TP HCM: Đau đáu với 2 đại dự án Mả Lạng, Thanh Đa qua 2 thập kỷ

12/06/2019 09:06
12-06-2019 09:06:16+07:00

TP HCM: Đau đáu với 2 đại dự án Mả Lạng, Thanh Đa qua 2 thập kỷ

Giữa nội thành TP HCM vẫn đang tồn tại ít nhất 2 dự án kéo dài hàng chục năm và hệ lụy của nó đã trở thành nỗi ám ảnh của hàng ngàn hộ gia đình

Dự án đầu tiên phải kể đến là dự án khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh (hay còn gọi là khu Mả Lạng) ở phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP HCM. Dự án này đã nằm trên giấy gần 20 năm và đến nay vẫn chưa hẹn ngày triển khai.

Sống khổ trên "đất vàng"

"Ánh sáng là thứ xa xỉ của gia đình tôi", ông Trần Văn Ba (66 tuổi, lô 116, khu Mả Lạng) than thở trước khi mở đầu câu chuyện. Ông kể 20 năm trước, được UBND quận 1 gửi thông báo khu Mả Lạng sẽ giải tỏa để xây dựng thành khu đô thị hiện đại bậc nhất. Tất nhiên, khi dự án được triển khai, tất cả hộ dân ở đây sẽ được đền bù bằng tiền thỏa đáng hoặc được bố trí tái định cư tại chỗ. Nghĩ bụng, giờ đây cả xóm một bước giàu sang nên mở tiệc ăn mừng. Ông Ba lên tiếng kêu gọi cả xóm góp tiền làm một bữa tiệc. Đúng giờ hẹn, mọi người kéo nhau ra đầu hẻm 245 Nguyễn Trãi kéo bàn, dựng trại để làm một bữa ra trò.

TP HCM: Đau đáu với 2 đại dự án Mả Lạng, Thanh Đa qua 2 thập kỷ - Ảnh 1.
Khu Mả Lạng ngày càng trở nên tồi tàn vì vướng quy hoạch treo suốt 20 năm Ảnh: LÊ PHONG

Trong tiệc nhậu 20 năm trước, có gia đình dự tính sẽ về Hóc Môn mua mảnh đất mở tiệm tạp hóa. Có hộ gửi địa chỉ nơi ở mới khi nhận được tiền đền bù. Ông Ba chỉ tay vào căn nhà hàng xóm: "Chủ căn nhà này từng hẹn với tôi, nếu về nơi ở mới phải giữ liên lạc. Chúng tôi chờ mãi, đến lúc ông ấy mất đi, còn tôi vẫn chui ra, chui vào căn nhà xập xệ này. Quy hoạch treo cứ treo cuộc sống của mọi người hàng chục năm nay".

Giấc mơ thoát "treo" đeo đẳng và ám ảnh nhất có lẽ rơi vào gia đình bà Nguyễn Thị Lượm (nhà số 245/75/37 Nguyễn Trãi). Gia đình bà Lượm từ ngày có quy hoạch đến nay đã tăng gấp đôi nhân khẩu - hiện có 8 thành viên, cứ hễ đêm xuống là phải chen nhau ngủ. Riêng bà Lượm, hàng chục năm qua gắn chặt với chiếc võng móc trước cửa nhà. Ban ngày, ngồi ngay đó buôn bán lặt vặt, nấu nướng, đêm xuống ngả lưng ngủ. Riêng đứa con trai út phải ngủ trên những chiếc xe máy vì nhà quá chật. Mỏi mòn chờ giải tỏa nhưng không được và nhận thấy nhà quá chật bà Lượm xin giấy phép sửa chữa cơi nới nhưng không được.

Nói về những hứa hẹn của dự án, bà Lượm bức xúc: "Mỗi lần hỏi khi nào giải tỏa thì được chính quyền cam kết hết lần này qua lần khác. Tôi cứ nghe câu nói "Tháng 6 này sẽ giải tỏa" nhưng không biết tháng 6 của năm nào?". Bà Lượm cho rằng dù gọi là khu "đất vàng" nhưng chính người dân nơi đây không ai có cuộc sống dư giả. Cả xóm, tất cả đều lao động chân tay. "Giấc mơ đổi đời chắc chắn phải tiếp tục chờ…" - bà Lượm thở dài.

Khổ riết thành quen

Một khu đô thị khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự là dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (phường 28, quận Bình Thạnh) đã "treo" gần nửa đời người. Năm 1992, dự án được UBND TP phê duyệt và đến năm 2004 giao cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, do thiếu năng lực nên đơn vị này không triển khai được dự án. Đến năm 2010, chính quyền TP đã thu hồi quyết định. Đến cuối năm 2015, liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (công ty trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai) được UBND TP chỉ định là nhà đầu tư dự án với tổng vốn hơn 30.000 tỉ đồng. Sau đó, Emaar Properties PJSC xin rút khỏi dự án. Từ đó đến nay, người dân lại tiếp tục chờ đợi.

TP HCM: Đau đáu với 2 đại dự án Mả Lạng, Thanh Đa qua 2 thập kỷ - Ảnh 2.
Do không có chỗ ngủ, hàng chục năm qua, bà Lượm gắn chặt với chiếc võng móc trước cửa nhà Ảnh: LÊ PHONG

Vào càng sâu con hẻm 480 Bình Quới, nhà tường không còn nữa mà thay vào đó là hàng loạt căn nhà làm bằng tranh, mái lá. Thi thoảng bắt gặp những cây cầu khỉ. Anh Hà Quốc Quy (ngụ 80/65/15 Bình Quới) cho rằng: "Đây không ai gọi là khu phố mà dân chúng tôi gọi nhau "làng trên", "xóm đình". Chúng tôi quá ngán ngẩm với những tháng năm chờ đợi được thoát treo". Anh Quy dí dỏm khi nói vì bị treo lâu quá cũng có "cái hay". "Cái hay" theo anh Quy đó là ai cũng chịu khổ riết thành quen.

Dí dỏm không kém anh Quy, ông Đỗ Tấn Trung (60 tuổi) nói rằng biết đâu bây giờ thực hiện dự án ông lại không "quên được" cảnh heo hút nơi đây.

Ông Quách Văn Huệ (ngụ nhà số 576 Bình Quới) cho hay những thông tin nhà đầu tư tham gia rồi sau đó bỏ cuộc khiến người dân gắn bó cả đời với mảnh đất cha ông để lại cảm thấy nản lòng. Theo ông Huệ, TP phải xem lại tính khả thi của dự án bởi vì quy mô quá lớn và thời gian treo đã gần 30 năm. Mảnh đất thì chỉ có một, sau này nhà nước thu hồi thực hiện dự án chỉ đền bù một lần nhưng việc sang nhượng, mua bán cũng bị hạn chế khiến người dân phải bỏ đi bao dự định tương lai cho bản thân và con cái.

Nhà đầu tư cũng mong làm sớm

Nói về dự án Bình Quới - Thanh Đa, đại diện Tập đoàn Bitexco cho biết trên thực tế, trong 9 năm qua, Tập đoàn Bitexco luôn đặt mục tiêu trở thành nhà đầu tư để phát triển dự án này. Bởi từ năm 2010, Tập đoàn Bitexco và Tập đoàn Emaar Properties PJSC bắt đầu đề xuất TP về quy hoạch dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa. Thành ủy TP HCM đã chấp thuận chủ trương lựa chọn nhà đầu tư, UBND TP có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Kể cả khi một bên trong đối tác liên danh là Emaar xin rút khỏi dự án (năm 2015) do một số vấn đề về chính sách ưu đãi đầu tư nhưng Tập đoàn Bitexco vẫn tiếp tục theo đuổi và nỗ lực chứng minh các điều kiện về năng lực, kinh nghiệm và khả năng tài chính để thực hiện dự án. Qua nhiều vòng thẩm định, tổ công tác liên ngành đều kết luận và kiến nghị Tập đoàn Bitexco có đủ điều kiện để trở thành nhà đầu tư của dự án.

Bitexco cho hay tập đoàn vẫn chờ đợi UBND TP xem xét, điều chỉnh Quyết định chỉ định nhà đầu tư số 6288/QĐ-UBND ngày 26-11-2015. Tập đoàn Bitexco đã dồn tâm huyết, thời gian, chi phí để theo đuổi, đóng góp vào dự án trong 9 năm qua với hàng trăm văn bản giải quyết sự việc nhằm mong muốn phát triển nơi đây trở thành một khu đô thị hiện đại, sáng tạo, thông minh và có thể trở thành đô thị vệ tinh của TP. Bitexco đã đáp ứng tất cả yêu cầu của TP nhằm chứng minh năng lực tài chính và năng lực kinh nghiệm, cũng như dự án đã hai lần trình Thủ tướng Chính phủ và các bộ - ngành. Những thông tin về việc TP quyết chuyển dự án qua hình thức đấu thầu sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Nay nếu đấu thầu lại thì thời gian cho các bước theo Luật Đấu thầu 2013 và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP là hơn 700 ngày.

Quay trở lại dự án ở khu Mả Lạng, theo tìm hiểu, năm 2000, UBND TP đã giao dự án giải tỏa khu dân cư Mả Lạng để xây dựng khu Trung tâm Thương mại cho Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn làm chủ đầu tư. Chủ đầu tư ra thông báo cho từng hộ dân về kế hoạch đền bù nhưng rồi không thực hiện. 7 năm sau, năm 2007, cư dân Mả Lạng được thông báo dự án chuyển cho nhà đầu tư mới là Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco. Chủ đầu tư mới lại thông báo cho người dân về kế hoạch đền bù giải tỏa, nhưng rồi một lần nữa, mọi việc chìm vào quên lãng. Để rồi, báo cáo mới nhất từ Ban Bồi thường Giải phóng Mặt bằng quận 1, cho thấy có 1.336 căn hộ bị ảnh hưởng từ dự án khu Mả Lạng. Tuy nhiên hiện nay, vẫn còn 3 hộ tranh chấp và không đồng ý cho đo đạc dẫn đến việc khảo sát gặp khó khăn. Về giá bán và giá cho thuê căn hộ tái định cư tại dự án vẫn đang được UBND quận 1 tìm đơn vị tư vấn, thẩm định để xác định giá theo quy định pháp luật, phù hợp thị trường. 

“UBND TP đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc nghiên cứu đề xuất việc Tập đoàn Bitexco tự bỏ chi phí lập, trình duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 theo quy định và TP sẽ không hoàn trả chi phí này trong mọi trường hợp” - Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến thông tin.

Tập trung gỡ rối, không thể ngồi chờ

Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các đơn vị liên quan phải tập trung tìm giải pháp, tháo gỡ các dự án chậm tiến độ trên địa bàn, đặc biệt là dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa.

"Dự án nào phải xin ý kiến trung ương, vướng mắc trong thủ tục thuộc thẩm quyền của trung ương thì phải đeo bám quyết liệt chứ không dừng lại ở việc gửi văn bản xong rồi bình thản ngồi chờ" - Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chỉ đạo.

LÊ PHONG - PHAN ANH

Người lao động





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Hơn 3,6 tỷ USD kéo dài metro số 1 TPHCM đến Bình Dương, Đồng Nai

Khái toán tổng mức đầu tư khi kéo dài tuyến metro số 1 TPHCM kết nối với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai là vào khoảng hơn 3,6 tỷ USD, khoảng 85.150 tỷ đồng.

Đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam thực sự trở thành trục "xương sống"

Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 502/TB-VPCP ngày 4/12/2023 thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về Đề án chủ trương đầu tư...

Cử tri kiến nghị giá đền bù dự án Vành đai 3 chưa hợp lý, lãnh đạo TP Thủ Đức nói gì?

Tại cuộc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV của Đại biểu Quốc hội đơn vị số 1 TP Thủ Đức, ngoài các ý kiến về xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, an...

Bộ GTVT đặt mục tiêu giải ngân tối thiểu đạt 95% năm 2023

Trong tháng cuối cùng của năm 2023, ngoài việc tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án hạ tầng trọng điểm, Bộ GTVT...

Đã chi trả gần 1,100 tỷ đồng cho người dân ảnh hưởng bởi dự án mở rộng, nâng cấp đường Dương Quảng Hàm

UBND quận Gò Vấp vừa có thông tin về tình hình thực hiện dự án thành phần 2: Bồi thường, giải phóng mặt bằng mở rộng, nâng cấp đường Dương Quảng Hàm (đoạn từ quận...

Tập đoàn trúng gói thầu 35,000 tỷ của sân bay Long Thành muốn tham gia metro TPHCM, Hà Nội

Tập đoàn IC Holdings – đơn vị đang tham gia xây dựng dự án sân bay Long Thành chia sẻ sự quan tâm tới nhiều dự án khác tại Việt Nam như đường sắt Thủ Thiêm - Long...

Metro số 1 chính thức "chốt" ngày vận hành thương mại

Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM khẳng định đang điều hành chủ động các đầu việc để thúc tiến độ thi công tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Thông tin mới về đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam 350 km/h, hơn 70 tỷ USD

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thống nhất phương án xây dựng theo kịch bản 3, đường đôi, khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, vốn đầu tư hơn 70 tỷ USD đối...

Chưa xác định được nguồn cung hơn 2 triệu m3 cát thi công Cao tốc Bắc-Nam

Nếu không xác định sớm nguồn cung ứng vật liệu còn thiếu cho nhà thầu thi công, Dự án Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng đến tiến độ...

Nhiều người nhận tiền tỷ bồi thường làm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài khoảng 54 km, trong đó đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai dài khoảng 34 km với hơn 3.400 hộ dân bị ảnh hưởng. Đồng Nai đền bù cao nhất...

Cổ phiếu bất động sản

Cổ phiếu xây dựng


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98