VinaCapital: Thành tích quỹ VOF bị kìm lại vì không nắm giữ cổ phiếu VIC
VinaCapital: Thành tích quỹ VOF bị kìm lại vì không nắm giữ cổ phiếu VIC
Trong tháng 5/2019, chứng khoán Việt Nam giảm 2.6% theo xu hướng với những thị trường khác trên thế giới. Diễn biến này xảy đến sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa trên Twitter rằng sẽ nâng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc với lý do Bắc Kinh đã “trở mặt” và rút lại gần như toàn bộ cam kết đã nhất trí từ trước.
Thị trường thêm phần bất ổn khi Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẽ nâng thuế đối với toàn bộ hàng hóa Mexico, như là biện pháp trừng phạt nước này vì đã không kiểm soát được dòng người nhập cư bất hợp pháp sang Mỹ. Cũng vì lẽ đó, nhiều nhà bình luận tin rằng có khả năng chiến tranh thương mại sẽ lan sang các quốc gia khác chứ không riêng gì Trung Quốc. Thương chiến đang là “mối đe dọa hàng đầu” đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Mới đây, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong cả hai năm 2019 và 2020 nếu căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang.
Việt Nam vẫn bất khuất
Theo đó, nền kinh tế Việt Nam được dự báo là sẽ đi ngược với xu hướng toàn cầu và tiếp tục tăng trưởng bất khuất. Việt Nam có thể là nơi trú ẩn an toàn trước những bất ổn. Dạo gần đây, xuất hiện nhiều bài báo nhấn mạnh tới việc Việt Nam hưởng lợi từ thương chiến Mỹ - Trung. Thế nhưng, với sự khó lường từ Tổng thống Trump, chẳng thể nào nói chắc chắn là Việt Nam sẽ không trở thành mục tiêu của Mỹ, VinaCapital nhận định.
Mỹ đang có thâm hụt thương mại khoảng 40 tỷ USD với Việt Nam, đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng những quốc gia có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ. Thêm nữa, Việt Nam gần đây còn bị thêm vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ của Bộ Tài chính Mỹ (cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Ireland, Singapore và Malaysia). Tuy nhiên, nếu bất kỳ một viễn cảnh tiêu cực nào nhắm đến Việt Nam xảy ra, nhiều khả năng nó sẽ xảy đến ở phần sau của thương chiến toàn cầu khi đã qua giai đoạn “đau thương” nhất.
Thành tích quỹ VOF bị kìm lại vì không có VIC
Một công ty nằm trong danh mục của VOF (quỹ lớn nhất thuộc VinaCapital) là Cao su Phước Hòa (PHR, tổng vốn hóa thị trường 337 triệu USD). Ngoài sản xuất cao su, PHR còn sở hữu 15,000 ha đất. Công ty đã có kế hoạch bán khoảng 1/5 diện tích đất này cho các đối tác như Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP). Cổ phiếu PHR đã tăng 7.5% trong tháng 5 và thậm chí đã bay cao 65% kể từ đầu năm 2019.
Giá trị tài sản ròng trên mỗi chứng chỉ quỹ của VOF giảm 1.6% trong tháng 5/2019, nhưng vẫn tốt hơn thành tích của chỉ số VN-Index (giảm 2.6%). Vingroup (VIC) - cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong VN-Index - vẫn là một trong những cổ phiếu có thành quả tốt nhất trong tháng 5 với mức tăng 1%, và tính từ đầu năm thì đã bứt phá 20%. VIC cũng vừa nhận được 1 tỷ USD đầu tư từ Tập đoàn Hàn Quốc - SK Group. VinaCapital cho biết, quỹ VOF không nắm giữ VIC vì hệ số P/E trailing 113x là quá cao. Dù vậy, một số cổ phiếu khác trong danh mục, như VJC (tăng 7%), PNJ (tăng 3%) và EIB (tăng 4%) đã giúp quỹ VOF có thành quả tốt hơn đôi chút so với VN-Index trong tháng 5/2019, mặc dù phía VinaCapital thừa nhận rằng thành tích từ đầu năm 2019 của quỹ VOF bị kìm đi ít nhiều vì không nắm giữ cổ phiếu VIC.
Nguồn: VOF - VinaCapital
|
Tính đến cuối tháng 5/2019, 10 khoản đầu tư lớn nhất chiếm tỷ trọng gần 56% danh mục của Quỹ. Trong đó, HPG là cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất, nhưng thành tích gần đây của cổ phiếu này không được tốt khi đã suy giảm 4.5% trong tháng 5 vừa qua. Thậm chí, tính từ đầu tháng 6 đến kết phiên ngày 12/06/2019, HPG đã giảm thêm xấp xỉ 6.5%.
Các khoản đầu tư của VOF trải dài trên nhiều ngành nghề, chủ yếu tập trung vào các nhóm ngành: Bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng; thực phẩm và đồ uống; dịch vụ tài chính. 4 nhóm ngành này chiếm hơn 60% danh mục của Quỹ.
Nguồn: VOF - VinaCapital
|
Hiện tiền mặt chiếm tỷ trọng khoảng 4% trong tổng tài sản của VOF. Quỹ này kỳ vọng sẽ dùng lượng tiền mặt này để rót vào các khoản đầu tư vốn cổ phần tư nhân tiềm năng, cũng như vào một vài cổ phiếu mà VOF đang nắm giữ nhằm tận dụng đà giảm thị giá hiện tại. Đến cuối tháng 5/2019, các khoản đầu tư vào vốn cổ phần tư nhân chiếm gần 14% danh mục của Quỹ.
Về cuối tháng 6/2019, các công ty chứng khoán hàng đầu Việt Nam sẽ cung cấp chứng quyền (chỉ có chứng quyền mua) có đảm bảo đối với (1) các cổ phiếu bị giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài; (2) các cổ phiếu vốn hóa lớn như MWG, FPT, VNM và HPG. Những chứng quyền này có kỳ hạn từ 3 - 12 tháng và nhắm đến phục vụ các nhà đầu tư nhỏ lẻ - những người vốn ưa thích đòn bẩy cao. Tại thời điểm này, VOF cho biết không có ý định đầu tư vào chứng quyền có đảm bảo nhưng hoan ngênh sản phẩm này như là một bước trưởng thành tiếp theo của thị trường Việt Nam.
FILI