Lời giải cho bài toán tam nông là ở phát triển đô thị

03/01/2020 11:01
03-01-2020 11:01:43+07:00

Lời giải cho bài toán tam nông là ở phát triển đô thị

(TBKTSG) - Nhìn từ thực tiễn quá trình phát triển của nhân loại, tập trung phát triển đô thị mới là lời giải cho bài toán nông nghiệp, nông dân và nông thôn của Việt Nam.

Nông nghiệp không thể giúp đa phần người dân khá giả. Ảnh: N.K

Nông nghiệp, nông dân và nông thôn luôn là vấn đề quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam nhằm hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nhiều chính sách quan trọng đã được ban hành, nhất là Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 5-8-2008, Hội nghị lần thứ VII của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân và nông thôn với nhiều mục tiêu được đặt ra.

Tuy nhiên, những mục tiêu then chốt đến năm 2020 như thu nhập của dân cư nông thôn gấp trên 2,5 lần so với năm 2008 và lao động nông nghiệp còn khoảng 30% tổng lao động toàn xã hội sẽ không đạt được. Đến hết năm 2019, GDP/lao động của khu vực nông nghiệp chỉ tăng 56% so với năm 2008 và lực lượng lao động ở khu vực nông nghiệp vẫn chiếm 34,7%. Thêm vào đó, mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 cũng không hoàn thành.

Nguyên nhân của việc chưa đạt được mục tiêu là lời giải cho bài toán tam nông của Việt Nam chưa trúng. Việc ưu tiên đầu tư cho khu vực nông thôn làm phân tán nguồn lực không phải là giải pháp.

Thực tiễn trong xã hội loài người và vị trí của Việt Nam

Các bằng chứng thực tiễn cho thấy có sự tương quan gần như hoàn hảo giữa tỷ lệ đô thị hóa và mức độ thịnh vượng của quốc gia. Muốn trở nên phát triển và giàu có thì các hoạt động kinh tế chủ yếu tập trung vào công nghiệp và dịch vụ ở các đô thị.

Biểu đồ trên cho thấy mối tương quan giữa tỷ phần lao động trong nông nghiệp và bình quân đầu người (GDP) năm 2018. Lao động trong khu vực nông nghiệp của các nước có GDP từ 20.000 đô la Mỹ trở lên chỉ còn dưới 10% và từ 30.000 đô la Mỹ trở lên về cơ bản là dưới 5%. Điều này cũng tương tự trong cơ cấu GDP của nông nghiệp.

Lời giải cho bài toán tam nông (nông nghiệp, nông dân và nông thôn) của Việt Nam nằm ở các thành phố chứ không phải ở nông thôn.

Đây là thực tế xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới.

Để trở nên phát triển thì chiến lược phát triển phải là công nghiệp hóa gắn với đô thị hóa. Khi đó, còn rất ít lao động trong ngành nông nghiệp và đa phần dân số sống ở các đô thị.

Muốn có được điều này, nguồn lực cần phải tập trung cho đô thị, nhất là trong giai đoạn phát triển ban đầu. Nói một cách khác, nên đầu tư cho nơi đến của người dân trong tương lai chứ không phải đầu tư vào những nơi mà người dân sẽ ra đi.

Việt Nam nằm trên đường xu hướng chung của các nước trên thế giới một chút. GDP bình quân đầu người năm 2018 đạt 2.567 đô la Mỹ, tương ứng với tỷ phần lao động trong nông nghiệp là 39,8%, GDP của nông nghiệp là 14,68% và tỷ lệ đô thị hóa đạt 35,9% (số liệu chính thức của Việt Nam là 37,7%; 14,68% và 35,7%). Năng suất lao động trong ngành nông nghiệp chỉ bằng 37% so với năng suất bình quân chung của cả nước.

Sự tương phản rõ nét nhất là giữa Việt Nam với Trung Quốc. Trung Quốc đã tập trung cho đô thị nên từ đầu thập niên 1990, dân số nông thôn của họ đã giảm tuyệt đối, trong khi cho đến giờ này, dân số nông thôn của Việt Nam vẫn đang tăng tuyệt đối.

Nông nghiệp không thể giúp đa phần người dân khá giả

Kể từ khi đổi mới đến nay, nông nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến dài. Tuy nhiên, năng suất của nông nghiệp và tốc độ tăng trưởng luôn thấp hơn rất nhiều so với công nghiệp và dịch vụ. Nông nghiệp không thể giúp đa phần người dân khá giả.

Nhìn với từng hộ gia đình, rất nhiều hộ gia đình đã trúng mùa, nơi thì vuông tôm, bè cá, nơi thì rẫy tiêu rẫy cà, nơi thì đàn heo đàn gà. Tuy nhiên, nhìn bình diện toàn xã hội hay ngành nông nghiệp thì hầu hết các hộ gia đình chỉ bám vào nông nghiệp đều khó khăn, gần như không có cơ hội đổi đời. Trúng mùa thì năm họa mười thì, trong khi phần lớn là chỉ lấy công làm lãi với năng suất rất thấp.

Ngay cả câu chuyện đang sốt là nuôi heo, một số đang lãi lớn. Tuy nhiên, nhìn về dài hạn thì nuôi heo nói riêng, việc nuôi trồng các sản phẩm nông nghiệp nói chung là những ngành thông thường, về cơ bản không thể có được mức lợi nhuận cao và người nuôi trồng phải chịu rất nhiều rủi ro và thua thiệt.

Những hộ gia đình khá giả ở quê thường ở ba dạng: (1) có quyền sử dụng/sở hữu nhiều đất đai hay tư liệu sản xuất; hoặc (2) có người đến thành phố làm ăn hoặc xuất khẩu lao động; hoặc (3) có người làm trong khu vực công với những vị trí béo bở. Rất khó tìm được các hộ khá giả ngoài ba nhóm trên, trong khi đa phần các hộ gia đình khác thường rất khó khăn và lựa chọn của các thành viên trong gia đình là thoát ly khỏi nông thôn. Do vậy, chính sách để đa phần người dân gắn với ruộng đồng là bắt họ gắn với đói nghèo.

Đâu là chính sách phù hợp?

Chính sách đúng là phải tạo điều kiện để một số ít người có thể tập trung được tư liệu sản xuất nhằm tổ chức các hoạt động kinh tế mà nó sẽ tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều người khác (chủ yếu là ở các đô thị). Cho phép tích tụ ruộng đất là một chính sách cần làm. Để đất đai manh mún như hiện nay là có hại cho nông dân.

Quan trọng hơn, khi sản xuất lớn thì các chủ sở hữu có động cơ làm tốt và phòng ngừa rủi ro chứ không như sản xuất nhỏ lẻ như hiện nay. Với quy mô lớn, những bất cẩn thường phải trả giá rất đắt. Do vậy, những người làm kinh doanh phải tính toán rất kỹ. Khi đó, vấn đề được mùa mất giá sẽ giảm thiểu và đa phần người dân sẽ không phải gánh chịu rủi ro.

Thực tiễn từ các nước đã thành công cho thấy muốn xã hội phát triển thì đa phần người lao động đi làm thuê hay nói cách khác là có công việc ổn định với bảo hiểm xã hội và các lưới an sinh khác.

Đối với nông thôn, Nhà nước chỉ nên tập trung vào các chính sách an sinh xã hội và đầu tư vào các hạ tầng mềm như y tế, giáo dục chứ không nên dành nhiều nguồn lực cho các cơ hội phát triển kinh tế vì không phát huy được lợi thế tích tụ cho phát triển và không nên đầu tư vào những nơi mà người ta đang ra đi do quy luật phát triển. Không nên đi ngược với quy luật.

Bài toán đô thị, nên làm ngược lại

Ô nhiễm, tắc nghẽn, quá tải hạ tầng là vấn đề thường trực của hai đô thị trung tâm ở Việt Nam, nhất là TPHCM. Điều này làm cho nhiều người (bao gồm cả những nhà hoạch định chính sách) nghĩ rằng do việc tập trung quá đông người. Vì vậy, tư duy thông thường là cần phải giãn dân ở các đô thị và khu trung tâm cùng với việc phát triển các đô thị vệ tinh và giữ người dân ở lại nông thôn. Đây là chính sách chủ đạo của Việt Nam trong thời gian qua.

Nếu cách nghĩ giãn dân là đúng thì làm gì có xu hướng người dân bỏ quê ra phố và cấu trúc xã hội hiện tại là tối ưu rồi. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy mà là ngược lại. Các lý thuyết và bằng chứng thực nghiệm chỉ ra rằng sở dĩ có việc hình thành các đô thị và việc tập trung dân cư là nhờ lợi thế tích tụ (agglomeration economies) mà ở đó nó sẽ giúp gia tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, giảm thiểu các chi phí.

Do vậy, chính sách phát triển đô thị hợp lý nên là tập trung vào trung tâm của các đô thị trung tâm. Nói một cách cụ thể, nguồn lực nên được tập trung để xây dựng bằng được các hệ thống hạ tầng thiết yếu, nhất là hệ thống giao thông công cộng công suất lớn.

Hà Nội và TPHCM nên được dành đủ nguồn lực để có thể phát huy được lợi thế nhằm cạnh tranh với các đô thị khác trong vùng và trên thế giới trong cuộc đua thu hút các doanh nghiệp để tổ chức hoạt động kinh doanh, người có khả năng đến làm việc và người khá giả đến ở.

Tóm lại, lời giải cho bài toán tam nông (nông nghiệp, nông dân và nông thôn) của Việt Nam nằm ở các thành phố chứ không phải ở nông thôn. Đây là thực tế xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới. Do vậy, Việt Nam cần hiểu được các quy luật chung và tìm cách để nền kinh tế và xã hội phát triển thuận xu hướng chứ không phải là làm ngược lại.

Huỳnh Thế Du

TBKTSG





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Quý 1/2024, CPI tăng 3.77%, lạm phát cơ bản tăng 2.81% so với cùng kỳ năm trước 

Báo cáo của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2024 giảm 0.23% so với tháng trước. Tính chung quý 1 năm 2024, CPI tăng 3.77%...

GDP quý 1/2024 ước tính tăng 5.66%

Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê vừa công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2024 ước tính tăng 5.66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý...

Ngân hàng Standard Chartered: GDP quý 1 duy trì mức vừa phải trước lạm phát gia tăng

Ngân hàng Standard Chartered giữ nguyên dự báo tăng trường GDP năm 2024 ở mức 6.7%, trong đó GDP sẽ tăng tốc từ 6.2% trong nửa đầu năm lên 6.9% trong nửa cuối năm.

Vĩnh Long phát triển kinh tế với trọng tâm là các ngành sử dụng đầu vào là sản phẩm nông nghiệp

Sáng 23/3, tại thành phố Vĩnh Long, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư nông...

Thấy gì sau những chỉ số cải cách, sáng tạo của TP.HCM?

Bộ Khoa học -Công nghệ vừa công bố chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII - Provincial Innovation Index: hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa...

Bà Võ Thị Ánh Xuân giữ quyền Chủ tịch nước

Sau khi Quốc hội miễn nhiệm chức Chủ tịch nước với ông Võ Văn Thưởng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu Chủ tịch...

Quốc hội miễn nhiệm chức Chủ tịch nước với ông Võ Văn Thưởng

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết miễn nhiệm chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 và cho thôi làm nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội khóa 15 đối với ông Võ Văn Thưởng.

Trung ương đồng ý ông Võ Văn Thưởng thôi chức Chủ tịch nước

Ban Chấp hành Trung ương đồng ý để ông Võ Văn Thưởng thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng...

Chủ tịch Quốc hội: Nội dung cấp bách, chuẩn bị được ngay thì đưa vào kỳ họp thứ 7

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu rà soát kỹ lưỡng các nội dung, phân định nội dung cấp bách, chuẩn bị được ngay thì bổ sung vào chương trình nghị sự của kỳ...

Thủ tướng: Việt Nam cam kết '3 bảo đảm', đẩy mạnh '3 đột phá' và thực hiện '3 tăng cường' với nhà đầu tư

Kêu gọi các doanh nghiệp FDI, nhà đầu tư nước ngoài đồng hành cùng Việt Nam thực hiện chuyển đổi xanh, phát triển bền vững với tinh thần "ba tiên phong", Thủ tướng...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98