Xóa điểm nghẽn giữa sản xuất và phân phối
Xóa điểm nghẽn giữa sản xuất và phân phối
Bộ Công Thương sẽ thường xuyên tổ chức các hội nghị kết nối, tạo sân chơi cho doanh nghiệp sản xuất và phân phối hàng hóa gặp được nhau.
Ngày 14-6, tại Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ gắn kết bền vững giữa doanh nghiệp (DN) sản xuất và DN phân phối diễn ra ở Hà Nội, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, nêu lên bài toán đang cần lời giải là kết nối có hiệu quả giữa hai nhà sản xuất và phân phối.
Theo bà Nga, cả nước hiện có 8.600 chợ truyền thống, điểm bán hàng nhỏ lẻ và hơn 1.000 siêu thị, gần 5.000 cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini... cung cấp hàng hóa phù hợp thị hiếu cho người tiêu dùng, dịch vụ thương mại văn minh, độ phủ ngày càng rộng. Tuy nhiên, các yêu cầu về chất lượng sản phẩm đang là một trong những khó khăn để các sản phẩm Việt có thể chen chân vào những hệ thống phân phối lớn hiện nay.
Các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm đến khách hàng
|
Theo đại diện Vụ Thị trường trong nước, việc kết nối giữa nhà sản xuất và phân phối nhiều lúc chưa được chú trọng, thậm chí thực hiện theo các phương thức truyền thống, nhỏ lẻ chưa mang tính chuyên nghiệp dẫn đến sản phẩm được làm ra khó đến tay người tiêu dùng.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động bên lề hội nghị, ông Đào Việt Dũng, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Giám đốc HTX Việt Doanh (huyện Mê Linh, Hà Nội; chuyên sản xuất nông sản), than rất khó kết nối với các kênh phân phối bởi chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm, chưa có những chính sách thiết thực để giúp HTX kết nối với các đơn vị phân phối. "Bản thân chúng tôi phải tự vận động, tự đi chào hàng nên rất khó để cạnh tranh được với các DN lớn. Bên cạnh đó, những sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo quy trình chuẩn, giá thành sẽ cao nhưng người tiêu dùng chưa thay đổi thói quen "ngon, bổ, rẻ" nên việc phân phối còn chưa được như kỳ vọng" - ông Dũng bày tỏ.
Ngoài ra, những HTX quy mô nhỏ còn nhiều vướng mắc về vốn để đầu tư công nghệ, thay đổi mẫu mã sản phẩm dẫn đến trở ngại khi tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm có tính bền vững. Các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối với nhà phân phối, đặc biệt hệ thống phân phối hiện đại, cũng đang ở xa tầm với.
Thấy rõ những khó khăn mà DN sản xuất đang đối mặt, bà Lê Việt Nga cho biết Bộ Công Thương sẽ thường xuyên tổ chức các hội nghị kết nối, tạo sân chơi cho DN sản xuất hàng hóa và DN phân phối hàng hóa gặp được nhau, tìm thấy nhu cầu thực sự, cung cấp cho người dân những sản phẩm có chất lượng, giá cả phù hợp. Đồng thời, tạo ra những chuỗi hàng hóa giá trị Việt ở thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Bà Nga cho rằng cần có các giải pháp chuyên nghiệp hơn để kết nối giữa sản xuất và phân phối. Bà dẫn chứng nhiều nước trên thế giới, mỗi hệ thống bán lẻ đều có cẩm nang riêng để truyền bá thông tin cũng như đưa ra các yêu cầu về sản phẩm đầu vào, từ đó tạo cơ sở cho DN sản xuất cung ứng sản phẩm vào hệ thống bán lẻ. Đây là hướng đi mà theo bà, các DN phân phối Việt có thể triển khai để tăng cường hơn nữa sự tương tác với DN sản xuất.
Theo bà Vũ Thị Hậu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, bên cạnh việc nhà sản xuất đi chào hàng, các đơn vị phân phối cũng phải tăng cường tính chủ động, không chỉ ngồi một chỗ chờ sản phẩm tới mà cần đi về các địa phương. Các nhà phân phối cần vươn tới những khu sản xuất đầy tiềm năng, đưa các sản phẩm Việt có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng tốt đến tay người tiêu dùng để tạo chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ bền vững.
Minh Chiến