Sao đến nay mới 'giật mình'?
Sao đến nay mới 'giật mình'?
Vụ làm xăng giả của nhóm Trịnh Sướng đang được điều tra nhưng xét về quy mô, thời gian, phạm vi hoạt động và người bị hại, xứng đáng gọi đó là cú lừa thế kỷ.
* Đại gia Trịnh Sướng tuồn hàng trăm triệu lít xăng giả ra thị trường
Kho xăng dầu của đại gia Trịnh Sướng - Ảnh: K.T.
|
Với 6 triệu lít xăng giả đưa ra thị trường mỗi tháng, ước tính có 1,5 triệu lượt xe máy (bình quân đổ 4 lít xăng/xe) hoặc 93.000 lượt ôtô (bình quân 65 lít/xe) dùng phải xăng giả.
Nhưng vụ này không là cá biệt, mà làm xăng giả từ lâu đã trở thành "quy trình" kiếm tiền bẩn của giới kinh doanh xăng dầu.
"Bị hại" của quy trình kiếm tiền từ xăng giả không chỉ là hàng triệu người tiêu dùng, mà cả Nhà nước do thuế bị mất rất lớn.
Nhưng làm xăng giả như nhóm Trịnh Sướng không phải là mới mẻ, mà từng phát hiện từ vài năm trước ở Cần Thơ, Nghệ An...
Ngay từ năm 2017, cơ quan chức năng đã thấy sự bất thường khi lượng dung môi - có giá chưa bằng phân nửa giá xăng, thường được dùng để pha chế sơn - được nhập về tăng bất thường. Cảnh báo đã được gióng lên, nhưng xăng giả vẫn ra thị trường.
Xăng dầu là ngành kinh doanh có điều kiện với những quy định khá chặt chẽ, được phân cấp quản lý từ trung ương đến địa phương, vì thế khó lọt qua được tầm mắt của cơ quan quản lý thị trường, khoa học công nghệ, thuế...
Ngay với đại lý, cửa hàng xăng dầu, cũng quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp xăng dầu cho cửa hàng để đảm bảo nơi này bán xăng đúng chất lượng, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và có nguồn gốc rõ ràng để không làm thất thu thuế của Nhà nước...
Vậy tại sao, lý do gì mà toàn bộ hệ thống giám sát quy trình kinh doanh xăng dầu có điều kiện gần như bị qua mặt để hàng triệu lít xăng giả được tiêu thụ công khai mỗi tháng?
Có thể chất dung môi không thuộc nhóm kinh doanh có điều kiện như xăng dầu, nên cơ quan chức năng không thể kiểm soát. Có thể việc pha chế xăng giả rất bí mật, tinh vi.
Nhưng việc mua bán xăng từ doanh nghiệp đến các cửa hàng, đại lý vốn được quản lý rất chặt chẽ, đều có thể truy qua sổ sách, hóa đơn... vậy tại sao vẫn không phát hiện?
Chẳng lẽ những vụ làm xăng giả từ dung môi đã phát hiện trước đó rất lâu chưa đủ cho cơ quan chức năng "giật mình", rà soát để bịt lại kẽ hở, phải đến khi xảy ra vụ của nhóm Trịnh Sướng?
Còn doanh nghiệp, cửa hàng nào đã nhúng chàm, kiếm tiền từ gian lận xăng dầu nhưng chưa bị phát hiện, cơ quan chức năng phải làm rõ.
Tuy nhiên lúc này cần mổ xẻ để bịt lại những kẽ hở trong quản lý kinh doanh xăng dầu.
Phải chấn chỉnh từ việc lớn như pha chế xăng giả, buôn bán xăng dầu nhập lậu đến những vụ việc nhỏ nhưng phổ biến ở nhiều cửa hàng xăng dầu là nạn bơm thiếu, pha trộn xăng thông thường thành xăng cao cấp để kiếm thêm...
Bởi việc xử lý nhóm làm xăng giả của Trịnh Sướng chỉ mới giải quyết hậu quả, còn cái gốc là sự lỏng lẻo trong quản lý kinh doanh xăng dầu vẫn còn đó.
Chưa diệt tận gốc, quyền lợi người tiêu dùng vẫn bị đe dọa, thuế nhà nước vẫn thất thoát...
Thanh Tuyền