Trung Quốc đổ lỗi Mỹ những gì về chiến tranh thương mại?
Trung Quốc đổ lỗi Mỹ những gì về chiến tranh thương mại?
Sách trắng về đàm phán thương mại do Trung Quốc phát hành hôm 2/6 ngụ ý Mỹ dùng chủ nghĩa 'bần cùng hóa láng giềng' khiến căng thẳng leo thang.
Hôm qua (2/6), Trung Quốc đã phát hành Sách trắng về đàm phán kinh tế và thương mại Mỹ-Trung dài hơn 5.000 từ. Theo Bloomberg, tài liệu này đổ lỗi Mỹ là nguyên nhân khiến các cuộc đàm phán thất bại và ngụ ý rằng nước này áp dụng "chủ nghĩa bần cùng hóa láng giềng".
Mặc dù Sách trắng chủ yếu nhắc lại quan điểm, chính sách thương mại và các yêu cầu của Trung Quốc trong quan hệ kinh tế với Mỹ, tài liệu cũng hé lộ những góc nhìn từ phía nước này về thái độ của Mỹ.
Mỹ vi phạm thỏa thuận
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 9/11/2017. Ảnh: AP
|
Sách trắng cho biết quyết định tăng thuế của ông Donald Trump đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày 10/5 là vi phạm thỏa thuận mà ông và Chủ tịch Tập Cận Bình đạt được.
"Những hành động này đi ngược lại thỏa thuận đã đạt được của hai nhà lãnh đạo là giảm bớt bất đồng thông qua tham vấn - và sự mong mỏi của người dân toàn thế giới - phủ bóng lên kinh tế hai nước, các cuộc tham vấn thương mại và tăng trưởng kinh tế toàn cầu", tài liệu kết luận.
Mỹ rút cam kết, không phải Trung Quốc
Trung Quốc cho rằng, Mỹ mới là phía rút lại các cam kết trong tiến trình đàm phán thương mại thời gian qua chứ không phải chính họ, như Mỹ đã cáo cuộc.
"Chính phủ Mỹ cáo buộc Trung Quốc rút lại các cam kết là hoàn toàn không có căn cứ. Thật là thiếu thận trọng khi buộc tội Trung Quốc rút lại cam kết trong khi các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra", Sách trắng nhận định.
Mỹ tham lam
"Từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4, các nhóm làm việc của hai nước đã tổ chức ba vòng tham vấn cấp cao khác và đạt được tiến bộ đáng kể. Sau nhiều vòng tham vấn, hai nước đã thống nhất hầu hết vấn đề. Chính phủ Trung Quốc kêu gọi sự hiểu biết lẫn nhau và thỏa hiệp cho các giải pháp được tìm thấy.
Nhưng chính phủ Mỹ càng được đáp ứng, lại càng muốn thêm. Để đe dọa và ép buộc, họ kiên trì 'yêu cầu cắt cổ', giữ mức thuế bổ sung kể từ khi căng thẳng bắt đầu và nhấn mạnh các yêu cầu bắt buộc, liên quan đến các vấn đề có chủ quyền của Trung Quốc trong thỏa thuận, nhằm trì hoãn việc giải quyết các khác biệt còn lại", tài liệu mô tả.
Mỹ không nhìn nhận tiến bộ của Trung Quốc
Trong khi chính quyền Mỹ cáo buộc Trung Quốc ăn cắp tài sản trí tuệ và buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ của họ cho các đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc để tiếp cận thị trường, Trung Quốc lại nhìn vấn đề rất khác.
"Có một đôi mắt mù quáng trước những nỗ lực không ngừng nghỉ của Trung Quốc, với tiến bộ vượt bậc trong việc bảo vệ sở hữu trí tuệ, cải thiện môi trường kinh doanh cho các nhà đầu tư nước ngoài. Mỹ đã đưa ra vô số quan sát phiến diện và tiêu cực, áp đặt thuế quan và hạn chế đầu tư bổ sung đối với Trung Quốc, kích thích va chạm kinh tế và thương mại giữa hai nước".
Trong khi mối quan tâm chính của Mỹ nếu thỏa thuận đạt được, liệu Trung Quốc có thực thi nghiêm túc, thì Sách trắng đưa ra hứa hẹn: "11 vòng tham vấn cấp cao đã đạt được tiến bộ đáng kể... Trung Quốc đã giữ lời trong suốt các cuộc tham vấn. Trung Quốc đã nhấn mạnh nhiều lần rằng nếu đạt được thỏa thuận thương mại, sẽ tôn trọng các cam kết một cách chân thành và trung thành".
Tuy nhiên, cùng với thiện chí, Trung Quốc cũng không quên cảnh báo Mỹ không nên cố gắng vượt qua 'lằn ranh đỏ'. "Cả Trung Quốc và Mỹ nên nhìn thấy và nhận ra sự khác biệt về sự phát triển quốc gia. Cần tôn trọng lẫn nhau về con đường phát triển và các thể chế cơ bản riêng", một đoạn tài liệu viết.
Sau khi Sách trắng phát hành, đã có nhiều cách hiểu khác nhau về thông điệp của tài liệu này. Theo nhà kinh tế trưởng Shaw Shuang, phụ trách khu vực Trung Quốc và Bắc Á của Standard Chartered tại Hong Kong, thì thông điệp chính là "Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Mỹ để tìm giải pháp. Họ vẫn sẵn sàng làm bất cứ điều gì có thể để trì hoãn một cuộc xung đột tiềm tàng giữa hai nước".
Còn theo Diana Choyleva, kinh tế trưởng tại Enodo Economics (Anh) thì Sách trắng báo động về sự chuẩn bị cho cuộc phân chia lớn. "Trong khi không cần thiết gia tăng xung đột, tài liệu cũng là sự xác nhận rằng Trung Quốc đang đào sâu và chuẩn bị cho một xung đột địa chính trị lâu dài với Mỹ", chuyên gia này bi quan.
"Sách trắng báo hiệu rằng sự bế tắc thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ kéo dài. Đừng hy vọng Trung Quốc chủ động nối lại các cuộc đàm phán. Trước khi Washington nhượng bộ trong các vấn đề chính, ngay cả khi Mỹ muốn nối lại đàm phán, phía Trung Quốc có thể không đáp lại", ông Zhou Xiaoming, một cựu quan chức ngoại giao của nước này bình luận.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra từ tháng 7/2018 với việc Mỹ áp thuế nhập khẩu lên 34 tỷ USD hàng Trung Quốc, cáo buộc nước này vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và có các hoạt động thương mại không công bằng. Qua nhiều vòng, Mỹ đã áp thuế lên tổng cộng 250 tỷ USD hàng Trung Quốc và Trung Quốc trả đũa với 110 tỷ USD. Đầu tháng 5, sau một thời gian hai bên "đình chiến" và đi đến đàm phán, Mỹ đột ngột nâng thuế với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc vì cho rằng Bắc Kinh đã thay đổi các cam kết. Sau đó, Trung Quốc cũng trả đũa bằng việc nâng thuế với phần lớn trong nhóm 60 tỷ USD hàng Mỹ đã chịu thuế từ năm ngoái. Căng thẳng hiện tiếp tục lên cao khi Mỹ đưa Huawei vào danh sách "đen", cấm mua các bộ phận và linh kiện từ Mỹ. |
Phiên An