Sau động thái áp thuế bất ngờ lên Mexico, làm sao Trung Quốc có thể tin tưởng ông Trump?
Sau động thái áp thuế bất ngờ lên Mexico, làm sao Trung Quốc có thể tin tưởng ông Trump?
Trong ngày thứ Năm (30/05), Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố áp thuế lên tất cả hàng hóa từ Mexico và điều này dẫn tới một hậu quả không mong muốn là làm giảm khả năng tiến tới thỏa thuận với Trung Quốc.
Mỹ sắp áp hàng rào thuế quan 5% lên tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Mexico vào ngày 10/06/2019, Tổng thống Mỹ thông báo trong đêm ngày thứ Năm (30/05). Đây là một động thái gây chấn động khi Nhà Trắng vừa mới chính thức khởi động quá trình thông qua Thỏa thuận Mỹ-Mexcio-Canada (USMCA).
* Ông Trump: Mỹ sẽ áp thêm thuế 5% lên tất cả hàng hóa từ Mexico từ ngày 10/06
Tổng thống Mỹ Donald Trump
|
Các chuyên viên phân tích chính sách trên Phố Wall cho biết, sự quay ngoắt 180 độ của ông Trump đối với một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ đang truyền tải tín hiệu xấu tới cộng đồng quốc tế rằng ông không đáng tin cậy. Họ nói thêm rằng Trung Quốc – vốn đã hoài nghi về độ tin cậy của ông Trump – khó mà ký thỏa thuận thương mại với ông Trump.
“Chúng tôi xem đây là động thái làm trầm trọng thêm cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Các quan chức Trung Quốc đã lên tiếng lo ngại về mức độ tin cậy của Tổng thống Trump. Những hàng rào thuế quan được thông báo vào thời điểm Mỹ đang đẩy mạnh quá trình thông qua USMCA. Nếu Trung Quốc không tin tưởng Mỹ sẽ tuân theo thỏa thuận thì vậy đàm phán làm gì?”, Ed Mills, Chuyên viên phân tích chính sách công tại Raymond James, cho biết trong một thỏa thuận.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến gặp mặt tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản vào cuối tháng 6/2019, nhưng động thái áp thuế mới đây của ông Trump khiến ông Mills lo ngại về khả năng hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau.
“Việc ông Trump sẵn lòng áp hàng rào thuế quan mới lên một đối tác thương mại sau khi tiến tới thỏa thuận thương mại khiến Trung Quốc đau đáu lo ngại về việc ký kết một thỏa thuận và rồi ông Trump lại ‘trở mặt’, mang lại nỗi nhục cho chính quyền Trung Quốc”, Krishna Guha, Chuyên viên phân tích chính sách công tại Evercore, cho biết trong một báo cáo. “Bắc Kinh sẽ vẫn muốn đàm phán, nhưng động thái áp thuế đã làm giảm khả năng có một bước đột phá tại hội nghị thượng đỉnh G20”.
Chứng khoán Mỹ tụt dốc sau lời đe dọa áp thuế mới của ông Trump và chứng khoán Trung Quốc cũng nhuốm sắc đỏ trong ngày thứ Sáu (31/05).
“Làm sao có thể tin tưởng ông Trump sẽ làm theo thỏa thuận đề ra?”, Chris Krueger, Chiến lược gia tại Cowen, cho biết trong một báo cáo. “Mexico vừa nộp thỏa thuận USMCA để thông qua trong tuần này… Vậy mà ông Trump lại đe dọa Mexico bằng cách đơn phương áp hàng rào thuế quan lên tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Mexico”.
Mỹ và Trung Quốc đã áp thuế “ăn miếng trả miếng” lên hàng hóa của nhau, sau khi các cuộc đàm phán thương mại chững lại hồi đầu tháng này. Trung Quốc đã ngừng mua đậu nành từ Mỹ và dọa cắt đứt nguồn cung ứng đất hiếm cho Mỹ. Trong khi đó, Washington thêm ông lớn viễn thông Trung Quốc Huawei vào danh sách đen, cấm các công ty Mỹ làm ăn với Huawei.
Trung Quốc cho biết, họ sẽ lập một danh sách thực thể “không đáng tin cậy” mà họ cho là sẽ gây thiệt hại tới lợi ích của các công ty nội địa, một lệnh có khả năng tác động tới hàng ngàn doanh nghiệp nước ngoài. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang sau khi Mỹ thêm Huawei Technologies vào danh sách đen về xuất khẩu.
Cụ thể, Trung Quốc sẽ thiết lập một cơ chế để thêm các công ty, tổ chức và cá nhân nước ngoài không tuân thủ theo luật thị trường, vi phạm hợp đồng và ngăn chặn, cắt đứt nguồn cung vì lý do phi thương mại hoặc gây thiệt hại trầm trọng tới lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc, phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng cho biết. Thông tin chi tiết về danh sách chưa được tung ra và sẽ sớm được công bố.
Lời lẽ không mấy rõ ràng trên mở ra cánh cửa để Bắc Kinh nhắm tới những ông lớn trong ngành công nghệ toàn cầu – từ những gã khổng lồ của Mỹ như Google của Alphabet, Qualcomm và Intel cho tới những nhà cung ứng bên ngoài nước Mỹ, vốn đã cắt đứt quan hệ với Huawei. Danh sách này còn có thể thêm nhiều ông lớn khác, từ Toshiba của Nhật Bản cho tới nhà thiết kế chip điện tử Arm của Anh.
FiLi