Tội phạm chọn ngân hàng để biến 'tiền bẩn' thành 'tiền sạch'

02/06/2019 22:19
02-06-2019 22:19:49+07:00

Tội phạm chọn ngân hàng để biến 'tiền bẩn' thành 'tiền sạch'

Nghị quyết 03 sẽ tạo ra hành lang pháp lý vững chắc để các cơ quan tố tụng mạnh tay hơn với tội phạm rửa tiền, đồng thời thể hiện được cam kết của Việt Nam với quốc tế về phòng chống các loại tội phạm liên quan đến hoạt động rửa tiền.

Trong vụ đánh bạc ngàn tỉ, hai bị cáo Phan Sào Nam (ảnh trái) và Nguyễn Văn Dương bị xét xử về tội rửa tiền - Ảnh: NAM TRẦN

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã khẳng định như vậy khi trao đổi về nghị quyết 03/2019 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, hướng dẫn thi hành điều 324 về tội rửa tiền trong Bộ luật Hình sự 2015 vừa được công bố.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng vừa hoàn thành báo cáo về đánh giá rủi ro phòng chống rửa tiền. Theo đó, nhận hối lộ, lạm dụng tín nhiệm và chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản... có nguy cơ rửa tiền cao.

Khách quen rửa tiền: tham ô, đánh bạc, trốn thuế

Ông Phạm Gia Bảo - phó cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền, NHNN - cho biết điểm đáng chú ý nhất của báo cáo do NHNN thực hiện là ghi nhận có đến 90% giao dịch đáng ngờ qua các ngân hàng, bởi ngân hàng là nơi có các dòng tiền chuyển qua, cả đầu vào và đầu ra.

Cũng theo ông Bảo, dù không phải tất cả các khoản tiền thu bất chính đều được tội phạm đưa vào chu trình rửa tiền, nhưng so với các lĩnh vực khác trong nền kinh tế, khả năng tội phạm lựa chọn hệ thống ngân hàng nhằm hợp pháp hóa các khoản thu bất chính để biến những đồng "tiền bẩn" trên thành "tiền sạch" là cao hơn.

Căn cứ vào những vụ đại án đã và đang bị điều tra về tội rửa tiền thời gian vừa qua và các số liệu về nguy cơ giao dịch đáng ngờ của Cục Phòng chống rửa tiền cho thấy nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng có thể liên quan chủ yếu đến việc rửa tiền có nguồn gốc từ tội tham ô tài sản (chủ yếu liên quan đến những người có chức vụ, quyền hạn), đánh bạc và trốn thuế.

"Để che giấu nguồn tiền thu được, tội phạm thường sử dụng tài khoản ngân hàng dưới tên người khác để nhận và chuyển các khoản tiền có nguồn gốc bất hợp pháp" - báo cáo của NHNN nêu rõ.

Cũng theo báo cáo, trong danh sách 17 loại tội phạm nguồn chính của tội rửa tiền được các cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam liệt kê, tội phạm lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản thuộc nhóm tội tham nhũng nên cần đặc biệt quan tâm theo dõi trong quá trình điều tra về tội rửa tiền.

Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử loại tội phạm này đến nay cho thấy tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản thuộc nhóm nguy cơ cao liên quan đến rửa tiền. Nhiều vụ đại án xảy ra có nguồn gốc từ việc lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, theo NHNN, tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc cũng là tội phạm nguồn có nguy cơ cao về rửa tiền khi số lượng các vụ án và bị cáo bị xét xử về tội đánh bạc là rất lớn.

"Trong các vụ án lớn về tổ chức đánh bạc, số tiền niêm phong, phong tỏa, tịch thu và thu hồi là rất lớn nên không loại trừ việc các đối tượng phạm tội có xu hướng sử dụng các khoản tiền thu được từ loại tội phạm này vào mục đích đầu tư, rửa tiền" - báo cáo của NHNN cho biết.

Tăng cường rà soát các giao dịch đáng ngờ

Dù Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009 có hiệu lực từ năm 2010 nhưng kết quả điều tra, truy tố, xét xử đối với tội rửa tiền còn rất khiêm tốn. Trong khi đó, nguy cơ rửa tiền đối với tội tham ô là rất cao.

Qua các vụ án tham ô tài sản được xét xử có thể thấy các khoản tiền bị chiếm đoạt là rất lớn, có những vụ án số tiền này lên đến hàng trăm tỉ, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng. Các khoản tiền bị chiếm đoạt này được sử dụng cho mục đích chi tiêu cá nhân, mua sắm bất động sản, tài sản có giá trị hoặc được "rửa tiền".

Cũng theo NHNN, trong cơ cấu án về các tội phạm tham nhũng, số vụ án và bị cáo bị xét xử hằng năm đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là rất lớn nhưng số tiền phải thi hành án đối với loại tội phạm này chiếm tỉ lệ nhỏ trong cơ cấu án về các tội phạm tham nhũng.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Minh Thơ (Cục Phòng chống rửa tiền, NHNN), số lượng báo cáo về giao dịch đáng ngờ khá lớn và ngày càng tăng. Cục Phòng chống rửa tiền ghi nhận trong năm 2012-2017 có đến 7.285 báo cáo giao dịch đáng ngờ, thuộc nhiều lĩnh vực như đánh bạc, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, điểm thu đổi ngoại tệ...

Cũng theo bà Thơ, mọi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam liên quan đến thanh toán phải được cấp phép. Khoản 4 điều 7 Luật phòng chống rửa tiền quy định các hành vi bị cấm là "cung cấp trái phép dịch vụ nhận tiền mặt, séc, công cụ tiền tệ khác hoặc công cụ lưu trữ giá trị và thực hiện thanh toán cho người thụ hưởng tại một địa điểm khác".

Tuy nhiên, rất khó để có thể luận tội đây là hình thức chuyển tiền bất hợp pháp bởi người gửi và nhận hoàn toàn có thể nói nhờ thân nhân mang tiền về hộ mà không có giấy tờ nên dễ bị tội phạm rửa tiền lạm dụng.

"Báo cáo được đưa về, hệ thống xử lý sơ bộ và đưa ra được các cảnh báo những giao dịch đáng ngờ, cần phải xử lý ngay... Do đó, cơ quan phòng chống rửa tiền của NHNN mong muốn được tăng cường năng lực về con người và công nghệ trong phòng chống rửa tiền" - bà Thơ nói.

Để ngăn chặn được "tiền bẩn", bà Thơ khuyến nghị các ngân hàng cần phải tăng cường rà soát các giao dịch có dấu hiệu đáng ngờ liên quan tội phạm nguồn và các tội phạm có nguy cơ cao rửa tiền như mua bán ma túy, trốn thuế, lạm dụng tín nhiệm và chiếm đoạt tài sản...

Ông Nguyễn Hòa Bình- Chánh án TAND Tối cao:

Mạnh tay hơn với tội phạm rửa tiền

Nghị quyết 03 sẽ tạo ra hành lang pháp lý vững chắc để các cơ quan tố tụng mạnh tay hơn với tội phạm rửa tiền, đồng thời thể hiện được cam kết của Việt Nam với quốc tế về phòng chống các loại tội phạm liên quan đến hoạt động rửa tiền. Tội rửa tiền liên quan đến các loại tội phạm nguồn ở các lĩnh vực khác nhau, nhất là ma túy, lừa đảo, tham nhũng... Phần lớn các loại tội phạm xét cho đến cùng đều hướng đến mục đích lợi nhuận.

Hầu hết các loại tội phạm đều có mục tiêu lợi nhuận, sau khi hoàn tất hành vi phạm tội ban đầu sẽ tiến hành các hoạt động xóa dấu vết, tẩy rửa tiền từ "bẩn" sang "sạch". Trên thế giới, hoạt động tiền tệ, tài chính được quản lý chặt chẽ qua hoạt động ngân hàng, song chúng ta có nhiều hạn chế nên việc xử lý tội phạm rửa tiền gặp nhiều hạn chế, khó khăn. Sau khi có nghị quyết này, ngành tòa án sẽ xét xử loại tội phạm rửa tiền nhanh chóng hơn.

THÂN HOÀNG

Khi nào bị ghép vào tội rửa tiền?

Nghị quyết 03 xác định khái niệm "tiền" bao gồm Việt Nam đồng, ngoại tệ, có thể là tiền mặt hoặc tiền trong tài khoản. "Tài sản" bao gồm: vật, giấy tờ có giá, các quyền tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự, có thể tồn tại dưới hình thức vật chất hoặc phi vật chất, động sản hoặc bất động sản, hữu hình, vô hình, các chứng từ hoặc công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản đó.

Tiền, tài sản do phạm tội mà có là tiền, tài sản có được từ hành vi phạm tội. Việc xác định hành vi phạm tội được căn cứ một trong các tài liệu: bản án, quyết định của tòa án, tài liệu, chứng cứ do các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cung cấp (ví dụ quyết định khởi tố vụ án, kết luận điều tra, cáo trạng...).

Nghị quyết cũng nêu rõ tội phạm nguồn là tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự và tài sản có được từ tội phạm đó trở thành đối tượng của tội rửa tiền, như: tội giết người, mua bán người, buôn lậu, thao túng thị trường chứng khoán, mua bán trái phép chất ma túy, nhận hối lộ...

THÂN HOÀNG 

Lê Thanh

Tuổi trẻ





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi và Võ Thành Hưng được giới thiệu vào quy hoạch BCH Trung ương 

Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác quy hoạch Ủy viên Trung ương Đảng chính thức khóa XIV; Hội nghị triển khai lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ...

Cổ phiếu ngân hàng

Cổ phiếu bảo hiểm


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98