“Trung Quốc không thể chế tạo chip của riêng họ nếu không thể tiếp cận công nghệ Mỹ”
“Trung Quốc không thể chế tạo chip của riêng họ nếu không thể tiếp cận công nghệ Mỹ”
Các công ty thiết kế chip điện tử của Trung Quốc – vốn đã nở rộ nhờ khao khát muốn tạo ra một ngành thiết bị bán dẫn ở quê nhà của Chính phủ – đang lên tiếng cảnh báo, sẽ không thể đạt mục tiêu quốc gia về một ngành độc lập và khả thi nếu không có quyền tiếp cận tới công nghệ Mỹ.
“Có những công ty thay thế ở Trung Quốc, nhưng khoảng cách về công nghệ là quá lớn”, theo lời của một giám đốc từ một trong những nhà sản xuất chip trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu của Trung Quốc – vốn vẫn phụ thuộc vào công nghệ Mỹ để thiết kế chip điện tử. “Nếu chúng ta không thể tiếp cận tới phần mềm của Mỹ hoặc không còn nhận được bản cập nhật, việc phát triển chip điện tử của chúng ta sẽ đi vào ngõ cụt”.
* WSJ: Mỹ có thể yêu cầu các thiết bị 5G sử dụng tại Mỹ phải được sản xuất bên ngoài Trung Quốc
* Sau Huawei, Mỹ tiếp tục thêm nhiều công ty công nghệ của Trung Quốc vào danh sách đen
Một giám đốc cấp cao từ NextVPU – một công ty sản xuất chip AI do các cựu kỹ sư của Advanced Micro Devices (AMD) sáng lập ra và có trụ sở ở Thượng Hải – nhắc lại những nỗi lo khiến ông trăn trở hàng đêm. “Không có bản cập nhật từ các nhà cung cấp phần mềm của Mỹ, nỗ lực phát triển chip điện tử của riêng Trung Quốc sẽ bị chặn đứng”, ông nói với Nikkei Asian Review.
Các vị giám đốc được trích dẫn lời trong bài báo này phát biểu giấu tên vì lo sợ sẽ khiến chính quyền bực mình vì họ đã thiết lập mục tiêu 70% lượng chip sử dụng trong ngành công nghiệp Trung Quốc sẽ được sản xuất ở trong nước vào năm 2025.
Thế nhưng, các vị chuyên gia và nhà cung ứng trong ngành cũng thể hiện quan điểm tương tự.
“Chúng tôi sẽ sử dụng bất kỳ thiết bị và nguyên vật liệu sản xuất chip mà chúng tôi có trong nước nếu kết quả hoạt động của chúng đủ tốt”, theo lời một vị giám đốc của Semiconductor Manufacturing International – nhà sản xuất chip theo hợp đồng hàng đầu của Trung Quốc. “Nhưng chúng tôi vẫn cần tới thiết bị, nguyên vật liệu, sở hữu trí tuệ và phần mềm thiết kế chip của Mỹ. Bất kỳ nhà sản xuất chip nào trên thế giới cũng khó lòng mà tách rời khỏi các công ty Mỹ một cách nhanh chóng”.
* Samsung sắp đóng cửa nhà máy cuối cùng ở Trung Quốc?
Cici Zhang, Chuyên viên phân tích tại công ty nghiên cứu TrendForce ở Đài Bắc, cũng đưa ra quan điểm bi quan. “Tỷ lệ tự cung tự cấp chung trong lĩnh vực thiết kế chip của Trung Quốc chỉ là 15% trong năm 2018”, Zhang cho biết. “Chúng tôi cho rằng Trung Quốc sẽ không thể thay thế nhiều nhà sản xuất thiết bị bán dẫn toàn cầu một cách nhanh chóng khi chuỗi cung ứng thế giới gắn kết quá chặt”.
Chính phủ Trung Quốc đang bị vướng vào cuộc chiến ngày càng khó nhằn với Mỹ về công nghệ sau khi Washington thực hiện động thái để hạn chế chuyển giao công nghệ Mỹ. Trong tháng 5/2019, Mỹ đã thêm “gã khổng lồ” công nghệ của Trung Quốc vào danh sách đen về thương mại, cấm bán các hàng hóa có chứa 25% công nghệ Mỹ cho Huawei. Vào cuối tuần này, Mỹ tiếp tục thêm 5 công ty công nghệ vào danh sách đen – bao gồm cả nhà sản xuất siêu máy tính Sugon và hai công ty liên doanh Trung Quốc với AMD (công ty của Mỹ).
Động thái này được đưa ra khi Chính phủ Trung Quốc thúc giục các công ty mua thiết bị bán dẫn được sản xuất trong nước để đáp ứng mục tiêu nhập 40% nguồn hàng thiết bị bán dẫn từ trong nước vào năm 2020 và 70% vào năm 2025. Tuy nhiên, các giám đốc ngành bán dẫn cho biết mục tiêu này đã lọt khỏi tầm với, đồng thời nhiều công ty Trung Quốc cũng do dự khi chuyển sang nhập hàng từ các nhà sản xuất thiết bị bán dẫn ở trong nước.
“Nói thật lòng, chip của Trung Quốc vẫn còn kém hiệu quả hơn so với chip của Intel”, theo lời của một giám đốc kinh doanh cấp cao từ Inspur – công ty sản xuất máy chủ lớn thứ ba thế giới và đứng đầu tại Trung Quốc. Các công ty xử lý các quy trình nhạy cảm nhất, như các giao dịch tài chính, cũng không muốn đặt niềm tin vào ngành chip còn non trẻ của Trung Quốc.
“Các khách hàng của chúng tôi là ngân hàng và việc có hệ thống ổn định là ưu tiên hàng đầu của họ”, trích lời của một vị giám đốc từ Siecom – nhà phát triển phần mềm chuyên về sản xuất các thiết bị đầu cuối cho các ngân hàng Trung Quốc. “Ngay cả nếu chip của Huawei vẫn hành tốt như chip của Qualcomm, chúng tôi vẫn cảm thấy chip từ Qualcomm an toàn hơn vì nó đã có kinh nghiệm hơn chục năm trong ngành sản xuất chip”.
Hoạt động sản xuất chip ở Trung Quốc – bao gồm cả các công ty nước ngoài – chiếm chỉ 15% trong thị trường 155 tỷ USD của quốc gia này trong năm 2018, theo IC Insights. Tổ chức nghiên cứu thị trường này dự báo sản lượng chip tại Trung Quốc sẽ chỉ chiếm 20.5% vào năm 2023.
Tham vọng “Sản xuất ở Trung Quốc năm 2025” đã dần tụt xa tầm với trước đợt kiểm soát chặt chẽ của Mỹ.
Ông lớn thiết bị bán dẫn của Mỹ, AMD, đã hạn chế chia sẻ kiến thức với đối tác liên doanh tại Trung Quốc, Tianjin Haiguang, vì động thái của Mỹ và cho biết họ đang “xem xét cụ thể sắc lệnh từ Mỹ để quyết định bước đi kế tiếp cho liên doanh của chúng tôi ở Trung Quốc”.
Đối thủ cạnh tranh của AMD là Intel cũng đã chấm dứt quan hệ hợp tác với Unisoc Communications – một nhà sản xuất chip di động có sự hậu thuẫn từ Bắc Kinh – trước đó trong năm nay, Nikkei Asian Review đưa tin. Trước đó, hai công ty đã lên kế hoạch hợp tác phát triển modem 5G.
“Nỗ lực tự cung tự cấp của Trung Quốc không mang lại kết quả nhanh như dự kiến và bị tác động cực mạnh vì lệnh cấm từ Mỹ”, Arisa Liu, Chuyên viên phân tích lâu năm về chip điện tử tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, cho hay.
Các nhà phân tích nói, mối quan hệ đối tác công nghệ “ngày càng nguội lạnh” này cũng ảnh hưởng đến đà phát triển của các nhà thiết kế chip Trung Quốc. Doanh thu từ lĩnh vực này được dự báo sẽ tăng 17.9% trong năm nay lên khoảng 296.5 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 42.94 tỷ USD). Đây cũng là lần đầu tiên lĩnh vực này được dự báo tăng trưởng dưới mức 20% kể từ năm 2014, thời điểm Bắc Kinh giới thiệu một quỹ trị giá hàng tỷ USD để tăng cường khả năng sản xuất bán dẫn, theo TrendForce.
Hơn nữa, đối với các chip điện tử cao cấp được sử dụng cho các trung tâm dữ liệu và các ứng dụng tinh vi khác, các công ty Trung Quốc vẫn ưu tiên chip nhập khẩu hơn các sản phẩm trong nước. Giám đốc điều hành của nhà sản xuất chip AI hàng đầu cho biết, không chỉ các chip Trung Quốc tụt hậu về hiệu năng mà còn có giá cao hơn đáng kể - đôi khi cao hơn tới 50% do hạn chế về quy mô sản xuất. Việc do dự sử dụng chip trong nước đã khiến các nhà phát triển Trung Quốc gặp khó khăn trong việc cải thiện công nghệ của họ.
“Các công ty nhỏ không thể chịu nổi mức chênh giá cao tới mức này”, vị giám đốc điều hành này cho biết. “Thế nhưng, việc triển khai đóng vai trò then chốt để cải tiến công nghệ. Chúng tôi chỉ có thể biết được những con chip của chúng tôi vận hành như thế nào nếu một ai đó đang sử dụng nó”.
Tại một hội nghị công nghiệp đầu năm nay tại Thâm Quyến, Jiang Yijie, Giám đốc điều hành của nhà sản xuất chip Montage LZ có trụ sở tại Thượng Hải, nói: "Điều mà các nhà sản xuất chip Trung Quốc thiếu không phải là tiềm năng thị trường mà là niềm tin vào thị trường."
Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng làm gương cho các nhà sản xuất khác. Vào tháng 6/2018, lần đầu tiên Trung tâm Mua sắm Chính phủ Trung ương Trung Quốc (CGPC) đã đưa chip do Trung Quốc sản xuất vào danh sách mua hàng. Inspur đã bắt đầu sử dụng chip “nhà làm” cho các dự án của Chính phủ và quân đội. "Hành động sử dụng chip Trung Quốc ngày càng nhiều của Chính phủ là một minh chứng tích cực để hỗ trợ các nỗ lực trong nước", vị Giám đốc bán hàng của Inspur nói.
Michael Guo, một giám đốc bán hàng tại Zhejiang Shijing Sensor Technology – chuyên sản xuất chip cho các nhà sản xuất xe hơi, cũng cậy nhờ vào Bắc Kinh. "Nếu Chính phủ khuyến khích sử dụng chip sản xuất tại Trung Quốc trong mua sắm công thì các công ty sẽ mua nhiều hơn", ông nói.
Nhưng ngay cả với sự hỗ trợ rất được mong đợi từ các nhà lãnh đạo Trung Quốc, ông Guo vẫn thận trọng về việc liệu Bắc Kinh có đạt các mục tiêu năm 2025 đầy tham vọng hay không. "Ngành công nghiệp chip của Trung Quốc đang trên đà phát triển, nhưng nó vẫn thua xa các công ty cùng ngành phương Tây", ông nói. "Có lẽ chúng ta sẽ mất một thập kỷ nữa để bắt kịp."
Vũ Hạo (Theo Nikkei Asian Review)
FiLi