Trung Quốc: Biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ là “bức tường lửa” để giảm rủi ro an ninh quốc gia
Trung Quốc: Biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ là “bức tường lửa” để giảm rủi ro an ninh quốc gia
Trong ngày Chủ nhật (09/06), hãng thông tấn Trung Quốc cho biết, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ mới được đưa ra với mục đích ngăn chặn “một số quốc gia nhất định” khỏi việc sử dụng công nghệ của Trung Quốc để kìm hãm sự phát triển của chính họ.
“Danh sách quản lý an ninh công nghệ, an ninh quốc gia” mới vừa được công bố trong ngày thứ Bảy (08/06), chỉ hơn 1 tuần sau khi Bắc Kinh cho biết họ sẽ tạo ra danh sách “thực thể nước ngoài không đáng tin”, bao gồm những công ty mà họ cho là sẽ gây thiệt hại tới lợi ích của các công ty Trung Quốc. Các chuyên viên phân tích cho biết biện pháp mới chỉ là động thái đáp trả mới nhất từ Trung Quốc khi họ đối mặt với các động thái về thương mại và công nghệ của Mỹ và sẽ có tác động mạnh tới chuỗi cung ứng toàn cầu.
Danh sách này được đưa ra sau khi Bộ Thương mại Mỹ đã thêm Huawei Technologies và 68 công ty liên kết vào danh sách đen vì lo ngại về an ninh quốc gia. Theo đó, Mỹ cấm các công ty Mỹ làm ăn với Huawei.
Sau khi thông báo biện pháp mới, Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia (NDRC) cho biết họ đã thiết lập cơ chế “để ngăn chặn trước và xoa dịu rủi ro an ninh quốc gia một cách hiệu quả hơn”.
NDRC cho biết các thông tin chi tiết hơn sẽ được công bố trong tương lai gần.
Sau đó, Tân Hoa Xã cho biết trong một bài nhận định rằng biện pháp mới được đưa ra với mục đích “bảo vệ an toàn cho các công nghệ cốt lõi và đi đầu của Trung Quốc, đồng thời xây dựng một bước tường bảo vệ vững chãi và an toàn… để từ đó, chúng ta có thể chống đỡ trước một số quốc gia nhất định đang sử dụng công nghệ của Trung Quốc để kìm hãm sự phát triển của chính họ”.
Trong ngày Chủ nhật (09/06), tờ People’s Daily mô tả biện pháp mới là “bức tường lửa” để bảo vệ các nỗ lực trở thành một nền kinh tế đổi mới và phát triển công nghệ tiên tiến trong những lĩnh vực chiến lược của Trung Quốc
“Cơ chế này không có nghĩa là Trung Quốc sẽ ngừng mở cửa thị trường hoặc sẽ làm chậm lại sự hợp tác với bên ngoài”, trích từ nhận định trên People’s Daily.
Trong khi đó, một bài báo đăng trên tờ Thời báo Hoàn cầu cho biết, biện pháp mới nhất “cũng có ý nghĩa thiết thực về phương diện đáp trả lại việc Mỹ đưa ra các giới hạn công nghệ và chặn đứng nguồn cung ứng tới một số doanh nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc”.
“Mỹ kiểm soát công nghệ cao trong nhiều lĩnh vực, nhưng Trung Quốc là cơ sở sản xuất lớn nhất thế giới – vốn làm chủ và đổi mới nhiều công nghệ thực tiễn”, trích từ bài báo trên Thời báo Hoàn cầu. “Chuỗi cung ứng toàn cầu không thể hoạt động nếu thiếu Trung Quốc – Trung Quốc có khả năng tác động tới chuỗi cung ứng của Mỹ thông qua một số biện pháp kiểm soát kỹ thuật nhất định”.
Tommy Wu, Chuyên gia kinh tế cấp cao tại Oxford Economics, cho biết động thái mới nhất của Bắc Kinh lại là một động thái khác để mở rộng “kho vũ khí” của họ trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, cùng với đó là để nhấn mạnh tới nỗ lực sản xuất các công nghệ phát triển tại quê nhà.
“Cho tới nay, mọi thứ trông có vẻ như hệ thống danh sách của Trung Quốc có thể được sử dụng để áp đặt biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ - có thể nhắm tới các công ty Mỹ cụ thể vì vấn đề an ninh quốc gia – giống như lý do của Mỹ”, ông nói. “Bước leo thang căng thẳng trong xung đột về công nghệ chắc chắn sẽ gây áp lực suy giảm lên lĩnh vực này, nhất là trong ngắn hạn. Thế nhưng, bức tranh lớn hơn là Trung Quốc sẽ cố gắng trở nên độc lập về công nghệ hơn trong bất kỳ tình huống nào và chuỗi cung ứng của châu Á sẽ chứng kiến một vài sự phân bổ lại”.
Ở mức độ rộng hơn, Wei Zongyou, Giảng viên về quan hệ quốc tế tại Đại học Fudan, cho biết Trung Quốc hiện sẵn sàng cho một cuộc xung đột toàn diện với Mỹ, khi họ “ăn miếng trả miếng” với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
“Mỹ đã triển khai các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ trong nhiều thập kỷ, vì vậy nếu Trung Quốc đang định làm điều đó, thì chứng tỏ là họ đang học từ Mỹ”, ông cho hay. “Mặc dù chúng tôi không loại bỏ trường hợp Mỹ và Trung Quốc tiến tới thỏa thuận, nhưng Trung Quốc dường như sẵn sàng chiến tranh thương mại dài hạn với Mỹ”.
Theo nguồn tin từ tờ New York Times, Chính phủ Trung Quốc được cho là đã triệu hồi các ông lớn công nghệ trong tuần này, bao gồm cả những công ty sản xuất thiết bị bán dẫn nổi bật có thể kể tới là Microsoft và Dell từ Mỹ, Samsung và SK Hynix của Hàn Quốc, công ty thiết kế chip ARM của Anh.
Một nhân viên tại Microsoft cho biết phiên họp giữa công ty với các quan chức Trung Quốc không phải là lời cảnh báo trực tiếp, nhưng họ cũng nói rõ rằng các công ty có ý định tuân thủ với lệnh cấm từ Mỹ có khả năng đối mặt với hậu quả thảm khốc, Reuters đưa tin.
Công ty đã được yêu cầu không thực hiện các động thái vội vàng hoặc không cân nhắc trước khi tình hình được hiểu đầy đủ, người này cho biết và nói thêm rằng giọng điệu mang hơi hướng hòa giải.
Microsoft từ chối nhận định.
FiLi