Vì sao người tiêu dùng còn e dè với thẻ tín dụng?
Vì sao người tiêu dùng còn e dè với thẻ tín dụng?
Ngày 11/06, tại Tọa đàm “Thị trường thẻ tín dụng: Cuộc đua giữa các ngân hàng và cơ hội cho người tiêu dùng” do Bizlive tổ chức, TS. Đinh Thế Hiển đã chỉ ra những lý do khiến người tiêu dùng còn e dè với việc sử dụng thẻ tín dụng.
Nguồn ảnh: Ái Minh
|
Thẻ tín dụng là một trong các phương pháp hỗ trợ xu hướng không dùng tiền mặt, đem đến sự thuận tiện và tiện ích cho người dùng.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, dân số Việt Nam có hơn 70 triệu người trưởng thành, tốc độ tăng trưởng thu nhập và chi tiêu thuộc hàng nhanh nhất trong khu vực. Điều này đồng nghĩa dư địa của thị trường thẻ tín dụng vẫn còn lớn. Theo đó, ngày càng có nhiều ngân hàng trong nước và nước ngoài tham gia vào cuộc đua tranh giành thị phần trên thị trường thẻ tín dụng đầy tiềm năng này.
Cuộc cạnh tranh phát hành thẻ tín dụng càng sôi động với nhiều tổ chức tham gia thì chính khách hàng sẽ là người được hưởng lợi. Thẻ tín dụng cũng đang ngày càng phổ biến, điều kiện mở thẻ tín dụng hiện nay cũng khá đơn giản với nhiều loại thẻ hướng tới các đối tượng và hạn mức khác nhau.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM nhấn mạnh: “Dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt sẽ thay đổi thói quen người tiêu dùng và buộc người ta phải thay đổi để phát triển. Các ngân hàng thương mại giữ vai trò quan trọng đối với hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và vai trò thúc đẩy hoạt động này mở rộng và phát triển. Trong điều kiện hiện nay, các ngân hàng tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng và phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử gắn liền với quá trình thúc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển chung của khu vực và thế giới, trong đó phải đảm bảo nguyên tắc lợi ích kinh tế: tiện lợi, tiện ích, nhanh chóng, an toàn và bảo mật cao.”
Ông Nguyễn Hoàng Minh cũng cho biết, tại TPHCM, các chỉ tiêu về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt luôn có tốc độ tăng trưởng qua hằng năm, xấp xỉ 90% và tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt chỉ khoảng 11%.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, tính đến hết quý 1/2019, số lượng thẻ đã phát hành trên địa bàn đạt khoảng 12 triệu thẻ, trong đó, thẻ quốc tế chiếm 30%, tương đương 3.6 triệu thẻ quốc tế. Tốc độ tăng trưởng thẻ ngân hàng trên địa bàn bình quân hằng năm là 20%.
Số lượng máy POS (máy cà thẻ) đạt 41,000 máy và đang tăng trưởng mạnh để đáp ứng cho hạ tầng thanh toán không dùng tiền mặt và tạo những tiện ích cho người tiêu dùng khi thanh toán bằng thẻ ngân hàng.
Mặc dù vậy, tỷ lệ người tiêu dùng chưa dùng thẻ tín dụng theo đánh giá vẫn cao hơn những người xài thẻ. Giải thích về việc người tiêu dùng vẫn còn khá e dè với việc sử dụng thẻ tín dụng, TS. Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế cho rằng, thứ nhất, tính phổ biến của thẻ tín dụng chưa thật sự mạnh đối với mọi người. Thứ hai, người được làm thẻ tín dụng còn hạn chế vì quy trình làm thẻ tín dụng là cho vay tín chấp, đối tượng khách hàng phải phù hợp với những quy định chặt chẽ mới được cấp thẻ tín dụng. Đồng thời, số đông người dân tại TP.HCM vẫn còn chi tiêu ăn uống ở những cửa hàng nhỏ hoặc qua chợ bình thường.
“Ngoài ra, ngày càng có nhiều người mua hàng qua mạng đa phần cũng sẽ chi trả cho người giao hàng bằng tiền mặt ngay khi nhận hàng hoặc chuyển khoản trước, không phải bằng thẻ tín dụng. Với tất cả những nhu cầu này chưa đụng chạm tới thẻ tín dụng nhiều”, ông Hiển nói thêm.
Trước thực tế các ngân hàng chỉ mới tập trung đến việc phát hành thẻ nhưng chưa tính đến việc đảm bảo quyền lợi cho khách hàng khi xảy ra sự cố thẻ tín dụng.
TS. Đinh Thế Hiển nhận định rằng: “Chiến lược phát triển ngân hàng trong lĩnh vực bán lẻ với thực tế hiệu quả sử dụng có một khoảng cách. Nhiều ngân hàng vẫn đang chạy theo chỉ tiêu về số lượng mà không màng đến chất lượng. Nhân viên sale chỉ đơn thuần bán xong được 1 cái thẻ là hết, không gắn bó với khách hàng. Do đó, số lượng phát hành thẻ thành công và số lượng người dùng không có sự tương xứng".
Do đó, theo ông Hiển, nhân viên ngân hàng cần phải là một trợ lý tài chính cho khách hàng, đưa ra hướng dẫn tư vấn tốt cũng như giải đáp thắc mắc cho khách hàng một cách trọn vẹn sẽ hướng khách hàng đến việc sử dụng thẻ tín dụng hiệu quả và an toàn.
Để giành chiến thắng trên cuộc đua về thị trường thẻ tín dụng đầy khốc liệt này, ông Nguyễn Hoàng Minh khẳng định: “Các ngân hàng cần tạo tâm lý an toàn, bảo mật, thuận lợi trong giao dịch và mang lại giá trị gia tăng cho khách hàng, sẽ giúp tạo niềm tin và gia tăng lượng khách hàng đến với các dịch vụ thẻ của ngân hàng nhiều hơn”.
FILI