Vốn ngoại tệ, tỷ giá và thế lưỡng nan của chính sách
Vốn ngoại tệ, tỷ giá và thế lưỡng nan của chính sách
Dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh mang lại những hiệu ứng tích cực nhưng cũng có thể đưa đến những hệ quả không mong muốn, nhất là khi chính sách tỷ giá và tiền tệ lâm vào thế lưỡng nan và bị hạn chế trong việc hóa giải những sức ép từ dòng vốn này.
Ảnh minh họa
|
Hệ quả từ dòng vốn nước ngoài
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục chảy ròng mạnh mẽ vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay, với tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 5 tháng đầu năm đạt gần 9.1 tỷ USD, tăng vọt 27.1% so với cùng kỳ năm 2018.
Các cuộc đàm phán Mỹ - Trung thất bại và Mỹ tiếp tục áp thuế quan lên hàng nhập khẩu Trung Quốc càng thúc đẩy các doanh nghiệp tại Trung Quốc ồ ạt chuyển dịch cơ sở sản xuất sang các quốc gia lân cận, trong đó Việt Nam nổi lên như một thị trường thay thế tiềm năng. Cụ thể 5 tháng đầu năm nay Trung Quốc đã vươn lên trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam khi rót vốn 1.56 tỷ USD, chiếm 24.2% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Bên cạnh đó, vốn FDI giải ngân 5 tháng ước tính đạt 7.3 tỷ USD, tăng 7.8% so với cùng kỳ năm 2018; ngoài ra còn có 3,160 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 7.65 tỷ USD, gấp 2.8 lần so với cùng kỳ năm 2018. Như vậy, nếu tính tổng vốn FDI giải ngân và vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) lên tới gần 15 tỷ USD, nếu quy đổi sang VNĐ theo tỷ giá 23,000 thì tương đương 345,000 tỷ đồng.
Một lượng cung ngoại tệ lớn như thế có thể gây ra một số hệ quả không mong muốn như sau: thứ nhất có thể làm tăng giá tiền đồng khi nguồn cung ngoại tệ trong nước trở nên quá dồi dào. Thực tế nguồn cung ngoại tệ trong 2 năm trở lại đây rất mạnh, đến từ hoạt động đầu tư lẫn thương mại. Như trong năm 2018, thặng dư thương mại lên đến 7.2 tỷ USD, còn vốn FDI giải ngân đạt 19.1 tỷ USD và vốn FII là 9.89 tỷ USD.
Thứ 2 là có thể gây áp lực lên lạm phát khi lượng cung tiền vô hình chung bị mở rộng quá mức trước dòng vốn từ nước ngoài chảy vào mạnh mẽ. Điều này đã từng diễn ra trong quá khứ, năm 2007 lạm phát của Việt Nam lên đến 2 chữ số tại 12.63%, trong đó một phần bị ảnh hưởng từ việc dòng vốn nước ngoài tăng vọt khi Việt Nam gia nhập WTO.
Cụ thể năm 2007 luồng vốn FDI đăng ký tăng vọt lên 20.3 tỷ USD, cao gấp đôi so với mức 10.2 tỷ USD của năm 2006, đặc biệt là luồng vốn đầu tư gián tiếp gia tăng mạnh mẽ khoảng trên 6 tỷ, gấp 5 lần con số của năm 2006. Trong giai đoạn này NHNN cũng đã mua đến 9 tỷ USD ngoại tệ, khiến cung tiền M2 tăng vọt và tác động đáng kể lên lạm phát.
Thế lưỡng nan của chính sách
Để hóa giải những hệ quả kể trên, NHNN trong 5 tháng qua cũng đã tăng cường mua vào ngoại tệ nhằm giảm sức ép tăng giá tiền đồng, với lượng mua vào từ đầu năm tính đến giữa tháng 4 là xấp xỉ 8.35 tỷ USD, tức bơm ra hơn 193 ngàn tỷ đồng. Đồng thời để tránh gây sức ép lên lạm phát khi cung tiền mở rộng quá nhanh, nhà điều hành cũng liên tiếp hút ròng thanh khoản qua kênh OMO và thị trường tín phiếu.
Năm 2007 luồng vốn FDI đăng ký tăng vọt lên 20.3 tỷ USD, cao gấp đôi so với mức 10.2 tỷ USD của năm 2006, đặc biệt là luồng vốn đầu tư gián tiếp gia tăng mạnh mẽ khoảng trên 6 tỷ, gấp 5 lần con số của năm 2006. Trong giai đoạn này NHNN cũng đã mua đến 9 tỷ USD ngoại tệ, khiến cung tiền M2 tăng vọt và tác động đáng kể lên lạm phát. |
Thống kê cho thấy NHNN đã hút ròng 141.3 ngàn tỷ đồng trên thị trường OMO trong 5 tháng qua, cộng thêm việc liên tiếp phát hành tín phiếu để hút tiền về, dẫn đến tổng giá trị tín phiếu đang lưu hành đã tăng nhanh từ tháng 4 đến nay, hiện lên mức 84.8 ngàn tỷ đồng. Chính sách này đã phần nào trung hòa được lượng tiền bơm ra để mua ngoại tệ, vừa giúp ổn định được tỷ giá mà cũng hạn chế áp lực lên lạm phát.
Tuy nhiên, giải pháp này có thể sẽ gặp nhiều thách thức trong thời gian tới. Với việc hôm 29/5 Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách các nước theo dõi khả năng thao túng tiền tệ, thì chính sách tỷ giá và tiền tệ buộc phải thận trọng hơn. Có 3 tiêu chí để Mỹ đánh giá 1 quốc gia có thao túng tiền hay không gồm Thặng dư thương mại với Mỹ đạt trên 20 tỷ USD; Thặng dư cán cân vãng lai trên 2% GDP và can thiệp vào ngoại hối 1 chiều, tức là mua dòng ngoại hối trong 6 tháng liên tiếp với tổng số tương đương 2% GDP.
Trong năm 2018, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ gần 39.5 tỷ USD, trong 5 tháng đầu năm nay đã là 16.8 tỷ USD. Theo báo cáo của Bộ tài chính Mỹ, Việt Nam đã thỏa mãn 2 trong số 3 tiêu chí mà phía Mỹ đề ra là thặng dư thương mại với Mỹ đạt trên 20 tỷ USD và thặng dư cán cân vãng lai trên 2% GDP. Với tiêu chí thứ 3, Việt Nam chưa thỏa mãn khi lượng mua ròng ngoại tệ năm 2018 chỉ tương đương 1.7% GDP.
Do đó, nhà điều hành khó có thể tiếp tục mua ròng ngoại tệ trong thời gian tới nếu như không muốn thỏa luôn cả tiêu chí thứ 3. Điều đáng nói là nếu như không thể mua vào ngoại tệ trong bối cảnh dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục chảy vào mạnh mẽ, thì hệ quả là có thể đẩy tiền đồng đối mặt với áp lực tăng giá.
Trong bối cảnh các đồng tiền khác bị mất giá mạnh so với USD trong thời gian qua, nếu tiền đồng tăng giá hoặc chỉ giữ ổn định so với USD, thì tiền đồng sẽ tăng mạnh so với các ngoại tệ khác. Cụ thể như ở đồng nhân dân tệ trong tháng 5 đã giảm 3% giá trị so với USD sau khi Mỹ áp hàng rào thuế quan mới, trong khi cùng thời gian này, VND chỉ giảm khoảng 0.5% so với USD, vô hình chung VND đã tăng giá khoảng 2.5% so với CNY.
Điều này không những làm mất lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt, mà còn khuyến khích hoạt động nhập khẩu khi giá hàng nhập khẩu trở nên rẻ hơn, từ đó khiến tình trạng nhập siêu quay trở lại. Tính riêng trong tháng 5 vừa qua, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt lên đến 1.3 tỷ USD, dẫn đến tính chung 5 tháng nhập siêu 548 triệu USD.
Ngoài ra, lượng vốn đầu tư chảy vào mạnh mẽ khiến cung tiền tăng mạnh như đã phân tích, nhưng nhà điều hành lại không thể hút bớt lượng thanh khoản dư thừa trong nền kinh tế, thì hệ quả sẽ đẩy giá các hàng hóa và kênh tài sản tăng vọt, dẫn đến những rủi ro, bất ổn tiềm ẩn ở các thị trường cũng như hình thành những sức ép lên lạm phát là khó tránh khỏi.
FILI