Thương chiến Mỹ-Trung có thể gây ra khủng hoảng tài chính toàn cầu?
Thương chiến Mỹ-Trung có thể gây ra khủng hoảng tài chính toàn cầu?
Trung Quốc tiếp tục thể hiện quan điểm cứng rắn với Mỹ trong ngày thứ Sáu (31/05), trong đó cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) cho biết sự leo thang căng thẳng thêm giữa Mỹ và Trung Quốc có thể gây thiệt hại vô cùng lớn cho nền kinh tế toàn cầu.
“Hậu quả của thương chiến Mỹ-Trung không chỉ phản ánh qua tình hình của hai quốc gia này, mà còn lan ra các khu vực liên quan, lan ra cả thế giới”, Dai Xianglong, cựu Thống đốc PBoC, cho biết trong cuộc họp báo do Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc (CCIEE) tổ chức ở Bắc Kinh vào ngày thứ Sáu (31/05).
“Nếu thương chiến Mỹ-Trung tiếp tục leo thang căng thẳng, nó có thể khiến nền kinh tế toàn cầu suy yếu và thậm chí gây ra khủng hoảng tài chính toàn cầu”, ông nói.
Hàng rào thuế quan đáp trả từ Trung Quốc lên 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ sẽ có hiệu lực từ ngày thứ Bảy (01/06). Đây là động thái đáp trả lại quyết định nâng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25% của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã làm chao đảo thị trường toàn cầu trong nhiều tháng qua, trong đó nhà đầu tư ngày càng quan ngại về các tác động tiêu cực tới tăng trưởng toàn cầu. Khi các cuộc đàm phán thương mại chuyển biến xấu trong tháng này, chỉ số S&P 500 rớt hơn 5% - sắp ghi nhận tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 12/2018. Chỉ số Shanghai Composite dao động gần ngưỡng 2,900 điểm sau khi rớt ngưỡng tâm lý quan trọng 3,000 điểm trước đó trong năm nay.
Trong ngày thứ Sáu (31/05), ông Dai – từng là Thống đốc PBoC trong giai đoạn 1995-2002 – cho biết ông kỳ vọng Shanghai Composite sẽ dần dần tăng và vượt ngưỡng 3,000 điểm nhờ các đợt cải cách thị trường sắp tới của Trung Quốc. Chỉ số Shanghai Composite dao động gần mức 2,898 điểm vào chiều ngày thứ Sáu (31/05).
Cựu Thống đốc PBoC cũng chỉ rõ, đà suy yếu gần đây của Nhân dân tệ là do thị trường phản ứng với căng thẳng thương mại, đồng thời lưu ý thêm Bắc Kinh sẽ không phản ứng bằng cách phá giá đồng tiền. Ông nói, các yếu tố cơ bản, như tăng trưởng kinh tế và dự trữ ngoại hối, sẽ giúp đồng Nhân dân tệ ổn định.
Căng thẳng thương mại có thể kéo dài thêm 30 năm
Trong ngày thứ Sáu (31/05), 11 người Trung Quốc phát biểu tại sự kiện đều đưa ra lập trường cứng rắn chống lại Mỹ. Họ thường lặp lại những nhận định của giới truyền thông Nhà nước - trong đó gọi các động thái của Mỹ là “bắt nạt” về thương mại và Trung Quốc sẽ chiến đấu đến cùng nếu cần.
Trong ngày thứ Sáu (31/05), Wei Jianguo, từng là Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc, cũng đưa ra những câu nói có vẻ cứng rắn hơn những gì ông đã thể hiện trong cuộc phỏng vấn với CNBC trong tuần trước.
“Có thể nói là, lần này Mỹ đã chọn sai thời điểm, chiến đấu trong một cuộc chiến sai lầm và chọn nhầm đối thủ”, Wei cho biết. Ông nói thêm đây có thể là sai lầm lớn nhất của nước Mỹ kể từ Thế Chiến II, hoặc kể từ thời sáng lập ra nước Mỹ, tất cả đều chỉ vì không sẵn lòng chấp nhận Trung Quốc như một thế lực đang trỗi dậy trên thế giới.
Ông Wei cho biết căng thẳng thương mại có thể kéo dài 30 năm hoặc hơn, nhất là vì ông cho rằng Mỹ sẽ tiếp tục điều tra – ngay cả khi hai bên tiến tới thỏa thuận trong ngắn hạn.
“Tôi tự tin rằng, thời gian, lý lẻ và sự thật đang đứng về phía chúng tôi”, ông nói. “Người Trung Quốc chúng tôi chắc chắn sẽ thắng, hòa bình chắc chắn sẽ thắng”.
Sau động thái áp thuế mới lên hàng hóa Mexico, truyền thông Nhà nước Trung Quốc cho biết, Mỹ đang “bắt nạt những nước khác để bảo vệ lợi ích của chính mình” và rồi sẽ “đơn độc” trong hệ thống thương mại toàn cầu.
FiLi