Đường sắt muốn sáp nhập 2 công ty vận tải đường sắt bắc - nam
Đường sắt muốn sáp nhập 2 công ty vận tải đường sắt bắc - nam
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa trình đề án tái cơ cấu, trong đó đáng chú ý, doanh nghiệp này đề xuất phương án sáp nhập Công ty vận tải đường sắt Sài Gòn và Hà Nội về làm một.
|
Theo Đề án cơ cấu lại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, doanh nghiệp này đề xuất 3 phương án sáp nhập với 2 công ty thành viên là Công ty cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn và Hà Nội. Đường sắt Việt Nam lựa chọn phương án hợp nhất 2 công ty trên thành một là Công ty cổ phần vận tải đường sắt.
Công ty cổ phần vận tải đường sắt sau hợp nhất sẽ thực hiện việc phân chia, bóc tách về tổ chức, lao động, vốn, tài sản để thành lập công ty con chuyên kinh doanh vận tải hàng hóa (là công ty cổ phần có vốn góp không chi phối của doanh nghiệp hợp nhất). Như vậy, thị trường vận tải hàng hóa do công ty con đảm nhận và thị trường vận tải hành khách do Công ty cổ phần vận tải đường sắt đảm nhận.
Việc sáp nhập nhằm mục đích chuyên môn hoá, tách bạch vận tải hàng hoá và vận tải hành khách. Đồng thời, thu hút các thành phần kinh tế khác tham gia, đầu tư vào vận tải hàng hóa, hành khách để khai thác nguồn lực xã hội về tài chính, công nghệ, thị trường và đặc biệt là quản trị.
Phương án này cũng hạn chế tối đa cạnh tranh nội bộ, tập hợp nguồn lực để nâng cao năng lực cạnh tranh với các phương thức vận tải khác, hạ giá thành vận tải… tận dụng lợi thế vận tải, nghiên cứu cung cấp dịch vụ trọn gói, tạo thuận lợi cho khách hàng để tăng thị phần, tạo thêm việc làm, tăng năng suất lao động, nâng cao đời sống thu nhập cho người lao động.
Việc sáp nhập Công ty cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn và Hà Nội làm dấy lên lo ngại tăng thêm “độc quyền” của vận tải đường sắt, hoặc phép cộng cơ học giữa 2 công ty thuộc 2 miền sẽ thiếu hiệu quả.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, không có chuyện độc quyền khi sáp nhập 2 công ty này. “Sáp nhập để tránh cạnh tranh không lành mạnh giữa 2 doanh nghiệp trong cùng tổng công ty mẹ, việc cạnh tranh nội bộ sẽ triệt tiêu năng lực của doanh nghiệp lớn, gây lãng phí chi phí”, ông Minh nói.
Lãnh đạo đường sắt cũng cho rằng, hiện nay, đường sắt chiếm chưa tới 1% lưu lượng vận tải nên dù sáp nhập cũng không thể gọi là độc quyền.
Việc hợp nhất doanh nghiệp đã có hành lang pháp lý và được luật hóa tại luật Doanh nghiệp nên có đủ cơ sở để tổ chức thực hiện. Do vậy, thời gian chuyển đổi mô hình tổ chức sẽ nhanh, sớm ổn định để tổ chức sản xuất kinh doanh có hiệu quả (thời gian khoảng 110 - 120 ngày).
Cũng theo ông Minh, việc sáp nhập ít gây xáo trộn về tổ chức và nhân lực, tiết kiệm được chi phí phát sinh của quá trình cơ cấu lại các doanh nghiệp vận tải đường sắt, như không phải thực hiện đánh giá lại các tài sản và tổ chức đấu giá...
* Cần tuyến đường sắt vận chuyển container
* Đường sắt đô thị Hà Nội: Đội vốn gấp đôi ngay từ trên giấy
* Có cần làm đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng với vốn 'khủng' 100.000 tỉ đồng?
Mai Hà