Ảnh minh hoạ.

Đây là thông tin được trao đổi tại hội thảo "Ngành tài chính và viễn thông Việt Nam trước cơ hội và thách thức từ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA)", do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF) tổ chức ngày 23/10 tại Hà Nội.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhận định, sau khi được ký kết ngày 30/6/2019, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) đang trong quá trình phê chuẩn nội bộ để chính thức có hiệu lực. Theo đó, các dịch vụ tài chính như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán... và dịch vụ viễn thông là những nhóm dịch vụ có nhiều cam kết đáng chú ý trong EVFTA. Trong khi đó, sự mở cửa thị trường của Việt Nam đã ở mức cao hơn so với cam kết WTO và đã có nhiều tiêu chuẩn tối thiểu trong quản lý Nhà nước đối với các dịch vụ này. Trong khi đó, EU lại là đối tác có thế mạnh về các dịch vụ tài chính, viễn thông. Vì vậy, EVFTA được dự báo sẽ có tác động đáng kể đến tương lai ngành và thị trường tài chính – viễn thông Việt Nam.

Chia sẻ với các doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) đã đánh giá khái quát Hiệp định EVFTA trong bức tranh của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và đang ký kết cùng cộng đồng quốc tế; các quy định và cam kết cụ thể trong EVFTA về dịch vụ, đầu tư và thương mại điện tử.

Đây là những vấn đề khó và mang tính đặc thù cao, muốn giúp các doanh nghiệp hiểu rõ ràng, đầy đủ để có vận dụng cam kết hay thực thi đúng trong quá trình sản xuất kinh doanh thì rất cần những cách thức đào tạo, nâng cao nhận của các doanh nghiệp.

Đánh giá một cách toàn diện, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, những cam kết của EVFTA sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 2,18-3,25% trong giai đoạn từ 2019-2023; tăng từ 4,57-5,3% trong giai đoạn 2024-2028 và 7,07-7,72% trong giai đoạn 2029-2033.

Các chuyên gia nhận định, môi trường kinh doanh sẽ ổn định và dễ dự đoán hơn đối với dịch vụ tài chính và dịch vụ viễn thông trong bối cảnh hội nhập và khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU chính thức có hiệu lực.

Tác động gián tiếp mà EVFTA mang sẽ làm gia tăng nhu cầu dịch vụ; giúp cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng ổn định, minh bạch. Cùng với đó, sẽ kéo theo cơ hội đầu tư ra các nền kinh tế thành viên của Liên minh châu Âu hay cơ hội hợp tác với các đối tác EU trong việc cải thiện chuyên môn, công nghệ, quản trị và năng lực cạnh tranh. 

Về tác động trực tiếp của EVFTA, bà Nguyễn Thị Thu Trang đánh giá: Bước đầu sẽ chưa có tác động quá lớn về đầu tư nước ngoài vì đối với ngành tài chính sẽ chỉ mở thêm duy nhất dịch vụ nhượng tái bảo hiểm còn về mức cam kết thì sẽ không có gì thay đổi.  Còn đối với ngành viễn thông, sẽ không mở thêm lĩnh vực viễn thông nào mới, nhưng về mức cam kết thì 5 năm đầu không có thay đổi gì lớn. Sau 5 năm, mức độ mở cửa sẽ cao hơn cam kết WTO về mức vốn nước ngoài trong liên doanh và dịch vụ giá trị gia tăng không có hạ tầng mạng mở cho doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.  Dù vậy, song song với những cơ hội mở ra thì nhiều lĩnh vực kinh tế của Việt Nam.

Đặc biệt là ngành tài chính và viễn thông sẽ đứng trước những áp lực cạnh tranh từ các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài trong bối cảnh hội nhập FTA.

Thêm vào đó, yêu cầu của khách hàng với dịch vụ cũng sẽ ngày càng cao hơn và vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin, thách thực về bảo mật thông tin, đảm bảo an toàn trong giao dịch... cũng là những tác động gián tiếp từ EVFTA mà nền kinh tế phải đối mặt.

Phân tích thêm về lĩnh vực viễn thông, ông Nguyễn Quý Quyền - đại diện Vụ Hợp tác Quốc tế Bộ Thông tin và Truyền thông khá lạc quan cho rằng: Thực tế với dịch vụ viễn thông, các doanh nghiệp trong nước hiện không chỉ giữ vững thị trường mà còn có nội lực rất tốt. Hiện chỉ có duy nhất một liên doanh viễn thông là Vietnam Mobile nhưng thị phần của liên doanh này cũng không lớn. Vì thế, khi EVFTA có hiệu lực thì các nhà đầu tư nước ngoài cũng không dễ nhảy vào sân chơi rất khó cạnh tranh này.

Còn theo ông Vũ Thế Bình - Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam, thị trường cung cấp dịch vụ Internet ở Việt Nam cũng đang cạnh tranh rất lớn và thay vì hạ giá thành thì các nhà cung cấp mới đây cũng tăng băng thông lên gấp đôi cho người sử dụng.

“DN nước ngoài muốn tham gia sân chơi này cũng không hề dễ. Vì thế, thị trường mà các doanh nghiệp nước ngoài có thể tham gia được chính là các dịch vụ giá trị gia tăng trên Internet”, ông Vũ Thế Bình nhận định.

Ngọc Minh

Báo Chính phủ