Quỹ ngoại PYN Elite: “Bán trong tháng 5, nhưng đừng vội ra đi khi tiềm năng vẫn còn đó!”
Quỹ ngoại PYN Elite: “Bán trong tháng 5, nhưng đừng vội ra đi khi tiềm năng vẫn còn đó!”
Tháng 5 là giai đoạn giới đầu tư bị cuốn theo hiện tượng “sell-in-May-and-go-away” (“bán ra trong tháng 5 và né xa”), nhưng việc của nhà đầu tư thực thụ nên làm không phải là xác định thời điểm mua đi bán lại, quỹ ngoại PYN Elite nhận định.
Tháng 5/2019, VN-Index giảm 2.02% vì thương chiến Mỹ - Trung leo thang căng thẳng sau khi đàm phán đổ vỡ, cùng với đó giá dầu cũng rớt mạnh. Tuy nhiên, việc xác định thời điểm là việc của những nhà giao dịch, chứ không phải là điều mà nhà đầu tư thực thụ nên làm. Quỹ PYN Elite cho biết, như một nhà đầu tư dài hạn, họ tập trung vào những cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng cao. Sau một tháng đầy biến động, PYN chỉ giảm 0.15% (hiệu suất hoạt động), một kết quả tốt hơn so với thị trường.
Đến cuối tháng 5/2019, cổ phiếu Việt Nam vẫn chiếm đến 94% danh mục đầu tư của PYN, phần còn lại là tiền và tương đương tiền.
Nguồn: PYN
|
Thị trường chứng khoán Việt vẫn mang đến những cơ hội đầy hứa hẹn. Với giả định mức tăng trưởng lợi nhuận dự kiến là 13% trong năm 2019 (so với năm trước) thì hệ số P/E của cổ phiếu Việt Nam vào khoảng 13x, đây là mức hấp dẫn khi so sánh với các chỉ số cùng khu vực (Thái Lan là 15x, Malaysia là 16x và Philippines là 17x). PYN là quỹ hoạt động tương đối tập trung, khi khóm 5 khoản đầu tư lớn nhất của Quỹ chiếm đến 48% tỷ trọng danh mục; nhóm này đang công bố các kết quả kinh doanh tích cực và có hệ số P/E trung bình dự phóng cho năm 2021 sẽ là 5.9x. PYN thể hiện sự lạc quan về viễn cảnh các doanh nghiệp này tăng trưởng lợi nhuận trong một vài năm tới.
Dự phóng P/E đối với 5 khoản đầu tư lớn nhất của PYN
Nguồn: PYN
|
MWG là cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao nhất trong danh mục của PYN. Trong 4 tháng đầu năm 2019, lãi ròng của MWG tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Biên lãi ròng MWG lên đến 4.2%, nhờ doanh thu trung bình mỗi cửa hàng ngày càng tăng, cùng sự cải thiện của năng suất lao động và chi phí hoạt động cũng ngày càng giảm.
Kế đó là TPB - một ngân hàng kỹ thuật số đang tiếp tục trở thành người tiên phong trong việc phát triển công nghệ, theo chia sẻ của PYN. Cuối tháng 5/2019, TPB trở thành một trong bảy ngân hàng ở Việt Nam đủ điều kiện để chuyển đổi thẻ từ (magnetic-strip-card) sang loại thẻ chip không tiếp xúc; loại thẻ mà PYN nhận định là an toàn và thuận tiện hơn cho khách hàng. Tăng trưởng khoản vay của TPB so với cùng kỳ năm trước là 13% và Ngân hàng tự tin sẽ được chấp thuận việc tỷ lệ tăng trưởng khoản vay lên mức 20% sau khi áp dụng các tiêu chuẩn của Basel II.
Hai khoản đầu tư lớn khác của PYN trong lĩnh vực ngân hàng có thể kể đến HD Bank (HDB) và Sacombank (STB). Bất động sản cũng là ngành ưa thích của Quỹ với các khoản đầu tư vào Khang Điền (KDH), Nam Long (NLG), Tập đoàn C.E.O (CEO); dù vậy các cổ phiếu này đều không thuộc nhóm 5 khoản đầu tư lớn nhất của PYN.
Nguồn: PYN
|
Trong tháng vừa qua, danh sách các khoản đầu tư lớn nhất của PYN không có nhiều xáo trộn, ngoại trừ "sự ra đi" của Hòa Bình (HBC). Vào thời điểm cuối tháng 4/2019, HBC chiếm tỷ trọng 1.78% danh mục Quỹ, nhưng đến cuối tháng 5 thì không còn xuất hiện trong nhóm 12 khoản đầu tư lớn nhất. Sau đợt bán bớt cổ phần tại HBC trong tháng 5/2019, PYN cũng chính thức không còn là cổ đông lớn (sở hữu dưới 5%) tại đây.
Vĩ mô kiên cường bất chấp "gió ngược"
Mặc dù thương chiến Mỹ - Trung leo thang trong tháng 5/2019, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng. Trong 5 tháng đầu năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9.4%, doanh số bán lẻ tăng 11.6% và vốn FDI đăng ký mới nhảy vọt 69% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc tăng gấp 5 lần so với một năm trước đó. Trung Quốc giờ đã vượt mặt Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản để trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Trong khi đó, xuất khẩu tới Mỹ tăng trưởng 28% so với cùng kỳ năm trước, đạt giá trị 23 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2019.
PYN nhận định rằng, bức tranh vĩ mô của Việt Nam là rất rõ ràng và kiên cường bất chấp những “cơn gió ngược” từ bên ngoài. Với mức tăng trưởng GDP trung bình 6.8%, quy mô nền kinh tế Việt Nam có thể tăng gấp đôi trong thập kỷ tới.
Nhà đầu tư có lẽ đã bán ra trong tháng 5/2019, nhưng - với mức định giá thấp, diễn biến tích cực của nền kinh tế và những thành tích đáng khích lệ từ doanh nghiệp - đừng vội ra đi khi tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam vẫn còn ở đó!
FILI