Trung Quốc thề đáp trả lại hàng rào thuế quan “dã man” của Mỹ và sẽ chiến đấu “đến cùng”

25/08/2019 14:33
25-08-2019 14:33:18+07:00

Trung Quốc thề đáp trả lại hàng rào thuế quan “dã man” của Mỹ và sẽ chiến đấu “đến cùng”

Vào ngày thứ Bảy (24/08) vừa qua, Trung Quốc thông báo rằng họ sẽ tiếp tục “so găng” với Mỹ trong chiến tranh thương mại “cho đến cùng” sau khi cả hai bên áp thêm thuế quan lên hàng hóa của nhau.

Bộ Thương mại Trung Quốc đã đưa ra lời kêu gọi Washington không nên “đánh giá sai tình hình và xem thường sự quyết tâm của người dân Trung Quốc”, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ áp thuế quan mới lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. “Mỹ quốc nên dừng ngay hành động sai trái của họ, nếu không thì việc làm đó sẽ phải gánh chịu mọi hậu quả”, theo lời kêu gọi từ Bắc Kinh.

Trong khi đó, trên Nhân dân Nhật Báo (People’s Daily) – cơ quan ngôn luận chính thức của Chính phủ Trung Quốc – vừa đăng lên một bài chỉ trích gay gắt và có đoạn nói rằng Trung Quốc có sức mạnh để tiếp tục tranh chấp và buộc tội Washington vì đã hy sinh lợi ích của chính người dân nước Mỹ.

Được xuất bản với bút danh là “Wuyuehe”, bài đăng trên đã mô tả biện pháp thuế quan mới nhất của Mỹ là một biện pháp “dã man”.

Bài đăng có đoạn cho biết thuế quan mà Trung Quốc áp lên số hàng hóa trị giá 75 tỷ USD của Mỹ - vừa được thông báo vào ngày thứ Sáu (23/08) vừa qua - là sự đáp trả của Trung Quốc đối với sự leo thang đơn phương trong tranh chấp thương mại của Mỹ, thêm vào đó Trung Quốc cũng đã quyết định sẽ đấu với Mỹ “cho đến cùng”.

Hàng rào thuế quan lên đến 10% của Trung Quốc được áp lên các loại hàng năng lượng và linh kiện xe hơi, ngoài ra còn có đậu nành nhập từ Mỹ, và Nhân dân Nhật Báo còn nói rằng biện pháp này sẽ gây ảnh hưởng đến hệ thống kinh tế và tài chính của Mỹ.

“Mong muốn bảo vệ lợi ích cốt lõi của đất nước và lợi ích cơ bản của người dân Trung Quốc là không thể xoay chuyển. Trung Quốc sẽ không e sợ trước bất cứ thách thức nào”, trích từ bài đăng trên. “Lịch sử sẽ chứng minh rằng những người nào đi theo công bằng và công lý sẽ là người chiến thắng cuối cùng”.

Ngay sau khi Trung Quốc thông báo áp thuế quan, ông Trump đã phát biểu rằng ông sẽ áp thêm thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc và động thái leo thang mới nhất trong ngày này cho thấy ông Trump đã xem Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là “kẻ thù”, đồng thời kêu gọi các công ty Mỹ chấm dứt việc làm ăn với Trung Quốc.

Động thái của ông Trump là tăng thuế quan từ 25% lên 30% áp lên lô hàng Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD có hiệu lực kể từ ngày 01/10/2019, và đẩy mức thuế quan 10% áp lên lô hàng trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc lên thành 15%.

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang “căng như dây đàn” và sự kiện này có thể sẽ chiếm mất sự nổi bật của Hội nghị Thượng đỉnh G7 đang diễn ra tại Biaritz (Pháp) trong đó các chuyên gia phân tích nói rằng ông Trump có khả năng sẽ gây áp lực lên các nhà lãnh đạo của các nước phương Tây để củng cố lập trường chống lại Bắc Kinh của họ. Nhưng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự kiến sẽ lôi kéo sự chú ý của cuộc họp qua việc xử lý “lá phổi xanh của Trái đất”- rừng Amazon bị cháy và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu trong suốt thời gian diễn ra Hội nghị từ thứ Bảy (24/08) đến thứ Hai (26/08).

Sự leo thang trong cuộc chiến thuế quan ập đến chỉ một ngày sau khi Cố vấn kinh tế của Nhà Trắng Larry Kudlow nói rằng các nhà đàm phán cấp phó của cả hai bên đã tổ chức một buổi điện đàm “rất có tính xây dựng” vào ngày thứ Tư (21/08), và ông còn cho biết Mỹ đang chuẩn bị cho các cuộc họp sắp diễn ra ở Washington vào tháng 9 sắp tới.

Theo Ủy ban Thuế quan của Trung Quốc, tổng cộng sẽ có 5,078 hàng hóa Mỹ sẽ phải chịu mức thuế bổ sung 10% hoặc 5%. Mức thuế quan mới này sẽ được áp dụng theo hai đợt – đợt đầu tiên bắt đầu từ ngày 01/09/2019 và đợt thứ hai sẽ bắt đầu vào ngày 15/12/2019.

Việc áp thuế quan này – vốn đã được thông báo rồi lại bị đình chỉ vào đầu năm 2019 – là sự đáp trả của Trung Quốc đối với kế hoạch áp thêm 10% thuế quan lên lô hàng Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD của Mỹ. Thuế quan bổ sung của Trung Quốc sẽ được áp dụng lên các mặt hàng bao gồm đậu nành, thịt bò, thịt lợn và dầu thô nhập từ Mỹ.

Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục áp thuế quan bổ sung từ 5-25% lên các loại xe và phụ tùng ô tô có xuất xứ từ Mỹ bắt đầu từ ngày 15/12/2019.

Trong một bài luận của Taoran Notes – tài khoản mạng xã hội có liên kết với tờ báo Econnomic Daily của Chính phủ Trung Quốc, có đoạn cho biết biện pháp trả đũa của Trung Quốc giống như một loại “công cụ nhắm đến mục tiêu cụ thể”, nhắm trực tiếp vào các ngành công nghiệp Mỹ như đậu nành, dầu thô và xe hơi.

Brian Dodge, Giám đốc vận hành của Hiệp hội các nhà lãnh đạo Ngành Bán lẻ, cho biết động thái tiếp tục cho thuế quan leo thang của ông Trump đã làm náo loạn thị trường Mỹ.

“Thưa Ngài Tổng thống, chúng tôi cầu xin ông hãy chấm dứt cuộc chiến thương mại này trước khi sự tổn hại trở nên không thể cứu vãn”, ông Dodge nói. “Nếu như sự bất ổn lan truyền từ Phố Wall đến Phố Main, thì đà tăng trưởng kỷ lục mà chúng ta hiện đang tận hưởng chắc chắn sẽ đi đến kết thúc và chính những người tiêu dùng Mỹ sẽ phải hứng chịu ảnh hưởng, chứ không phải người dân Trung Quốc”.

Tuy nhiên, việc chiến tranh thương mại xuống thang là điều không thể xảy ra bởi vì cả hai bên đều không tìm thấy mặt trái nào của chính trị để có thể đưa ra nhượng bộ, theo Bill Reinsch, Cố vấn cấp cao chuyên về thương mại quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.

Ông Trump “muốn tiếp tục bắt nạt Trung Quốc còn Trung Quốc thì lại muốn tiếp tục kể cho phần còn lại của thế giới biết rằng họ mới là người đúng ở đây”, ông Reinsch nói.

Ian Bremmer, Chủ tịch của công ty tư vấn chính trị Eurasia Group có trụ sở tại New York, đồng tình với ý kiến trên.

“Ông Trump thực sự không muốn nền kinh tế Mỹ đi xuống”, ông Bremmer viết trong một bài đăng trên Twitter, vốn được đăng ngay sau khi tin tức về động thái mới nhất của nhà lãnh đạo Mỹ được công bố. “Nhưng nếu như ông Trump muốn bằng mọi cách đều phải đối đầu với Trung Quốc (và ông ấy đã đang làm vậy), thì đáng lẽ ông ấy phải thực hiện trước khi cuộc bầu cử xảy đến. Ngụ ý sẽ có sự leo thang từ phía Mỹ sớm hơn”.

Trong bình luận của ông Trump vào sớm ngày thứ Bảy (24/08), đồng thời bao gồm “lệnh” gửi đến các công ty như Amazon, Federal Express, UPS và các công ty hậu cần khác phải tìm kiếm chất fentanyl từ các lô hàng của Trung Quốc, khiến cho giới chứng khoán chao đảo và nhắc nhở các cuộc gọi từ Phòng Thương mại Mỹ và các tổ chức công nghiệp khác phải chấm dứt các chiến sự thương mại.

Trong bài đăng thứ hai trên Twitter vào ngày thứ Sáu (23/08) của ông Trump, có chứa thông báo về việc áp thuế quan cao hơn lên hàng hóa Trung Quốc, nhưng lại không giải thích bằng cách nào hoặc khi nào thì các công ty Mỹ sẽ phải tiến hành theo mệnh lệnh tìm kiếm “biện pháp thay thế Trung Quốc” mà ông Trump đã đưa ra vào sáng ngày thứ Sáu.

“Các công ty Mỹ tuyệt vời của chúng ta được yêu cầu phải ngay lập tức bắt đầu tìm kiếm biện pháp thay thế cho Trung Quốc, bao gồm việc chuyển các công ty Mỹ ở Trung Quốc về quê nhà và sản xuất các sản phẩm của họ trên đất Mỹ”, ông Bremmer nói.

Trong khi đó, các hiệp hội công nghiệp Mỹ bị bỏ lại với nỗ lực cố gắng bảo vệ chuỗi cung ứng của họ với Trung Quốc.

“Trong suốt hai năm rưỡi, chúng tôi được hứa hẹn sẽ có một biện pháp mới và đầy tính sáng tạo, nhưng thứ mà chúng tôi nhận được là một chiến lược thương mại từ những năm 1930 mà hóa ra lại là một thảm họa đối với người tiêu dùng Mỹ, công ty Mỹ và cả nền kinh tế Mỹ”, Rick Helfenbein, Chủ tịch Hiệp hội Hàng may mặc và Giày dép Mỹ, lên tiếng ngay sau khi ông Trump thông báo động thái thuế quan mới nhất.

“Trong khi đó, vị Tổng thống của chúng ta lại nói rằng ông muốn các công ty Mỹ chấm dứt việc hoạt động tại Trung Quốc, thế nhưng ông ấy không có vẻ gì là hiểu rằng việc di chuyển một chuỗi cung ứng là việc làm cực kỳ phức tạp và đắt đỏ”, ông Helfenbein nói.

“Phải tốn rất nhiều năm mới xây dựng được các mối quan hệ mà đạt các tiêu chuẩn đúng đắn và sản xuất được các sản phẩm chất lượng, thế nhưng chúng tôi chỉ được cho thời gian là vài tuần và trong trường hợp này là chỉ vài ngày (để tuân theo mệnh lệnh của ông Trump)”.

Vũ Hạo (Theo SCMP)

FiLi







TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Kinh tế Mỹ và kịch bản không hạ cánh

Từ chỗ được dự báo sẽ hạ cánh mềm, nền kinh tế Mỹ giờ đây đang có khả năng xảy ra kịch bản không hạ cánh, với lạm phát cao dai dẳng và tăng trưởng mạnh mẽ. Điều này...

Hoạt động kinh doanh của Mỹ giảm tốc trước thềm cuộc họp của Fed

Theo nhà kinh tế trưởng Chris Williamson tại S&P Global Market Intelligence, sự suy giảm nhu cầu và sự hạ nhiệt của thị trường lao động đã dẫn đến áp lực giá thấp...

Nhà đầu tư tăng đặt cược Fed tiếp tục nâng lãi suất

Trên các thị trường quyền chọn lãi suất của Mỹ, nhà đầu tư bắt đầu tăng đặt cược Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất trong 12 tháng tới. Đó là kịch bản ít...

Doanh thu du lịch toàn cầu năm 2024 dự báo đạt 5.800 tỷ USD

Báo cáo Các xu hướng kinh tế du lịch thế giới dự báo số lượt du khách đến trên toàn thế giới sẽ lên đến 13.579 tỷ lượt trong năm 2024, tức là phục hồi 103,9% so với...

Sức mạnh của đồng USD - kịch bản nằm ngoài dự báo cho năm 2024

Chỉ số đồng USD của Bloomberg đã tăng hơn 4% trong năm nay, cho thấy "đồng bạc xanh" đã tăng giá so với tất cả các đồng tiền của các nước phát triển và thị trường...

Các nền kinh tế lớn nhất ở châu Á trước áp lực đồng USD mạnh

Các nhà hoạch định chính sách ở Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đều đang nhắc tới việc ổn định đồng nội tệ khi các đồng tiền này chịu sức ép lớn do chênh lệch giữa...

Thủ tướng phát lệnh khởi công đoạn cuối cùng trên tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông

Sáng 21/04, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng với tổng nguồn vốn hơn 11,000 tỷ đồng, là đoạn...

Biến đổi khí hậu sẽ khiến thế giới tổn thất 38.000 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050

Nghiên cứu của PIK ước tính đến năm 2050, biến đổi khí hậu sẽ lấy đi 17% GDP của thế giới, hầu hết các nền kinh tế đều chịu tổn hại do biến đổi khí hậu và tất cả...

Hội nghị mùa Xuân 2024: Nỗ lực giữ vững sự phục hồi và phát triển ổn định

Trọng tâm của Hội nghị mùa Xuân năm nay là tập trung thảo luận các vấn đề đang được toàn cầu quan tâm, bao gồm triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới, hợp tác quốc...

Thị trường bất động sản của Mỹ gặp khó khăn do lãi suất và giá nhà cao

Doanh số bán nhà đã qua sở hữu, chiếm phần lớn doanh số bán nhà của Mỹ, đã giảm 4,3% trong tháng 3/2024, xuống mức 4,19 triệu căn.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98