VC7 lấy tiền ở đâu để mua cổ phiếu VC3 và VMC?
VC7 lấy tiền ở đâu để mua cổ phiếu VC3 và VMC?
Vừa qua, HĐQT của CTCP Xây dựng Số 7 (HNX: VC7) đã thông qua Nghị quyết về việc chi tối đa gần 241 tỷ đồng để mua cổ phiếu VC3 và VMC. Nhìn vào tình hình hiện nay của VC7, không ít nhà đầu tư đặt dấu chấm hỏi lớn về nguồn tiền để VC7 thực hiện được thương vụ này.
* VC7 sẽ chi tối đa gần 241 tỷ đồng để mua cổ phiếu VC3 và VMC
VC7 tiền thân là Công ty Xây dựng số 9, thành lập ngày 05/05/1993 đến năm 2002 thì Công ty được chuyển đổi từ hình thức sở hữu nhà nước sang hình thức CTCP. Đến ngày 28/12/2007, VC7 được chính thức niêm yết trên HNX với giá giao dịch ngày đầu lên đến 51,700 đồng/cp.
Những ngày đầu đỉnh cao là thế còn hiện tại cp VC7 vẫn đang đổ đèo và trong hành trình dò đáy, giá cổ phiếu lên tục giảm trong vòng 1 năm qua (giảm hơn 48% giá trị cổ phiếu) và có giá là 7,900 đồng/cp kết phiên ngày 03/06.
VC7 được biết đến trong lĩnh vực thi công xây lắp các công trình dân dụng, công nghiệp, bưu điện, xây dựng và phát triển nhà ở, kinh doanh bất động sản,…
Theo như Nghị quyết, VC7 dự kiến mua VC3 với giá tối đa là 23,000 đồng/cp, mua VMC với giá tương đương 19,000 đồng/cp (mức giá này khá hời cho VMC khi giá cổ phiếu chỉ 14,700 đồng/cp kết phiên 03/06).
VC3 cũng như VMC đều là công ty hoạt động trong lĩnh vực tương tự như VC7. Về tình hình kinh doanh, VC3 ghi nhận kết quả sau mỗi năm khá bèo chỉ vài tỷ hay vài trăm triệu đồng trong 4 năm gần đây. Ngược lại, VMC có tình hình kinh doanh khá khả quan hơn nhưng vẫn ở chiều hướng đi thụt lùi.
Tình hình kinh doanh của VMC
|
Tình hình kinh doanh của VC3
Nguồn: VietstockFinance
|
Vốn điều lệ thấp hơn số tiền dự kiến đầu tư, tiền và tương đương tiền chỉ gần 16 tỷ đồng
Sau nhiều lần đổi tên và tăng vốn điều lệ, đến ngày 17/01/2019, VC7 đã nâng vốn điều lệ lên 219 tỷ đồng. Lần tăng vốn gần đây nhất, Công ty đã phát hành gần 11 triệu cp để bổ sung vốn hoạt động kinh doanh, trong đó có việc bổ sung vốn hợp tác kinh doanh với công ty TNHH Cam Lâm để thực hiện khu du lịch sinh thái Prime – Prime Resorts and Hotels. Song, đến nay, VC7 đã có quyết định thu hồi số tiền đầu tư vào Cam Lâm.
Từ năm 2016 trở về trước Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HNX: VCG) chính là cổ đông lớn của VC7 với sở hữu 36% vốn. Thế nhưng sau năm 2016, Vinaconex đã thoái sạch vốn tại Công ty và thay thế vào đó là 3 cổ đông cá nhân với tổng sở hữu 42.7% vốn VC7 (tại ngày 31/12/2018).
Tính đến ngày 31/03/2019, nguồn vốn của VC7 chỉ ngót ở mức hơn 469 tỷ đồng, trong đó chỉ tiêu tiền và các khoản tương đương tiền chỉ gần 16 tỷ đồng, giảm gần 8 lần so với thời điểm đầu năm (hơn 124 tỷ đồng). Bên cạnh đó, VC7 có gần 17 tỷ đồng nợ vay tài chính ngắn hạn và không có khoản vay dài hạn.
Công ty cũng chỉ có hơn 711 triệu đồng khoản ghi nhận từ đầu tư góp vốn vào đơn vị khác, cụ thể ở CTCP Xây lắp và trang trí nội thất Việt Nam và CTCP tư vấn Handic.
Chưa bao giờ lãi hơn 20 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối chỉ gần 23 tỷ đồng
Về tình hình hoạt động kinh doanh, dù không ghi nhận lỗ nhưng trong 10 năm gần đây VC7 chỉ báo lãi hàng chục tỷ đồng và chưa khi nào cán đích kế hoạch đã đặt ra.
Nguồn: VietstockFinance
|
Gần đây nhất vào năm 2018, tổng doanh thu VC7 đạt hơn 137 tỷ đồng (thi công xây lắp và kinh doanh bất động sản), chỉ thực hiện được 34% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế chỉ đạt phân nửa kế hoạch khi con số này chỉ hơn 20 tỷ đồng.
Nhiều nguyên nhân khiến kết quả thực hiện không đạt kế hoạch, trước hết là do VC7 không phát triển thêm dự án bất động sản mới mà tập trung vào các dự án cũ, hơn nữa các công trình xây lắp lại thiếu thủ tục pháp lý của chủ đầu tư, vướng mặt bằng không giải phóng được nên kéo dài công trình thi công.
Bên cạnh đó, trong 3 năm gần đây, VC7 luôn trong tình trạng bị âm dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh (riêng năm 2018 âm nặng hơn 191 tỷ đồng).
Dù vậy thì VC7 mạnh tay đặt kế hoạch cho năm 2019 với doanh thu ở 451 tỷ đồng, gấp 2.3 lần so với thực hiện năm 2018; lãi ròng thì tăng hơn 64% ở con số hơn 33 tỷ đồng. Kết thúc quý 1/2019, VC7 có doanh thu hơn 23 tỷ đồng, lãi ròng hơn 1 tỷ đồng, thực hiện được 5% kế hoạch doanh thu và 4% kế hoạch lãi ròng. Với việc báo lãi, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của VC7 nhích nhẹ lên gần 23 tỷ đồng.
Vốn điều lệ thì ít hơn so với số tiền dự kiến đầu tư, lợi nhuận chưa phân phối cũng chỉ có 23 tỷ đồng, VC7 sẽ xoay xở như thế nào và lấy nguồn tiền từ đâu để có tận 241 tỷ đồng thực hiện thương vụ khủng này?
FILI