Tranh luận lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu

07/08/2019 07:23
07-08-2019 07:23:52+07:00

Tranh luận lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu

Mặc dù đồng tình với phương án tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60 và nam lên 62 từ năm 2021, nhưng tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội chiều 6.8, nhiều đại biểu cho rằng cần thiết kế giãn lộ trình cho phù hợp từng đối tượng.

Đại đa số công nhân không đồng tình tăng tuổi nghỉ hưu khi được hỏi ý kiến. Ảnh: Ngọc Thắng

Rút lại 1 phương án tăng tuổi nghỉ hưu

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp cho biết 3 tháng qua Bộ đã tổ chức lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân, chủ trì 8 cuộc hội thảo lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng khác nhau tại các vùng, miền. Qua tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp (DN), người lao động (NLĐ), cho thấy đa số ý kiến đồng ý điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo phương án 1. “Theo đó, kể từ 1.1.2021, mỗi năm tăng 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ, để tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 tuổi vào năm 2035 và của nam là 62 tuổi vào năm 2028”, ông Diệp nói và cho biết dự thảo trình QH tại kỳ họp tới sẽ chỉ quy định theo phương án 1.

Tuy nhiên, theo ông Diệp, một số ý kiến đề nghị có phương án cụ thể về những trường hợp nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn và những trường hợp nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn so với quy định chung; làm rõ căn cứ, cơ sở để quy định khoảng cách tuổi nghỉ hưu là 2 tuổi giữa nam và nữ; một số ý kiến băn khoăn về tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non; đề nghị nghiên cứu quy định giảm điều kiện thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng hưu trí.

Về vấn đề này, ông Diệp cho hay Bộ LĐ-TB-XH đang tổng rà soát các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để ban hành một danh mục thống nhất các công việc, ngành nghề, vị trí việc làm thuộc trường hợp đặc biệt mà người lao động có thể được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn, dự kiến tháng 9 tới sẽ hoàn thành.

Có thể chúng ta phải tính toán lại, thiết kế phương án để khu vực sản xuất kinh doanh bỏ qua giai đoạn 2021 - 2026, sau đó mới bắt đầu tăng tuổi nghỉ hưu khi mà các điều kiện lao động đảm bảo

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội

“Đối với một số công việc có tính chất đặc thù như xiếc, thể thao, nghệ thuật sân khấu, giáo viên mầm non… sẽ được quy định theo hướng: Khi hết tuổi nghề làm công việc đặc thù, NLĐ sẽ được đào tạo để chuyển đổi sang nghề nghiệp khác phù hợp. Trường hợp không chuyển đổi nghề nghiệp được thì có quyền nghỉ hưu sớm”, ông Diệp thông tin thêm.

Đề xuất lộ trình chậm hơn cho NLĐ khối sản xuất

Đồng tình phải nâng tuổi nghỉ hưu, song bà Trương Thị Bích Hạnh, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động Bình Dương, băn khoăn việc nâng tuổi nghỉ hưu đối với công nhân khu vực DN. Bà Hạnh chia sẻ: “Khi lấy ý kiến khu vực DN, đại đa số công nhân không ai đồng tình tăng tuổi nghỉ hưu. Lộ trình tăng này khá dài, sau 10 năm nữa, những thay đổi về điều kiện lao động sẽ rất khác, nhưng tại thời điểm này NLĐ chưa mong muốn”. Theo bà Hạnh, Ban soạn thảo cần cân nhắc kỹ lưỡng và phải có cơ chế đối với công nhân khu vực DN, bởi nếu không, không ai lường trước được những tác động, sự phản ứng từ chính sách. “Trong dự thảo bộ luật sửa đổi nên có thêm cơ chế quyền được nghỉ hưu ở tuổi 55 với nữ và 60 đối với nam”, bà Hạnh đề xuất.

Thừa nhận thực tế không một DN và NLĐ nào muốn tăng tuổi nghỉ hưu, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, đặt vấn đề: “Chúng ta có nên cho lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu của NLĐ khối sản xuất đi cùng với khu vực nhà nước và hành chính sự nghiệp không? Có thể chúng ta phải tính toán lại, thiết kế phương án để khu vực sản xuất kinh doanh bỏ qua giai đoạn 2021 - 2026, sau đó mới bắt đầu tăng tuổi nghỉ hưu khi mà các điều kiện lao động đảm bảo. Hoặc là đi theo cách như một số nước làm, mỗi năm tăng 1 tháng. Lộ trình chậm lại nhằm thay đổi điều kiện làm việc để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho NLĐ khối sản xuất kinh doanh”.

Đại diện phía NLĐ, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN, đề nghị phạm vi đối tượng, mức tăng và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu cần cân nhắc kỹ và thận trọng. “Người trẻ muốn đi làm, còn một bộ phận người lớn tuổi không muốn đi làm khi tuổi đã cao. Người trẻ được đào tạo bài bản so với trước đây, số người có nghề nhiều hơn, người trẻ khỏe hơn, năng suất lao động tốt hơn người lớn tuổi. Lợi ích DN cần phải so sánh, với người trẻ họ trả lương thấp hơn, người lớn tuổi phải trả lương cao hơn. Vấn đề ở đây là đối tượng rất muốn tham gia thị trường lao động nhưng khi tăng tuổi nghỉ hưu thì bị hạn chế. Còn người già rất muốn nghỉ lại không được nghỉ”, ông Hiểu phân tích và đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, thậm chí phải thiết kế lại lộ trình cho phù hợp, như với đối tượng NLĐ trực tiếp có thể thiết kế theo từng giai đoạn, có thể nâng tuổi nghỉ hưu dần từ 55 lên 57 hoặc 58.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết Ban soạn thảo sẽ “gạn đục khơi trong” theo nguyên tắc vừa tốt nhất, có lợi cho NLĐ, đồng thời bảo đảm lợi ích hài hòa cho DN vì phát triển chung. Ban soạn thảo sẽ báo cáo với Chính phủ để trình quan điểm chính thức về vấn đề này, để trình Thường vụ Quốc hội vào 14.8 tới.

Thu Hằng

Thanh Niên





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thủ tướng kỳ vọng làn sóng đầu tư mới từ Thụy Điển vào Việt Nam

Trong chương trình thăm chính thức Vương quốc Thụy Điển, chiều 12/6 (giờ địa phương), tại Stockholm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Bộ trưởng Hợp tác phát...

Hộ gia đình sử dụng bao nhiêu điện nên cân nhắc lắp điện mặt trời mái nhà?

Tiền điện bình quân sử dụng hàng tháng là một trong những yếu tố để các hộ dân cân nhắc lắp điện mặt trời mái nhà.

Diện mạo Việt Nam sau sáp nhập tỉnh, thành như thế nào?

Với 461/465 đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội vào sáng 12/06/2025 đã chính thức thông qua Nghị quyết mang tính lịch sử về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh. Vậy...

Công ty đề xuất 100 tỷ USD làm đường sắt tốc độ cao: Làm ăn cả năm lãi... 1 triệu đồng

Giai đoạn năm 2019 - 2021, Công ty Mekolor có 2 năm làm ăn thua lỗ, 1 năm làm ăn có lãi với mức 1 triệu đồng, công ty này hiện có vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Căn...

Việt Nam sẵn sàng thêm ưu đãi cho hàng hóa của Hoa Kỳ và đề nghị Hoa Kỳ có bước đi tương xứng

Việt Nam nhất quán đàm phán với Hoa Kỳ nhằm hướng tới một Hiệp định song phương trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, quyền tự chủ, thể chế chính trị, hài hòa, cân bằng...

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm việc với Nike, Walmart và Exxon Mobil

Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Mỹ, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã làm việc với các tập đoàn lớn của Mỹ như: Nike, Walmart, Exxon Mobil.

Xi măng và thép không phát thải: Thực tế hay chỉ là tham vọng xa vời?

Trong hành trình khử carbon của nền kinh tế toàn cầu, ngành xi măng và thép đặt ra những thách thức đáng kể.

Tập đoàn Alstom của Pháp muốn tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Sáng 11/6 theo giờ địa phương (chiều cùng ngày theo giờ Hà Nội), tại Paris, trong chương trình hoạt động song phương tại Cộng hòa Pháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã...

Doanh nghiệp TPHCM nói thẳng góc khuất hoạt động thanh, kiểm tra

Các doanh nghiệp thường ngán ngại các cuộc thanh, kiểm tra, do các yêu cầu thanh, kiểm tra thường thiên về bắt lỗi thay vì hướng dẫn, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh...

Việt Nam sẵn sàng mở cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Mỹ

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh Việt Nam sẵn sàng mở cửa thị trường, dành thêm ưu đãi cho hàng hóa xuất khẩu của Mỹ và đề nghị Mỹ có bước đi tương...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98