Start-up giúp hồi sinh rau quả "xấu xí"
Start-up giúp hồi sinh rau quả "xấu xí"
Ben Simon suy nghĩ rất nhiều về thực phẩm bị lãng phí.
Vào năm 2011, khi còn là sinh viên năm nhất tại Đại học Maryland, Simon đã bị “sốc” khi thấy vô số thực phẩm bị vứt đi trong quán ăn tự phục vụ của trường.
"Tôi đã rất sốc khi thấy ai đó mua một chiếc bánh sandwich, rồi chỉ ăn một nửa và ném đi nửa còn lại. Đó không phải là những giá trị tôi lớn lên cùng”, Simon nói.
Đối với anh, thực phẩm bị loại bỏ là một "mỏ vàng tự nhiên" mà anh có thể tận dụng để làm điều tốt đẹp.
Bốn năm sau, Simon đồng sáng lập ra Imperfect Produce (Sản phẩm không hoàn hảo), một dịch vụ giao trái cây và rau quả "xấu xí" tận nhà với mức giá khuyến mãi. Dù xấu nhưng chúng hoàn toàn tốt ở bên trong, chỉ có điều là bị từ chối trong chuỗi cung ứng thực phẩm do vẻ bề ngoài.
"Khoảng 70 tỷ pound (tương đương 32 tỷ kilogam) thực phẩm bị lãng phí hàng năm ở Mỹ tại các gia đình, quán ăn tự phục vụ, trang trại, nhà hàng, cửa hàng tạp hóa và sân vận động. Hầu như tất cả đều là thực phẩm tốt. Chúng tôi muốn nghĩ lớn hơn về cách chống lại sự lãng phí thực phẩm này và tạo ra một hệ thống thực phẩm bền vững hơn và có thể mở rộng được”, Simon cho biết.
Thế là Simon đã hợp tác với bạn là Ben Chesler, người có chung niềm đam mê vì lợi ích xã hội giống như anh, và hai người nhắm tới các trang trại như là điểm khởi đầu của dịch vụ giao hàng và “hồi sinh” thực phẩm của họ.
'Các cửa hàng tạp hóa không muốn hợp tác với chúng tôi'
Simon cho biết có tới 20% trái cây và rau quả được trồng tại các trang trại ở Mỹ bị loại bỏ vì không đáp ứng những tiêu chuẩn thẩm mỹ của các cửa hàng tạp hóa.
"Thường là do đổi màu, sẹo trên bề mặt do va quẹt vào cành cây hoặc hình dạng không được bình thường. Đôi khi là do kích thước. Chúng tôi thấy nhiều trái bơ nhỏ bị vứt bỏ vì người tiêu dùng có xu hướng thích bơ lớn hơn cho món guacamole”, anh nói.
Simon 29 tuổi và Chesler 27 tuổi đã quyết định lấy nguồn sản phẩm "xấu xí" trực tiếp từ các trang trại và giao cho khách hàng với giá thấp hơn khoảng 30% so với giá tại những cửa hàng tạp hóa thông thường.
"Lý do chúng tôi tạo ra Imperfect Produce như một doanh nghiệp trực tiếp đến tay người tiêu dùng là vì các cửa hàng tạp hóa không muốn hợp tác với chúng tôi”, Simon cho hay.
Dịch vụ có trụ sở tại San Francisco này ra mắt vào tháng 08/2015. Ngày nay, Imperfect Produce có hơn 200,000 người đăng ký tại 22 thành phố. Công ty lấy nguồn sản phẩm từ 250 người trồng trên toàn quốc và hơn một nửa trong số đó là hữu cơ.
Đến nay, Simon cho biết dịch vụ này đã 'cứu' được 40 triệu pound (khoảng 18 triệu kilogam) thực phẩm không bị lãng phí. "Chỉ riêng trong năm nay, chúng tôi sẽ ‘cứu’ thêm được 50 triệu pound và cũng đã quyên góp 2.2 triệu pound cho các ngân hàng thực phẩm dành cho người nghèo", anh nói.
Simon và Chesler đã lập ra start-up trên bằng số tiền khoảng 20,000 USD của chính họ và 38,000 USD khác được huy động từ nền tảng gây quỹ cộng đồng Indiegogo. Kể từ đó, họ đã nhận được tổng cộng 47 triệu USD tài trợ từ các nhà đầu tư, trong đó có Maveron và Norwest Venture Partners.
Trong bốn năm, công ty này đã tăng lên 1,000 nhân viên và vận hành 400 xe tải giao hàng riêng.
Simon từ chối tiết lộ doanh thu nhưng cho biết doanh số năm nay được kỳ vọng sẽ tăng gấp đôi so với năm ngoái. Công việc kinh doanh của họ vẫn chưa có lãi, nhưng anh hy vọng sẽ mở rộng dịch vụ này tới 40 thành phố vào cuối năm 2019 và cuối cùng sẽ tiến hành IPO vào một thời điểm nào đó.
Tạo ra một hệ thống thực phẩm công bằng
Khách hàng trả từ 12 - 40 USD mỗi hộp, tùy loại. Họ có thể chọn có tất cả rau quả hữu cơ hoặc vừa hữu cơ vừa thông thường. Hồi tháng Năm vừa qua, công ty đã thêm vào các mặt hàng đóng gói, như đậu lăng, quinoa, gia vị, dầu, mì ống, bánh mì và đồ uống. Simon cho biết hàng hóa đóng gói cũng bị vứt đi vì nguồn cung quá nhiều, thay đổi bao bì hoặc sắp hết hạn.
Dịch vụ này hiện cung cấp 50 - 60 mặt hàng rau quả, cộng với 200 mặt hàng tạp hóa.
Người tiêu dùng có thể lựa chọn giao hàng trong hai ngày hàng tuần (công ty tính phí 4.99 USD mỗi lần giao hàng) hoặc mỗi tuần. Khách hàng có thể yêu cầu đừng giao hàng nếu đang đi du lịch.
"Người tiêu dùng đang mua sắm có ý thức hơn" - Anarghya Vardhana, chủ sở hữu công ty đầu tư mạo hiểm Maveron ở San Francisco, cho biết.
Đây không phải là nỗ lực đầu tiên của Simon để chống lãng phí thực phẩm.
Khi còn là sinh viên, anh thành lập Mạng phục hồi thực phẩm tại Đại học Maryland để thu gom thực phẩm còn sót lại từ các quán ăn tự phục vụ của trường và tặng nó cho những người có nhu cầu. Tổ chức phi lợi nhuận này hiện có chi nhánh ở 230 trường cao đẳng trên toàn quốc. Simon đã điều hành nó trong bốn năm, với sự giúp đỡ từ Chesler, trước khi ra đi để tập trung vào Imperfect Produce.
"Phần quan trọng của việc điều hành một công ty do thế hệ Y thành lập là sử dụng vai trò của doanh nghiệp để chăm sóc con người và hành tinh", Simon nói. "Dù kinh doanh là để kiếm lợi nhuận nhưng chúng tôi hy vọng sẽ nâng cao tiếng nói về lãng phí thực phẩm, biến đổi khí hậu và tạo ra một hệ thống thực phẩm công bằng".
FILI