 hay 10 năm nữa, người dân cũng sẽ không còn quan tâm đến tỷ giá hối đoái.
Doanh nghiệp sẽ chỉ còn chú trọng đến lãi suất và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ còn tập trung điều hành lãi suất như ngân hàng trung ương các nước phát triển vẫn đang vận hành. Để đạt đến thực trạng ấy, con đường phía trước còn dài và chông gai, nhưng ít nhất hôm nay cơ quan quản lý ngành ngân hàng đã đặt những bước chân đầu tiên để đi tới đích.
Điều hành tỷ giá không chỉ là "chuyền bóng" mà là cả mức độ chuyền mạnh/nhẹ ra sao. Ảnh minh họa Thành Hoa.
|
Hơn một tháng qua tỷ giá “nổi sóng”. Có hai đặc điểm của “con sóng” này. Thứ nhất, bước nhảy trong tỷ giá niêm yết mua bán hàng ngày của các tổ chức tín dụng khá lớn, trên dưới 100 đồng/đô la Mỹ. Có những ngày tỷ giá niêm yết của ngân hàng giảm mạnh cả trăm đồng/đô la Mỹ, rồi vài hôm sau lại tăng mạnh chừng 100 đồng. Sự lên xuống này lặp đi lặp lại với dụng ý rõ ràng để các chủ thể trên thị trường quen dần với độ rộng của bước nhảy mới.
Thứ hai, “con sóng” hiện hữu không có dấu hiệu kết thúc. Ngược lại, nhiều khả năng sự rập rình của nó sẽ còn kéo dài. Điều lạ là cả người có nhu cầu mua và người có nhu cầu bán đều không tỏ ra quá quan ngại.
Các nhà nhập khẩu cho biết từ đầu năm đến nay tỷ giá điều chỉnh theo hướng đồng Việt Nam mất giá so với đô la Mỹ chưa đến 1% (từ 23.240 đồng lên 23.450 đồng/đô la Mỹ) là chấp nhận được. Nhà xuất khẩu dĩ nhiên hài lòng vì mức độ giảm giá của tiền đồng ít nhiều hỗ trợ hàng Việt Nam xuất ngoại.
Về phần mình, người gửi tiền cũng tính toán chán ra đấy. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn sáu tháng tiền đồng ở nhiều ngân hàng vẫn đang duy trì 7-8%/năm. Giả dụ tỷ giá cả năm biến động 2-3%, gửi tiền đồng vẫn ưu thế hơn hẳn.
Trên thị trường tự do, giá mua bán đô la mặt nương theo giá ngân hàng và nhìn chung không ghi nhận bất kỳ sự đột biến nào. Bộ phận kinh doanh ngoại tệ của các tổ chức tín dụng có vẻ “hân hoan” hơn trước đây. Ít nhất độ rộng của bước nhảy mới giúp họ kiếm lợi nhuận dễ dàng hơn một chút so với cái tỷ giá ngày nào cũng giống ngày nào của cả quí 1 năm nay.
Còn cơ quan quản lý thì sao? Đại diện NHNN lên tiếng thường xuyên sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp nếu thị trường có nhu cầu. Nói là nói vậy thôi, chứ NHNN thừa biết nguồn cung ngoại tệ đang dồi dào, các ngân hàng đủ sức tự điều tiết cung cầu mà không cần mua của NHNN.
Cơ quan quản lý đang có nguồn dự trữ ngoại tệ cao nhất trong lịch sử từ trước đến nay, khoảng 67-68 tỉ đô la Mỹ (từ đầu năm đến nay NHNN đã mua vào 8,35 tỉ đô la Mỹ và con số dự trữ ngoại hối đến cuối năm ngoái khoảng 60 tỉ đô la Mỹ), nếu bán ra vài tỉ đô la Mỹ cũng không có vấn đề gì.
Tỷ giá trên thực tế sẽ không thể tự “chuyển động” khi nguồn cung vẫn tiếp tục lấn lướt cầu. Việt Nam đang thặng dư cán cân vãng lai ở mức cao. Tuy nhiên, dù muốn hay không, tỷ giá vẫn phải được điều hành một cách phù hợp với diễn biến lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm nay dự kiến ở tầm 4%, thì tỷ giá không thể “giẫm chân tại chỗ”.
Một yếu tố tế nhị khác. Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ - một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực của chúng ta - chưa thay đổi bao nhiêu so với các năm trước. Phía Mỹ đang không ngần ngại đề cập đến vấn đề này và chúng ta chẳng bao giờ muốn có mặt trong danh sách các nước thao túng tiền tệ của Mỹ.
Trong khi đó đồng nhân dân tệ đã mất giá 3% so với đô la Mỹ chỉ trong vài tuần vừa qua và kim ngạch thương mại Việt - Trung ở quy mô lớn. Ứng xử thế nào với tỷ giá để trung hòa cả hai nhân tố nói trên, đồng thời đạt được mục đích điều hành kinh tế vĩ mô của chúng ta? Chỉ có một cách ứng xử: chuyền quả bóng tỷ giá cho các ngân hàng. Người chuyền bóng, tất nhiên, là NHNN.
Lúc này đã có thể khẳng định điều hành tỷ giá không chỉ là chuyền bóng mà là cả mức độ chuyền mạnh/nhẹ ra sao. Không khó để thấy trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, chủ thể đưa đẩy tỷ giá bắt đầu từ những “ông lớn” có truyền thống kinh doanh ngoại tệ như Vietcombank, BIDV, VietinBank hay các ngân hàng nước ngoài.
Cung đang dư, cầu chỉ có chừng đó, cách tốt nhất để tỷ giá “chạy lên chạy xuống” là sự “ra mặt” của yếu tố tâm lý. Trong giới kinh doanh ngoại tệ của các tổ chức tín dụng, đâu đó đã có những gợi ý kiểu dường như cơ quan quản lý có thể điều chỉnh tỷ giá.
NHNN, một mặt, không phủ nhận cũng không khẳng định cái điều gợi ý ấy. Sự gợi ý lửng lơ, do đó, vẫn tiếp tục tồn tại. Mặt khác tỷ giá trung tâm được NHNN công bố hàng ngày biến thiên chậm, đều đặn. Ngày 2-1-2019, tỷ giá trung tâm ở mức 22.825 đồng/đô la Mỹ. Ngày 25-5-2019 nó là 23.066 đồng/đô la Mỹ, tức tiền đồng giảm giá 1,06% so với đầu năm.
Trước đây tỷ giá niêm yết giao dịch của các ngân hàng thường bám rất sát tỷ giá trung tâm, nhưng suốt quí đầu tiên của năm và cả đến đầu tháng 4-2019, tỷ giá ngân hàng vẫn không chịu “chạy” vì cầu không vượt nổi cung. Đã vậy lãi suất tiền đồng trên thị trường một (huy động từ dân cư) lại không hạ. Các ngân hàng không “dại dột” gì giữ trạng thái ngoại hối tối đa.
NHNN, một cách khách quan mà nhận xét, đã và đang ứng xử khéo léo với tỷ giá khi đã chuyền quả bóng tỷ giá sang tay các tổ chức tín dụng, mà vẫn gián tiếp kiểm soát đường lăn của trái bóng. Sự ứng xử mới đang phát huy tác dụng và có thể thấy tỷ giá đang trên đường về đích điều chỉnh 2% mà không gây “tổn thương” cho các chủ thể thị trường.
Hải Lý