Sau Huawei, Mỹ tiếp tục thêm nhiều công ty công nghệ của Trung Quốc vào danh sách đen
Sau Huawei, Mỹ tiếp tục thêm nhiều công ty công nghệ của Trung Quốc vào danh sách đen
Mỹ thêm 5 công ty công nghệ Trung Quốc vào danh sách đen trước thềm cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tuần này.
Động thái trong ngày thứ Sáu (21/06) liên quan tới các nỗ lực siêu điện toán của Trung Quốc sau động thái thêm Huawei vào danh sách đen trong tháng trước, cấm họ mua linh kiện và phần mềm của Mỹ.
Động thái thêm Huawei vào danh sách đen đã làm dấy lên nỗi lo sợ rằng cuộc chiến thương mại chuyển thành một cuộc xung đột kinh tế rộng hơn tập trung vào việc ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận tới công nghệ Mỹ, đồng thời buộc các công ty Mỹ chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.
Động thái của Bộ Thương mại Mỹ chỉ làm gia tăng lo ngại ở Bắc Kinh. Nhưng nó cũng diễn ra khi hai bên cố gắng né tránh sự leo thang chiến tranh thương mại mà nhiều chuyên gia xem là rủi ro lớn nhất tác động tới nền kinh tế toàn cầu.
Trước đó trong tuần này, ông Trump thông báo sẽ gặp ông Tập bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản vào ngày 28-29/06/2019 trong một nỗ lực nối lại các cuộc đàm phán thương mại vốn đã đổ vỡ trong tháng trước.
Năm tổ chức Trung Quốc vừa bị thêm vào Danh sách Thực thể của Bộ Thương mại Mỹ bao gồm các doanh nghiệp Higon, Chengdu Haiguang Integrated Circuit, Chengdu Haiguang Microelectronics Technology, Sugon và Viện Công nghệ Máy tính Wuxi Jiangnan.
“Mặc dù Huawei bị chú ý tới, nhưng lĩnh vực quan trọng nhất trong cuộc cạnh tranh kinh tế Mỹ-trung là thiết bị bán dẫn”, Derek Scissors, Chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) và từng làm cố vấn cho chính quyền Trump, cho hay. “Diễn ra một tuần trước khi ông Trump gặp ông Tập, đây là một dấu hiệu cho thấy Mỹ không đổi công nghệ tân tiến lấy những khoản mua hàng hóa của Trung Quốc”.
Nằm trong số những công ty bị thêm vào danh sách đen là Higon, đối tác liên doanh với Trung Quốc của AMD, Bộ Thương mại Mỹ cho biết trong tuyên bố. Kế đó là Sugon – vốn được Bộ Thương mại Mỹ xác định là chủ sở hữu kiểm soát Higon, cùng với Chengdu Haiguang Integrated Circuit và Chengdu Haiguang Microelectronics Technology – Bộ Thương mại Mỹ cho rằng Higon có sở hữu cổ phần trong hai công ty này.
Lệnh cấm ảnh hưởng tới liên doanh tại Trung Quốc của AMD, THATIC – vốn được thành lập trong năm 2016. AMD sử dụng THATIC để cấp phép công nghệ vi xử lý cho các công ty Trung Quốc bao gồm cả Higon.
THATIC – hay Tianjin Haiguang Advanced Technology Investment Co. – là một công ty holding của Trung Quốc bao gồm một liên doanh với AMD cùng với hai thực thể khác, theo hồ sở pháp lý của AMD. THATIC cung cấp chip cho Sugon – một nhà sản xuất server và máy tính.
Lisa Su, Giám đốc điều hành của AMD, cho biết tại một hội nghị gần đây ở Đài Loan rằng AMD sẽ không cấp phép cho các công nghệ mới hơn cho các công ty Trung Quốc. “Hiện tại, chúng tôi đang đánh giá việc bổ sung năm thực thể mới vào danh sách đen”, người phát ngôn của AMD, Drew Prairi, đã viết trong một email vào ngày thứ Sáu (21/06). “AMD sẽ tuân thủ các quy định, giống như chúng tôi đã tuân thủ luật pháp Mỹ cho đến nay. Chúng tôi đang xem xét các chi tiết cụ thể của đơn đặt hàng để xác định các bước tiếp theo liên quan đến liên doanh của chúng tôi với THATIC tại Trung Quốc”.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết Sugon và Viện Wuxi Jiangnan đều là những tổ chức đi đầu của Trung Quốc trong việc phát triển siêu máy tính.
Ngoài ra, Bộ Thương mại Mỹ cũng cho rằng nhiệm vụ chính của Viện Công nghệ Máy tính Wuxi Jiangnan là "hỗ trợ quá trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc" và rằng Viện này thuộc sở hữu của Viện Nghiên cứu số 56 của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
FiLi