Auchan, Vingroup rút lui và những biến động của bán lẻ Việt năm 2019

27/12/2019 07:00
27-12-2019 07:00:00+07:00

Auchan, Vingroup rút lui và những biến động của bán lẻ Việt năm 2019

Năm 2019 kết thúc bằng sự rút lui khỏi mảng bán lẻ của Tập đoàn Vingroup, dù trước đó đã ra mắt dịch vụ siêu thị ảo và các thương vụ mua bán, sáp nhập gây xôn xao của ông lớn này.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy doanh thu bán lẻ hàng hóa 11 tháng đầu năm nay đạt 3,4 triệu tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường chứng kiến sự mở rộng điểm bán và tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận của nhiều chuỗi trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi. 

Mặc dù vậy, một năm qua đi, không ít cái tên đã ngậm ngùi tuyên bố bỏ cuộc. Ba sàn thương mại điện tử ngừng hoạt động, còn ba chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi cũng phải "bán mình" hoặc bỏ cuộc chơi. 

Big C tái cấu trúc, Saigon Co.op mua lại Auchan, VinGroup từ bỏ bán lẻ

Theo thống kê của Nielsen, kênh bán lẻ hiện đại, gồm các hệ thống siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, đang tăng trưởng vượt trội so với kênh truyền thống ở tất cả nhóm hàng hóa. 

Điều này được nhìn nhận rõ nhất ở mô hình siêu thị mini, chiếm hơn một nửa số điểm bán lẻ hiện đại và có sức mở điểm bán tốt nhất trong các mô hình, theo bà Lê Thị Thùy Trang - Giám đốc tư vấn bán lẻ của Nielsen Việt Nam. 

Thực tế, 10 tháng đầu năm, Bách Hóa Xanh mở mới 78 siêu thị, đạt 866 điểm bán trên toàn quốc. Chuỗi này đã vượt mốc 700 cửa hàng kỳ vọng năm 2019 từ hồi tháng 8 và đặt mục tiêu mới về 1.000 cửa hàng đến hết tháng 12. 

Tuy nhiên, nếu tính chung các cửa hàng đã được lên kế hoạch khai trương cho đến hết ngày 31/12, Bách Hóa Xanh sẽ đạt 1.006 điểm bán vào cuối năm nay. 

Trong khi đó, VinMart+ cũng sở hữu 587 siêu thị mini mới trong 3 quý đầu năm, một phần nhờ việc thâu tóm các chuỗi Shop & Go (tháng 4) và Queenland Mart (tháng 9). Kết thúc năm 2019, hệ thống này dẫn đầu về số lượng điểm bán trên thị trường.

 

Do đó, việc Tập đoàn Vingroup tuyên bố rút lui khỏi mảng bán lẻ gây xôn xao dư luận. VinCommerce, công ty con sở hữu các chuỗi VinMart, VinMart+, sẽ sáp nhập vào Masan; còn trang thương mại điện tử Adayroi được sáp nhập vào dịch vụ ví điện tử VinID. Tập đoàn này tuyên bố tập trung nguồn lực cho sản xuất và công nghệ. 

Trước đó, hồi tháng 6, đại gia bán lẻ Pháp Auchan cũng thông báo rời khỏi thị trường Việt Nam, nhượng lại 18 siêu thị cho Saigon Co.op. Điều này giúp củng cố thêm vị thế cho ông lớn bán lẻ nội địa vốn đứng đầu về doanh thu trong nhiều năm qua. 

Trước cuộc chơi khốc liệt và bối cảnh kinh doanh không mấy khả quan, Big C của Central Group (Thái Lan) cũng tuyên bố tái cấu trúc một số ngành hàng để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, những gì người tiêu dùng nhớ về công cuộc cải cách này là hành động tạm ngừng nhập hàng may mặc Việt Nam. 

Nhìn vào số lượng điểm bán, ba cái tên đứng đầu là VinCommerce, Saigon Co.op và Bách Hóa Xanh, bỏ xa những đối thủ như Big C, Aeon, Lotte... Nói cách khác, bán lẻ Việt năm 2019 vẫn nằm trong tay người Việt. 

Loạt sàn thương mại điện tử bỏ cuộc, còn các ông lớn vẫn so kè, "đốt" vốn

Trong phân khúc bán lẻ trực tuyến, năm 2019 lần lượt chứng kiến sự ra đi của Robins.vn (Central Group), Adayroi.com (Vingroup) và Lotte.vn (Lotte). Những trang thương mại điện tử này đều được đánh giá là kinh doanh không hiệu quả, trong đó dễ nhận thấy nhất là số lượt truy cập website. 

Lotte.vn và Robins.vn chưa bao giờ xuất hiện trong top 5 trang thương mại điện tử có lượt truy cập cao nhất Việt Nam, theo thống kê của iPrice Insights và SimilarWeb. Trong khi đó, Adayroi luôn đứng vị trí thứ 5, với số lượt truy cập thấp hơn nhiều so với các đối thủ. 

Đồ họa: Việt Đức. 

Trong khi Adayroi chưa từng chạm mốc 10 triệu lượt truy cập website/tháng, con số này của Shopee, Lazada, Tiki và Sendo luôn duy trì ổn định từ 20-40 triệu trong hơn 1 năm qua. 

Sendo là nền tảng duy nhất tăng trưởng lượt truy cập website trong quý III, còn 3 ông lớn còn lại đầu tư mạnh hơn cho ứng dụng di động, với số lượt tải về và số người dùng tăng cao. 

"Những xáo trộn về xếp hạng trên cả website và ứng dụng di động cho thấy trong cuộc đua thu hút người dùng của các sàn thương mại điện tử Việt Nam, không có ai là kẻ thắng người bại tuyệt đối. Mọi khả năng đều có thể xảy ra, đặc biệt trong bối cảnh các công ty đều đang muốn thu hút thêm nguồn vốn đầu tư mới", báo cáo của iPrice nhận định.

Theo báo cáo của Google và Temasek, quy mô thị trường thương mại điện tử sẽ tăng trưởng 43%/năm, đạt 15 tỷ USD vào năm 2025. Khi đó, Việt Nam sẽ là thị trường lớn thứ 2 Đông Nam Á, sau thị trường đông dân Indonesia với con số dự kiến 53 tỷ USD.

Mặc dù vậy, các sàn thương mại điện tử trong năm qua vẫn liên tục bị phản đối về việc quản lý chất lượng và tính pháp lý của hàng hóa bày bán. Nhiều sản phẩm giả, nhái thương hiệu bị phát giác, thậm chí có trường hợp đặt mua điện thoại di động nhưng lại nhận được ly nước. 

Trên một số sàn thương mại điện tử, các mặt hàng có hình ảnh "đường lưỡi bò", hàng cấm như bánh cần sa, thiết bị phá sóng được quảng cáo và buôn bán công khai. 

Trước tình trạng này, các sàn đã tiến hành kiểm tra, rà soát và tháo gỡ, thu hồi các mặt hàng vi phạm. Tuy nhiên, quá trình triển khai ở một số nơi chưa được thực hiện kịp thời, gây phản ứng tiêu cực từ dư luận. 

Tuy nhiên, nhìn chung, thị trường bán lẻ Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển và đạt nhiều tín hiệu tích cực trong năm 2019. Theo một số chuyên gia, xu hướng bán lẻ trong các năm tiếp theo là mô hình "new retail", trong đó áp dụng dữ liệu và công nghệ để nâng cao trải nghiệm khách hàng trên môi trường trực tuyến và điểm bán lẻ. 

Lan Anh

Zing.vn





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Cấp 'tín chỉ xanh' đối với các nhà máy sử dụng năng lượng sạch

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và trình tự, thủ tục cấp "tín chỉ xanh" đối với các nhà máy sử dụng nguồn năng lượng sạch.

Còn khoảng 32.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được phân bổ chi tiết

Tính đến cuối tháng Ba, vẫn còn khoảng 32.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được phân bổ chi tiết, thậm chí 15 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân là 0%.

Vì sao ngành điện muốn áp giá hai thành phần?

Với cách tính hiện nay, hai khách hàng dùng cùng lượng điện, tiền trả như nhau, nhưng chi phí nhà đèn bỏ ra cho họ chưa được phản ánh chính xác, theo chuyên gia.

Thủ tướng đề nghị Apple mở rộng kinh doanh và xác định Việt Nam là một cứ điểm của Apple trên toàn cầu

Sáng 16/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Tim Cook, Giám đốc điều hành Apple của Hoa Kỳ - công ty công nghệ lớn nhất thế giới và là nhà đầu tư nước ngoài lớn...

Điện mặt trời mái nhà dư thừa: Phát lên lưới giá 0 đồng, không được tính tiền

Điện mặt trời mái nhà chỉ được tự dùng, không được bán cho cá nhân, tổ chức khác. Nếu không dùng hết, phát lên lưới chỉ được ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng...

Chủ tịch Tập đoàn Thuận An bị bắt: DN vài tỷ vốn tăng gấp 200 lần, nổi lên nhờ cầu đường

Từ một doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 3,9 tỷ đồng, trong 10 năm trở lại đây Thuận An đã lớn nhanh như thổi, vốn điều lệ tăng gấp 200 lần lúc mới...

Nhiều tiệm vàng tại TP HCM bất ngờ đóng cửa

Cục Quản lý thị trường TP HCM cho biết sẽ tiếp tục đồng loạt kiểm tra các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh mua bán vàng trên địa bàn thành phố

Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 38/CĐ-TTg ngày 15/4/2024 về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng...

Ứng phó thế nào trước làn sóng thép ngoại tràn vào?

"Việc suy giảm thị phần nội địa của ngành sản xuất thép cuộn cán nóng trong nước là có. Việc mất 1/3 thị phần trong chưa đầy 1 năm là một trong những tín hiệu đáng...

CEO Apple Tim Cook đến Việt Nam bằng máy bay riêng

CEO Apple Tim Cook dự kiến có nhiều hoạt động trong 2 ngày 15 và 16-4 tại Việt Nam, trong đó sẽ gặp mặt một số nhà sáng tạo nội dung


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98