S&P 500 “bay hơi” 4 ngàn tỷ USD trong tháng 5 tàn khốc
S&P 500 “bay hơi” 4 ngàn tỷ USD trong tháng 5 tàn khốc
Mới đây, S&P 500 đã chính thức ghi nhận tháng 5 giảm mạnh nhất trong 7 năm và là tháng 5 tồi tệ thứ hai kể từ thập niên 60 với mức lao dốc 6.6%. Đối với các trader công nghệ đang theo dõi chỉ số Nasdaq 100, đà giảm trong tháng 5/2019 chỉ kém bi thảm hơn những tháng đổ đèo tháng 10 và tháng 12 đôi chút.
Yên bình đã tan biến và hiện tại, những người dự báo thị trường sẽ tăng vọt kiểu thập niên 90 giờ cũng phải im hơi lặng tiếng. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang và Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa áp thêm thuế 5% lên toàn bộ hàng hóa Mexico, việc bắt đáy sau đà giảm mạnh của tháng 5/2019 là cực kỳ nguy hiểm.
“Rõ ràng thị trường vẫn có khả năng giảm thêm”, Steve Chiavarone, Chuyên gia quản lý danh mục tại Federated Investors, cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại trụ sở New York của Bloomberg. “Để thị trường phục hồi thực sự, cần có thông tin rõ ràng và tích cực về Trung Quốc, Mexico, chính trị nói chung và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng phải làm điều gì đó. Nhiêu đó đã là quá nhiều rồi”.
Danh sách nạn nhân của tháng 5/2019 dài dăng dẳng. Trong 11 nhóm ngành thuộc S&P 500 thì có tới 10 nhóm chìm trong sắc đỏ. Chỉ có nhóm cổ phiếu bất động sản nhận được cú huých khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống đáy 20 tháng. Các công ty sản xuất chip có giao dịch với Trung Quốc đang hứng chịu “búa rìu” từ thương chiến Mỹ-Trung, trong đó chỉ số bán dẫn Philadelphia Semiconductor lao dốc 17% trong tháng 5/2019, tháng lao dốc mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật lần lượt bị phá vỡ, S&P 500 lần lượt rớt mốc trung bình động 50 ngày, 100 ngày và 200 ngày lần đầu tiên trong nhiều tháng.
Tình trạng hỗn loạn của tháng 12/2018 dần tái hiện, từ những vụ đặt cược thất thường về mức độ biến động cho đến sự bùng nổ trong hoạt động phòng ngừa rủi ro và sự đột biến của các cổ phiếu phòng thủ.
Thị trường trái phiếu Chính phủ Mỹ truyền tải tín hiệu bi quan nhất trong vài tuần gần đây. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 37 điểm cơ bản và dao động dưới lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 3 tháng, tức xảy ra tình trạng đường cong lợi suất đảo ngược. Mặc dù đà giảm của lợi suất trái phiếu ảnh hưởng tích cực tới mức định giá cổ phiếu trong quý 1/2019, nhưng chúng cũng thể hiện nỗi lo về triển vọng tăng trưởng toàn cầu – một yếu tố làm giảm hệ số P/E của cổ phiếu.
Mức định giá thấp hơn có thể thu hút sự chú ý của nhà đầu tư vào cổ phiếu, nhưng triển vọng xung đột thương mại toàn cầu kéo dài là một mối đe dọa chưa từng có đối với lợi nhuận doanh nghiệp và tâm lý chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư.
“Cần phải có chất xúc tác rõ ràng” để chứng khoán có thể phục hồi, Edmund Shing, Trưởng bộ phận chiến lược sản phẩm phái sinh cổ phiếu tại BNP Paribas SA ở Luân Đôn, cho hay. “Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung có thể là chất xúc tác đó, nhưng đây không phải là kịch bản trung tâm của chúng tôi. Hai bên đang củng cố vị thế đàm phán của mình và sẽ khó mà lùi bước, ít nhất là trong ngắn hạn”.
Bất ổn đang thể hiện qua thị trường quyền chọn. Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, chưa bao giờ phục hồi mạnh như thế này kể từ tháng 11/2019. Trên thực tế, chỉ số VIX có tuần dao động trên ngưỡng 21, nhưng cũng có tuần dưới 15 trong tháng 5/2019 – một điều chưa từng xảy ra trong tháng 5 trong quá khứ, dựa trên dữ liệu từ Bloomberg.
“Một tháng trước, thị trường còn nuôi hy vọng Mỹ-Trung tiến tới thỏa thuận thương mại, cho rằng vấn đề Iran còn chẳng đáng quan ngại và Brexit trông không tệ như hiện nay. Bỗng dưng, tất cả đều trông vô cùng căng thẳng đến đáng sợ”, Matt Maley, Chiến lược gia cổ phiếu tại Miller Tabak & Co, nhận định.
Tuy vậy, phe bò cho rằng không phải mọi thứ đều ảm đạm. Tâm lý vụn vỡ, nhu cầu trú ẩn tăng vọt, thị trường trái phiếu leo dốc và những yếu tố truyền tải tính hiệu cảnh báo về suy thoái. Những yếu tố này đang tạo điều kiện cho những trader hay giao dịch ngược xu hướng (contrarians).
Tỷ lệ quyền chọn bán trên quyền chọn mua (put-to-call ratio) của CBOE tăng vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2018 trong ngày thứ Tư (29/05).
Trong khi đó, một thước đo theo dõi sự lạc quan của các nhà đầu tư cá nhân đã tụt mạnh – có khả năng đã tạo đáy vì trong năm 2018, chỉ số bỗng phục hồi trở lại khi chạm tới ngưỡng này.
“Nhờ đó, chúng tôi cảm thấy tự tin rằng tình hình trong ngắn hạn không nhất thiết sẽ xấu đi trừ khi lợi nhuận doanh nghiệp suy giảm”, Punit Patel, Chuyên gia quản lý quỹ tại Capital Asset Management ở Luân Đôn, nhận định.
Arbuthnot Latham – một ngân hàng tư nhân ở Luân Đôn – đã mua cổ phiếu Trung Quốc loại A khi họ nhận thấy Mỹ và Trung Quốc có áp lực để tiến tới một thỏa thuận. Hai bên có thể tìm ra giải pháp tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tháng 6/2019 – tại đây Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp để bàn luận về thương mại.
“Tôi tin, tại hội nghị G20, ông Trump và ông Tập sẽ làm hòa và thị trường cổ phiếu sẽ nhờ đó mà leo dốc”, Gregory Perdon, Giám đốc đầu tư tại Arbuthnot Latham, dự báo.
Tại thời điểm này, các kênh trú ẩn an toàn vẫn đang được các nhà đầu tư trên thị trường ưu ái. Chiến lược định lượng mua những cổ phiếu có Beta thị trường thấp (tức ít nhạy cảm với xu hướng chung của thị trường) và bán cổ phiếu có Beta thị trường cao đang có tháng tốt nhất kể từ năm 2016. Trong khi đó, những cổ phiếu gắn chặt với tăng trưởng kinh tế và thương mại lại rơi vào thế khó.
“Vài tuần tới, thị trường sẽ biến động rất mạnh. Nhà đầu tư có thể bán cổ phiếu”, Donald Selkin, Trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại Newbridge Securities, chia sẻ. “Tôi không thấy khả năng tăng của thị trường vì chẳng có chất xúc tác cho thị trường trừ khi Mỹ thông báo có thỏa thuận với Trung Quốc, nhưng điều đó khó mà xảy ra”.
FiLi