Ảnh minh họa

Theo đó, dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 6 Thông tư số 263/2016/TT-BTC như sau: Tổ chức thu phí được để lại 30% số tiền phí thu được để trang trải các chi phí cho việc thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phí và lệ phí và nộp 70% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước (NSNN) theo Mục lục NSNN hiện hành.

Hiện nay, theo quy định tại Thông tư 263/2016/TT-BTC thì tổ chức thu phí được để lại 85% số tiền phí thu được trước khi nộp NSNN, để trang trải các chi phí cho việc thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phí và lệ phí. Số còn lại 15% trên tổng số tiền phí thu được nộp vào NSNN.

Thông tư 263/2016/TT-BTC quy định cụ thể phí thẩm định về sở hữu công nghiệp; phí giải quyết yêu cầu phản đối đơn về sở hữu công nghiệp; phí tra cứu thông tin về sở hữu công nghiệp; phí công bố, đăng bạ thông tin sở hữu công nghiệp; phí sử dụng Văn bằng bảo hộ; phí thẩm định đăng ký quốc tế về sở hữu công nghiệp.
Theo đó, phí thẩm định đơn đăng ký sở hữu công nghiệp từ 180.000 đồng - 1.200.000 đồng; phí thẩm định yêu cầu chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ là 180.000 đồng/văn bằng; phí thẩm định yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ là 390.000 đồng/văn bằng...
Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện công việc, dịch vụ bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp là tổ chức thu phí, lệ phí sở hữu công nghiệp. 

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.