Người Hàn Quốc chạy trốn áp lực thành công

30/11/2019 19:00
30-11-2019 19:00:00+07:00

Người Hàn Quốc chạy trốn áp lực thành công

Park Cho-bin muốn nghỉ ngơi một thời gian, điều được coi là bất thường ở Hàn Quốc, nơi mọi người thường cống hiến hết mình để thành công.

Cô gái 21 tuổi quyết định bỏ công việc xử lý dữ liệu bán thời gian và nộp đơn đăng ký một suất tại Làng Vô Lo Nghĩ, nơi trú ẩn dành cho những người trẻ muốn tìm bước đi tiếp theo trên đường đời.

Ngôi nhà này là đứa con tinh thần của Hong Dong-woo. Sau thời gian đi làm tại một công ty khởi nghiệp về xe tay ga, người đàn ông 33 tuổi muốn tạo ra một không gian giúp thanh niên Hàn Quốc có thể thoát khỏi áp lực "phải thành công" trong xã hội.

Nhờ chương trình cải tạo những ngôi nhà hoang tại vùng nông thôn của chính phủ Hàn Quốc, Hong đã nhận được tiền tài trợ để biến một ngôi nhà hoang ở thành phố Mokpo, ven biển phía tây nam, thành Làng Vô Lo Nghĩ.

Sau khi vượt qua quá trình phỏng vấn và nộp một khoản phí nhỏ, các thành viên có thể sống tại đây trong 6 tuần, khám phá sở thích khác của bản thân, làm quen với những người bạn mới và thư giãn giữa vùng nông thôn. Hong gọi ngôi nhà này là nơi người Hàn Quốc có thể tìm kiếm "cơ hội cố gắng một lần nữa".

Các thành viên Làng Vô Lo Nghĩ ở thành phố Mokpo, Hàn Quốc. Ảnh: The Times.

Park Cho-bin, người từng học tại một trường cao đẳng nghề, giờ đây mơ ước quay lại trường học và trở thành nhà sản xuất âm nhạc. Cô cho biết nhiều người trẻ Hàn Quốc bị nhồi nhét tư tưởng "chỉ cần thất bại một lần, cả đời sẽ lụn bại". Để thoát khỏi vòng xoáy này, Park đã thức trắng ba đêm để chuẩn bị hồ sơ đăng ký vào Làng Vô Lo Nghĩ.

Quan niệm dám chấp nhận thất bại dần thu hút sự chú ý tại Hàn Quốc, đất nước đang bắt đầu nhìn lại những tác động của việc người dân sống dưới gánh nặng "phải thành công" ngay từ khi còn nhỏ. Áp lực này bủa vây mọi mặt của xã hội, từ kinh tế, học vấn, gia đình cho tới nhan sắc.

Mặc dù khát vọng thành công đã thúc đẩy Hàn Quốc phát triển trong những thập kỷ sau chiến tranh và vươn lên thành một cường quốc kinh tế như hiện nay, nhiều người dân, đặc biệt là giới trẻ, cảm thấy không thể chịu đựng thêm lối suy nghĩ này. Ngày càng nhiều người so sánh cuộc sống ở Hàn Quốc như một kiểu địa ngục.

"Trước đây Hàn Quốc là quốc gia của sự thành công. Chúng tôi nỗ lực hết mình và thành công sẽ đến. Hệ quả của nó là Hàn Quốc biến thành một xã hội cạnh tranh quá mức, chỉ coi trọng thành công và thành tựu kinh tế", Lee Jae-yeol, nhà xã hội học tại Đại học Quốc gia Seoul, cho biết. Ông là tác giả cuốn sách "Nếu được đầu thai, liệu bạn còn muốn sống ở Hàn Quốc", chỉ ra những lý do đằng sau nỗi bất hạnh lây lan và tỷ lệ tự tử cao tại nước này.

Chính phủ Hàn Quốc đã bắt tay vào việc giải quyết những mối quan ngại trên khi tổ chức "Triển lãm Thất bại" đầu tiên tại thủ đô Seoul hồi năm ngoái, lấy cảm hứng từ Ngày Quốc tế Thất bại được sáng lập tại Phần Lan vào năm 2010 và Bảo tàng Thất bại ở Thụy Điển khánh thành năm 2017. Mục đích của triển lãm là thay đổi thái độ của công chúng đối với thất bại và thành công.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người ủng hộ sống chậm hơn, đã tới dự triển lãm năm ngoái và thừa nhận những khó khăn mà chủ các doanh nghiệp nhỏ, cũng như người lao động trẻ nước này phải đối mặt. "Tất cả hãy cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này", ông viết lên tấm bảng thông điệp tại triển lãm. 

"Triển lãm Thất bại" lần thứ hai được tổ chức tại Seoul hồi tháng 9 với chủ đề #FailBetter (tạm dịch: học nhiều hơn từ thất bại). Các gian hàng giới thiệu nhiều dịch vụ hữu ích, như hỗ trợ của chính phủ cho những chủ doanh nghiệp nhỏ đang khó khăn, hay tư vấn phá sản. 

Scott Park, một người đàn ông trong độ tuổi 40, tới triển lãm do tiên liệu trước nguy cơ thất bại. Ông đang cân nhắc đóng cửa doanh nghiệp sản xuất vải của mình và muốn tìm kiếm lời khuyên. Giữa một xã hội mà Park cho rằng không đủ an toàn với những người bế tắc, việc đối mặt với viễn cảnh thất bại vô cùng khó khăn. "Nếu vấp ngã ở Hàn Quốc, bạn sẽ đi thẳng xuống đáy. Ai có thể chịu nổi điều đó chứ?", Park nói.

Ban tổ chức còn sắp xếp một khu bán sản phẩm của những doanh nhân từng nếm mùi thất bại và đang cố gắng bắt đầu lại. Trong số đó có Han Dong-seok, giám đốc điều hành Hiệp hội Sản xuất Dế Jeju, nơi bán trứng từ những con gà nuôi bằng dế. Han bước chân vào thương trường với dự án tái chế hộp mực máy in, nhưng thất bại.

"Ban đầu, tôi không thể nhìn thấy bất cứ triển vọng nào và cảm giác đang đứng một mình trên mặt đường nhựa nóng bỏng", Han cho biết. Sau đó, anh nảy ra ý tưởng kinh doanh thứ hai trong lúc xem một bộ phim tài liệu trên TV về các loài côn trùng ăn được.

Tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ Hàn Quốc đang ở mức khoảng 10%, khi nhiều thanh niên, kể cả cử nhân tốt nghiệp đại học, đang mắc kẹt trong các công việc bán thời gian hoặc theo thời vụ. Thêm vào đó, những người trẻ còn thường mang nỗi sợ rằng nếu không xin được việc tại một tập đoàn hàng đầu đất nước như Samsung, Lotte, hoặc trở thành viên chức, họ có nguy cơ bị "phí hoài tài năng". Họ cũng không nhận được nhiều hỗ trợ xã hội để theo đuổi con đường khác.

Park, người khao khát trở thành nhà sản xuất âm nhạc, cho biết ban đầu cô quyết định đi làm thay vì phấn đấu lấy bằng đại học do tìm được một công việc ổn định và lương cao, điều được coi như một kỳ tích.

"Nhưng sau một thời gian, tôi cảm thấy mình đang thiếu thứ gì đó và bắt đầu ghen tỵ với những người bạn tới trường để theo đuổi ước mơ đời mình", Park chia sẻ. Hiện cô sống nhờ khoản tiền tiết kiệm được và ấp ủ các dự án âm nhạc trong tương lai.

Vài ngày sau khi "Triển lãm Thất bại" kết thúc, chính phủ Hàn Quốc công bố dữ liệu mới nhất về những nguyên nhân tử vong năm 2018. Tỷ lệ tự tử ở nước này giảm dần đều từ năm 2011, nhưng năm 2018 đột ngột tăng lên mức 9,7% so với năm 2017. Theo đó, cứ 100.000 người Hàn Quốc thì có khoảng 24 người tự sát, tỷ lệ cao nhất trong 36 quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Tự tử là nguyên nhân tử vong hàng đầu trong năm 2018 đối với nhóm người trong độ tuổi 10-39 ở Hàn Quốc. Chính phủ lưu ý việc người nổi tiếng tự sát, như cái chết hôm 14/10 của cựu thành viên nhóm nhạc f(x) Sulli, người thường xuyên bị chỉ trích trên mạng, đã thúc đẩy những sự ra đi tương tự. Cựu thành viên nhóm KARA Goo Hara, bạn thân của Sulli, qua đời hôm 24/11 và cũng được cho là vì tự sát.

Ngoài vấn đề tâm lý, khó khăn kinh tế cũng là một trong những lý do chính dẫn đến tự tử ở Hàn Quốc. Theo báo cáo của Korea Herald năm 2014, ngoại trừ trẻ em và thiếu niên, người dân trong mọi nhóm tuổi khác đều cho biết rắc rối tài chính là nguyên nhân hàng đầu khiến họ nghĩ đến tự sát.

Yun Tae-woong, một quan chức Bộ Nội vụ Hàn Quốc trong ban tổ chức "Triển lãm Thất bại", thừa nhận tỷ lệ tự tử cao là một trong những lý do thúc đẩy chính phủ khuyến khích người dân nghĩ khác đi về thất bại.

"Xã hội cần được chữa lành nhiều hơn, cho dù hôm nay điều đó chưa đến", ông nói.

Ánh Ngọc

Vnexpress





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Giám đốc Nhã Nam: Không chỉ là lời xin lỗi “nhã nhặn”!

Sau 9 năm gắn bó, ngày 16/4, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang thông báo dừng hợp tác với Nhà xuất bản Nhã Nam. Qua 2 ngày giữ im lặng trước cơn bão dư luận, rạng sáng 18/4...

Giá vé bay cao ngất ngưởng, người dân chọn du lịch bằng xe cá nhân

Vé máy bay giá cao chót vót, một số chặng ngắn của ngành đường sắt “khan vé” đã khiến nhiều người dân lựa chọn đi du lịch bằng xe cá nhân nhằm tiết giảm chi phí.

Đường bay nào đang 'sốt' vé dịp nghỉ 30/4-1/5?

Các chặng bay xuất phát từ Hà Nội và TPHCM đi các điểm du lịch như Nha Trang, Buôn Ma Thuột, Đà Nẵng, Côn Đảo, Phú Quốc, Quy Nhơn, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, tỷ lệ...

Phim có doanh thu cao trong nền điện ảnh còn… thấp!

Năm ngoái, với việc vượt mốc doanh thu hơn 200 tỷ đồng chỉ sau hơn 1 tuần phát hành, “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh” đã giúp Lý Hải xác lập và giữ vững kỷ lục thực...

Giá vé máy bay cao điểm: Thái Lan rẻ gây sốc, Việt Nam vẫn 'trên trời'

Việc Thái Lan giảm giá vé máy bay ngay trước lễ hội Songkran (tết té nước) chứng tỏ quyết sách táo bạo ít quốc gia nào theo kịp. Trong khi tại Việt Nam, mùa cao...

Nghỉ lễ 30/4 - 1/5: Thủ tướng chốt nghỉ 5 ngày

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 2450/VPCP-KGVX ngày 12/4/2024 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ...

TPHCM: Phạt nguội hơn 29,000 trường hợp trong quý 1/2024

Đại diện Công an TPHCM cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2024, lực lượng Cảnh sát giao thông TP đã gửi 29,200 thông báo vi phạm cho chủ phương tiện. Đến thời điểm...

Nghỉ lễ 30/4-01/05: Trình Thủ tướng phương án nghỉ 5 ngày liên tục

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc hoán đổi ngày làm việc để dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm 2024, người lao động...

"Ma trận" sở hữu kỳ nghỉ

Nhiều người phản ánh bị sập bẫy sở hữu kỳ nghỉ, trong đó có những người cùng lúc sập bẫy lừa của nhiều công ty với số tiền bị mất lên đến hàng trăm triệu đồng.

Kiểm tra tiệm vàng, phát hiện sản phẩm giả nhãn hiệu Chanel, Louis Vuitton

Trong 2 tháng qua, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra, xử lý hơn 13 tiệm vàng với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 311 triệu đồng.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98