Tìm cổ phiếu tốt bằng cách nào?
Tìm cổ phiếu tốt bằng cách nào?
Tối ngày 07/06, trong khuôn khổ khóa học Pro Trader, Vietstock đã tổ chức buổi tọa đàm Trao đổi kinh nghiệm thực chiến để nhà đầu tư tham gia khóa học thảo luận các vấn đề liên quan đến việc đầu tư cổ phiếu.
Góp mặt tại buổi Tọa đàm có ông Nguyễn Quang Minh - Giám đốc Khối Nghiên cứu Vietstock (trong vai trò điều phối), ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Khối Nghiên cứu của Công ty chứng khoán (CTCK) Yuanta và ông Trần Văn Nhiên - Nguyên Giám đốc Đầu tư, CTCP Quản lý Quỹ An Phúc. Các chuyên gia đã cùng thảo luận với học viên về việc chọn cổ phiếu tốt để đầu tư.
Buổi Tọa đàm Giao lưu kinh nghiệm thực chiến tổ chức ngày 07/06/2019
|
Theo ông Nhiên, việc chọn cổ phiếu tốt khó ở hai cái đúng, đúng cổ phiếu và đúng thời điểm. Vị chuyên gia này cho rằng, phân tích kỹ thuật (PTKT) sẽ là công cụ hỗ trợ chỉ ra điểm vào và điểm ra. Còn việc chọn cổ phiếu, ông Nhiên chỉ chọn trong VN30. Dựa trên yếu tố quan trọng là vốn hóa và thanh khoản của cổ phiếu.
Đối với vấn đề này, ông Nguyễn Thế Minh cùng chung quan điểm về hai cái khó mà ông Nhiên đưa ra. Ở bình diện cá nhân, ông Minh quan trọng thời điểm hơn: Cho dù cổ phiếu có tốt đến đâu, nhưng nếu tham gia không đúng thời điểm thì cũng khó kiếm lời. Có rất nhiều công cụ PTKT để nhà đầu tư lựa chọn timing, tuy nhiên, đó chỉ là yếu tố giúp tăng xác suất.
Bổ sung thêm, ông Minh cho rằng đối với nhà đầu tư lâu năm, họ luôn giữ quan điểm đầu tư cá nhân. Vấn đề là có những thời điểm quan điểm đầu tư cá nhân rất đúng, nhưng có những thời điểm lại thật sự không tốt. Vị chuyên gia này lấy ví dụ thời gian gần đây, những cổ phiếu khu công nghiệp, thủy sản, dệt may có mức sinh lời rất tốt. Một số nhà đầu tư vì bảo lưu quan điểm đầu tư nên bỏ qua dấu hiệu của dòng tiền, bỏ qua những cổ phiếu đó.
Ông Trần Văn Nhiên (trái) và ông Nguyễn Thế Minh trao đổi với học viên khóa học Pro Trader về cách chọn cổ phiếu tốt.
|
Một vấn đề khác được đưa ra mổ xẻ tại buổi Tọa đàm là việc sử dụng báo cáo định giá của các công ty chứng khoán sao cho hiệu quả, nhất là khi các công ty đều có sự định giá khác nhau.
Đối với việc định giá, ông Nhiên nhận xét việc các CTCK định giá khác nhau là hoàn toàn bình thường, vì kỳ vọng vào cùng một cổ phiếu là khác nhau. Ông Nhiên cho rằng có thể tin được các báo cáo này, vì việc định giá đều dựa trên những thông tin để làm cơ sở, căn cứ để phân tích, lấy số liệu từ các hiệp hội. Song, đối với phần định giá, cá nhân ông Nhiên lại không chú trọng, bởi giá mục tiêu đưa ra sẽ phụ thuộc vào kỳ vọng sinh lợi của đơn vị định giá đối với cổ phiếu đó.
Ông Thế Minh trả lời câu hỏi trên bằng một trích dẫn của nhà đầu tư Warren Buffett: “Đừng tin vào các chuyên gia”. Theo ông Minh, trong mỗi báo cáo, nhà đầu tư cần biết nên xem ở phần nào. Đối với báo cáo của các CTCK thường có 2 phần là giả định đầu vào và phần định giá. Điều nhà đầu tư cần tập trung là các catalyst (điểm nhấn đầu tư): Những điểm nổi bật và sự đột biến của doanh nghiệp đó, bởi đây mới là những yếu tố tác động đến giá cổ phiếu.
Hơn nữa, ông Minh chia sẻ nhà đầu tư nên tự xếp hạng báo cáo của các CTCK vì mỗi công ty có thế mạnh khác nhau. Ông Minh đánh giá Bản Việt (VCSC) có thế mạnh về mảng IB, khách hàng tổ chức; SSI bám sát thị trường. Trong khi đó, báo cáo của HSC cung cấp nhiều thông tin cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng có thể tham khảo báo cáo của Rồng Việt (VDS), BSC hay Yuanta Việt Nam.
Tựu trung lại, thông tin và nhận định là hai mấu chốt nhà đầu tư thu được từ báo cáo của CTCK. Đây là con đường tắt để nhà đầu tư nắm được thông tin về doanh nghiệp và cổ phiếu.
Bên cạnh những vấn đề trên, trong không khí ấm cúng của buổi Tọa đàm, học viên khóa Pro Trader cùng các chuyên gia cũng đã giải quyết nhiều vấn đề hóc búa khác trong đầu tư.
FILI