Trước thềm đàm phán với Mỹ, Trung Quốc coi mình ở "cửa trên"?

07/10/2019 11:34
07-10-2019 11:34:21+07:00

Trước thềm đàm phán với Mỹ, Trung Quốc coi mình ở "cửa trên"?

Giới chức Trung Quốc đang phát tín hiệu chưa muốn đi đến một thỏa thuận thương mại toàn diện với Mỹ như mong muốn của Tổng thống Donald Trump. Những tín hiệu như vậy được đưa ra trước cuộc gặp giữa quan chức cấp cao hai nước trong tuần này - vòng đàm phán được giới quan sát kỳ vọng sẽ dẫn tới một thỏa thuận đình chiến.

Trước thềm đàm phán với Mỹ, Trung Quốc coi mình ở 'cửa trên'?
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: Reuters.

Nguồn thạo tin tiết lộ với Bloomberg, để chuẩn bị cho vòng đàm phán sắp diễn ra ở Washington, các quan chức Trung Quốc đã có các cuộc gặp với các quan chức Mỹ tới Bắc Kinh trong những tuần gần đây. Tại các cuộc gặp này, phía Trung Quốc đã phát tín hiệu về những chủ đề mà họ sẵn sàng thảo luận, nhưng những chủ đề đó đã thu hẹp đáng kể.

Trung Quốc đang ở "cửa trên"?

Theo dự kiến, Phó thủ tướng Lưu Hạc, nhà đàm phán thương mại cấp cao nhất của Trung Quốc sẽ dẫn đầu một phái đoàn dự đàm phán tại Washington bắt đầu vào ngày thứ Năm. Theo nguồn tin, ông Lưu Hạc đã nói với các quan chức Mỹ thăm Bắc Kinh rằng những đề xuất mà ông dự định đưa ra tại Washington sẽ không bao gồm cam kết về cải cách chính sách công nghiệp hay trợ cấp của Trung Quốc. Trong khi đó, đây vốn là những điểm chính trong yêu cầu mà Mỹ đưa ra đối với Trung Quốc bấy lâu nay.

Theo giới phân tích, dự định trên có thể là biểu hiện của việc Trung Quốc cho rằng họ đang ở "cửa trên" trong cuộc đàm phán bởi ông Trump đang vướng vào cuộc điều tra luận tội của Đảng Dân chủ và đối mặt với nền kinh tế Mỹ giảm tốc do ảnh hưởng của thương chiến.

Trong khi đó, nguồn tin gần cận với chính quyền ông Trump nói cuộc điều tra luận tội ông không ảnh hưởng gì đến đàm phán thương mại Mỹ-Trung. Họ cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm đặt Mỹ vào thế "cửa dưới" trên bàn đàm phán sẽ là một tính toán sai lầm của Trung Quốc.

Trung Quốc đang "coi cuộc điều tra của Đảng Dân chủ nhằm đưa ông Trump ra luận tội là một điểm yếu của ông Trump" - chuyên gia Jude Blanchette thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington nhận xét. "Họ cho rằng ông Trump cần một thắng lợi" và vì thế sẵn sàng nhượng bộ để đi đến một thỏa thuận - theo bà Blanchette.

Nhưng gần đây, ông Trump luôn nói ông không muốn ký thỏa thuận một phần với Trung Quốc mà sẽ chỉ ký một thỏa thuận toàn diện. Nguồn thạo tin cho biết ông vẫn giữ nguyên quan điểm này.

"Chúng tôi đã có những khoảng thời gian tốt và những khoảng thời gian xấu với Trung Quốc. Hiện tại, chúng tôi đang ở vào một giai đoạn rất quan trọng, xét về khả năng đạt tới một thỏa thuận", ông Trump nói với báo giới vào hôm thứ Sáu. "Việc chúng tôi đang làm là đàm phán một thỏa thuận rất khó khăn. Nếu thỏa thuận không 100% tốt cho chúng tôi, thì chúng tôi sẽ không chấp nhận".

Giới thạo tin nói rằng giới chức Mỹ gần đây hướng các cuộc thảo luận thương mại với Trung Quốc theo một quy trình gồm 3 giai đoạn, bao gồm Trung Quốc mua nông sản và năng lượng Mỹ với khối lượng lớn; Trung Quốc thực thi các cam kết về bảo vệ tài sản trí tuệ như đã đưa ra trong một dự thảo thỏa thuận vào đầu năm nay; và cuối cùng là Mỹ rút lại một phần thuế quan đã áp lên hàng hóa Trung Quốc.

Thỏa thuận lớn còn xa vời

Hồi tháng 9, Bloomberg nói rằng Nhà Trắng đang tính đến khả năng đạt một thỏa thuận thương mại giới hạn với Trung Quốc bao gồm 3 yếu tố trên. Một thỏa thuận như vậy có thể mở đường cho những vòng đàm phán với chủ đề rộng hơn vào năm sau. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc khăng khăng không thảo luận về vấn đề chính sách công nghiệp, thì Mỹ sẽ không thực thi dự định này.

Một mô hình thỏa thuận thương mại mà Mỹ-Trung có thể áp dụng là thỏa thuận Mỹ-Nhật ký mới đây. Thỏa thuận hạn chế này bao gồm các nội dung về nông sản, thương mại số, và một số thuế quan công nghiệp, giữ vai trò là giai đoạn đầu cho một cuộc đàm phán lâu dài hơn.

Nhưng một thỏa thuận như vậy đồng nghĩa với số phận của những yêu cầu chính mà ông Trump đưa ra với Trung Quốc, bao gồm thay đổi chính sách công nghiệp và cắt giảm trợ cấp cho các công ty nhà nước, sẽ là một câu hỏi chưa có lời giải đáp. Như vậy, ông Trump sẽ rơi vào thế bất lợi trước khi bước vào cuộc bầu cử 2020.

Chuyên gia David Dollar thuộc viện nghiên cứu Brookings Institution, nói rằng việc Trung Quốc thu hẹp chủ đề thảo luận là một bằng chứng nữa cho thấy cả hai bên đều đang cứng rắn hơn trên bàn đàm phán.

Ông Dollar cho rằng Mỹ và Trung Quốc ngày càng có lý do để đi đến một thỏa thuận nhỏ nhằm tránh leo thang căng thẳng, nhưng một thỏa thuận lớn vẫn còn là điều xa vời.

Vị chuyên gia nhấn mạnh Trung Quốc cần những mặt hàng nông sản Mỹ như thịt lợn, và ông Trump muốn bán được nhiều nông sản Mỹ cho Trung Quốc để xoa dịu cử tri nông dân. Thậm chí một số quan chức Nhà Trắng cũng thừa nhận rằng nếu Mỹ áp thêm thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc, kinh tế Mỹ sẽ càng giảm tốc trước bầu cử 2020.

"Đây là một cuộc đàm phán khá trớ trêu, bởi những gì mà cả hai bên cho là thứ họ phải nhượng bộ lại cũng chính là những thứ họ cần", ông Dollar nói.

An Huy

VnEconomy







TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thị trường bất động sản của Mỹ gặp khó khăn do lãi suất và giá nhà cao

Doanh số bán nhà đã qua sở hữu, chiếm phần lớn doanh số bán nhà của Mỹ, đã giảm 4,3% trong tháng 3/2024, xuống mức 4,19 triệu căn.

Phố Wall lo Fed không giảm lãi suất trong năm 2024

Phố Wall đang nghĩ đến kịch bản Fed không giảm lãi suất trong năm 2024.

Cục Dự trữ Liên bang: Kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng nhẹ ở mức đồng đều

Theo mô hình GDPNow của Fed chi nhánh tại Atlanta, kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng hằng năm ở mức 2,9% trong quý 1 năm 2024, sau khi tăng...

IMF: Thâm hụt tài khóa của Mỹ có thể gây rủi ro cho kinh tế toàn cầu

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), gánh nặng nợ của chính phủ Mỹ tạo ra nguy cơ ngắn hạn cho quá trình giảm lạm phát cũng như sự ổn định về tài chính về dài hạn cho...

IMF: Đà tăng của giá dầu có thể làm chệch hướng kinh tế thế giới

IMF kỳ vọng kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay và năm tới, tuy nhiên tình trạng gián đoạn trên thị trường dầu mỏ có thể là một trong những nhân tố...

Cục Dự trữ liên bang Mỹ phát tín hiệu trì hoãn cắt giảm lãi suất

Theo Chủ tịch Fed, những dữ liệu gần đây không tạo cho Fed sự tin tưởng đủ lớn để cắt giảm lãi suất, mà trái lại nó cho thấy phải mất nhiều thời gian để đạt được...

Chủ tịch ECB: NHTW sẽ sớm hạ lãi suất

Trong ngày 16/04, Chủ tịch Christine Lagarde nhận định Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể cắt giảm lãi suất trong thời gian tới, nếu không có thêm bất kỳ cú...

Trung Quốc có thể cần chi 2.100 tỉ đô la để hồi sinh thị trường nhà ở

Thị trường nhà ở Trung Quốc có thể suy yếu hơn nữa khi những nỗ lực vực dậy lĩnh vực này chưa đủ mạnh để ngăn chặn cơn suy thoái kéo dài 3 năm qua. Theo ngân hàng...

Tesla sẽ cắt giảm ít nhất 14,000 nhân sự trên toàn cầu

Tesla sẽ cắt giảm hơn 10% lực lượng lao động toàn cầu, tương đương ít nhất 14,000 việc làm, do nhu cầu về xe điện toàn cầu giảm và cuộc chiến giá cả khốc liệt đã...

GDP Trung Quốc tăng trưởng 5.3% trong quý 1, vượt kỳ vọng

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh hơn dự báo trong quý 1/2024, theo dữ liệu công bố vào ngày 16/04.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98