Những câu chuyện kinh doanh đáng chú ý trong năm 2019

06/01/2020 15:00
06-01-2020 15:00:00+07:00

Những câu chuyện kinh doanh đáng chú ý trong năm 2019

Căng thẳng thương mại toàn cầu, những cuộc “xuống đường” ở Hồng Kông, sự thiếu quyết đoán đối với Brexit và một loạt bê bối của các công ty là những tin tức kinh doanh nổi bật trong năm 2019 vừa qua.

Dưới đây là 12 câu chuyện thu hút được nhiều sự chú ý nhất theo từng tháng do BBC bình chọn:

Tháng 1

Mọi thứ trở nên khó khăn cho Patisserie Valerie

Chuỗi cà phê bánh ngọt sang trọng này đã sụp đổ sau khi bị phát hiện kê gian lượng tiền mặt lên hàng chục triệu bảng Anh.

Sáu vụ bắt giữ đã được thực hiện và Patisserie Valerie bị mất khả năng trả nợ. Cổ đông lớn nhất của họ, Luke Johnson, đã cố gắng giải cứu nhưng cuối cùng Patisserie Valerie được công ty cổ phần tư nhân Causeway Capital của Ailen mua lại.

Tháng 2

Telegraph công bố cáo buộc chống lại Sir Philip Green

Ông chủ của Arcadia, tập đoàn sở hữu các thương hiệu như Topshop, Topman, Wallis, bị rơi vào tâm điểm dư luận khi Daily Telegraph công bố các cáo buộc chống lại ông, gồm đe dọa, phân biệt chủng tộc và lạm dụng tình dục.

Năm nhân viên đưa ra các cáo buộc trên trước đó đã ký thỏa thuận không tiết lộ để được nhận tiền mặt. Tuy nhiên, Chris Evans, biên tập viên của Telegraph, nói rằng họ chia sẻ câu chuyện này là vì lợi ích chung.

Bài báo ban đầu được dự định tung ra vào tháng 8/2018, nhưng không xuất hiện cho đến tháng 2/2019 sau khi Tòa án tối cao ra quyết định cho phép nó được xuất bản. Cuối năm 2019, ông trùm bán lẻ này còn đối mặt thêm những cáo buộc tấn công người khác ở Mỹ, nhưng đã cực lực phủ nhận.

Tháng 3

Chiếc máy bay Boeing 737 Max thứ hai gặp sự cố

Thảm họa hàng không ở Ethiopia, sau vụ tai nạn máy bay 747 Max vài tháng trước đó ở Indonesia, đã khiến hàng trăm người thiệt mạng và tiếng tăm của Boeing bị hủy hoại.

Boeing 747 đã bị cấm bay, dù không được nhanh như một số người mong đợi. Việc khắc phục cho thấy vấn đề này thậm chí còn khó hơn.

Đến cuối năm, Boeing đã sa thải giám đốc điều hành và quyết định tạm dừng sản xuất từ tháng 1/2020. Hậu quả đối với Boeing, các nhà cung cấp và nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục khi những gia đình bị mất người thân vẫn đang kêu gọi giải thích về việc vì sao các máy bay đó vẫn được phép bay dù đã có những lời cảnh báo.

Tháng 4

Nissan và Carlos Ghosn “chia tay”

Người đàn ông Pháp 64 tuổi này đã lãnh đạo nhà sản xuất ô tô Nhật Bản gần hai thập niên trước khi một người tố giác công bố hành vi sai trái tài chính của ông Ghosn.

Ông bị cách chức chủ tịch ngay sau khi bị bắt lần đầu tiên vào tháng 11/2018, nhưng việc ông bị trục xuất khỏi hội đồng quản trị tại một cuộc họp cổ đông bất thường đã hoàn tất sự “sụp đổ” của ông.

Về phần ông Ghosn, ông kịch liệt phủ nhận các cáo buộc về việc báo cáo mức lương thấp hơn thực tế và sử dụng tài sản của công ty cho mục đích cá nhân.

Kể từ đó, những cáo buộc ăn miếng trả miếng liên tục nổ ra, khi ông Ghosn nói rằng Chính phủ Nhật Bản âm mưu với Nissan chống lại ông.

Vào ngày 30/12, có tin ông Ghosn đã tới Lebanon sau khi rời Nhật Bản trong khi chờ xét xử ở Tokyo.

Tháng 5

Mỹ và Trung Quốc “lúc nóng, lúc lạnh” với nhau về vấn đề thương mại

Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc dường như ấm lên vào tháng 5 khi Phó Thủ tướng và cố vấn kinh tế Lưu Hạc đến thăm Washington để đàm phán thương mại.

Trung Quốc đã đồng ý "tăng đáng kể" việc mua hàng hóa của Mỹ để giúp giảm thâm hụt thương mại của Mỹ và Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin tuyên bố cuộc chiến thương mại đã "tạm dừng".

Tuy nhiên, sau đó, Nhà Trắng tuyên bố sẽ áp thuế 25% với lượng hàng hóa trị giá 50 tỷ USD của Trung Quốc để đáp trả "những hành vi không công bằng liên quan đến việc mua lại tài sản trí tuệ và công nghệ của Mỹ".

Tháng 6

Facebook cho biết sẽ ra mắt tiền điện tử

Gã khổng lồ trong ngành truyền thông xã hội tiết lộ kế hoạch ra mắt một loại tiền kỹ thuật số mới có tên là Libra vào năm 2020.

Tuy vậy, dự án này lập tức gặp rắc rối, khi người đứng đầu Ủy ban dịch vụ tài chính Hạ viện Mỹ nói rằng Facebook nên đợi đến khi Quốc hội Mỹ kiểm tra dự án này.

Các cơ quan quản lý khác cũng tỏ ra hoài nghi. Yves Mersch, thành viên tổ giám sát của Ngân hàng Trung ương châu Âu, gọi Libra là “hấp dẫn nhưng phản bội” và Simon Potter, một cựu giám đốc của Cục Dự trữ Liên bang chi nhánh New York, cho rằng đồng tiền này là "một cú sốc".

Ông chủ Facebook, Mark Zuckerberg, cảnh báo nếu Mỹ không vượt lên trên các loại tiền điện tử toàn cầu khác, quốc gia này sẽ bị tụt hậu trong cuộc cạnh tranh.

Tháng 7

Deutsche Bank cắt giảm mạnh nhân sự

Thất bại trong kế hoạch sáp nhập của Deutsche Bank với Commerzbank hồi đầu năm buộc ngân hàng Đức này phải làm điều không mong muốn.

Vào tháng 7, công ty bắt đầu đợt tái cấu trúc lớn, nhằm tiết kiệm chi phí 17 tỷ euro vào năm 2022 và sa thải 18,000 nhân viên ngân hàng. Nhiều người trong số họ, chủ yếu làm việc tại bộ phận giao dịch chứng khoán đang gặp khó khăn, chỉ biết được chuyện sa thải trước 48 giờ.

Sau khi thu dọn đồ đạc cá nhân và rời khỏi bàn làm việc, họ được hộ tống ra khỏi tòa nhà theo lối cửa sau để tránh đám đông nhà báo đang chờ đợi.

Tháng 8

Biểu tình ở Hồng Kông khiến “sếp” hàng không mất việc

Đường phố Hồng Kông bị cuốn theo làn sóng biểu tình ủng hộ dân chủ khiến các công ty phải chọn cách phản ứng. Một số người đã cố gắng thể hiện sự ủng hộ đối với quyền tự do bày tỏ quan điểm của nhân viên nhưng nhiều người cũng muốn tránh “đụng chạm” đến chính quyền.

Cathay Pacific, hãng hàng không hàng đầu ở Hồng Kông, đã cố gắng cân bằng hai vấn đề này nhưng cuối cùng đã chịu “khuất phục” trước sức ép từ đại lục, sau khi báo chí Trung Quốc thúc đẩy chiến dịch tẩy chay Cathay Pacific trên các phương tiện truyền thông nước này.

CEO Rupert Hogg buộc phải ra đi.

Tháng 9

Thomas Cook khiến 150,000 người bị mắc kẹt ở nước ngoài

Nhiều khách hàng vẫn đang chờ hoàn tiền sau khi đại lý du lịch 178 tuổi này sụp đổ vào tháng 9.

Khoảng 150,000 khách du lịch ở Vương quốc Anh đã phải hồi hương trong một chiến dịch kéo dài hai tuần do Cơ quan hàng không dân dụng điều hành. Trong tháng này, họ đã xin lỗi nhiều khách du lịch bị mất tiền nhưng vẫn chưa được trả lại.

Sự kiện này cũng khiến mọi người phải suy nghĩ về cách làm sao để tránh một sự lặp lại tương tự và Chính phủ đã vạch ra những thay đổi dành cho luật mất khả năng thanh toán đối với các hãng hàng không.

Tháng 10

Một cuộc cãi vã về hàng rào dẫn đến bê bối gián điệp tại Credit Suisse 

Thế giới trầm lắng của giới ngân hàng Thụy Sĩ bị chấn động trong năm nay bởi một vụ bê bối liên quan đến Credit Suisse, gián điệp và cây cối.

Vụ này lên đến đỉnh điểm với sự từ chức của Giám đốc vận hành (COO) Credit Suisse, Pierre-Olivier Bouée, vào tháng 10 nhưng tập trung vào hai trong số các nhân vật lớn nhất của ngân hàng này - CEO Tidjane Thiam và cựu giám đốc quản lý tài sản Iqbal Khan.

Theo hàng xóm cũng như các đồng nghiệp, hai người được cho là có xích mích về một số cây ông Khan trồng mà ông Thiam tuyên bố là tài sản của mình.

Sau đó, ông Khan tuyên bố sẽ sang làm việc cho đối thủ truyền kiếp của Credit Suisse là UBS và một thời gian sau, chuyện lộ ra ông Bouée đã thuê các thám tử tư theo dõi Khan vì sợ ông ta có thể cố gắng “câu trộm” khách hàng của Credit Suisse.

Không có dấu hiệu nào cho thấy ông Thiam biết về việc giám sát này.

Tháng 11

Saudi Aramco niêm yết ở quê nhà

Gã khổng lồ ngành dầu mỏ đã huy động được số tiền kỷ lục 25.6 tỷ USD trong lần IPO tại Riyadh. Đây cũng là con số lớn nhất thế giới cho đến nay.

Ban đầu, họ định niêm yết ở nước ngoài nhưng sau đó đã chọn cách bán cổ phiếu tại quê nhà.

Việc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) 1.5% cổ phần của Aramco là trọng tâm trong kế hoạch của Thái tử Mohammed bin Salman nhằm hiện đại hóa nền kinh tế Saudi Arabia và loại bỏ sự phụ thuộc vào dầu mỏ.

Tháng 12

Whirlpool cảnh báo nguy hiểm mới nhưng sự bất ổn của Brexit đã giảm

Công ty Whirlpool buộc phải thu hồi nửa triệu máy giặt vì lo ngại một trong số chúng có thể gây nguy cơ hỏa hoạn.

Khách hàng được cảnh báo đừng đụng đến bộ phận máy sấy quần áo dễ gây cháy của công ty này.

Tuy nhiên, sự bất ổn lớn nhất mà hoạt động kinh doanh của Vương quốc Anh phải đối mặt - những gì sẽ xảy ra với Brexit - đã dịu đi một chút bởi kết quả cuộc tổng tuyển cử tháng 12. Theo kế hoạch, Vương quốc Anh sẽ rời Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 1/2020.

Dẫu vậy, điều đó không có nghĩa tất cả sự lo lắng đã biến mất.

Hiện, vẫn chưa rõ mối quan hệ thương mại trong tương lai của Vương quốc Anh với đối tác thương mại gần nhất và lớn nhất là gì, và không rõ quá trình chuyển đổi sẽ diễn ra suôn sẻ như thế nào. Những mối lo ngại đó vẫn còn trong 12 tháng tới.

Nhã Thanh (Theo BBC)

FILI







TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Quan chức Mỹ cảnh báo nguy cơ Trung Quốc “xả” hàng giá rẻ ra nền kinh tế toàn cầu

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen mới đây bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc có thể bán sản phẩm dư thừa với giá rẻ, gây khó khăn cho Mỹ và các nước khác trong...

Huyền thoại đầu tư Ray Dalio: Trung Quốc có thể đối mặt với thập kỷ mất mát

Huyền thoại đầu tư Ray Dalio đã cảnh báo rằng Trung Quốc có nguy cơ rơi vào một thập kỷ mất mát nếu không giảm nợ và nới lỏng chính sách tiền tệ.

Thống đốc Fed: Số liệu lạm phát đáng thất vọng, Fed có thể hoãn hoặc giảm số lần hạ lãi suất

Thống đốc Fed Christopher Waller cho biết NHTW không vội hạ lãi suất sau khi các dữ liệu lạm phát công bố gần đây đều cao hơn dự báo. Ông cho rằng Fed sẽ hoãn hạ...

Lợi nhuận công nghiệp tăng, báo hiệu kinh tế Trung Quốc dần ổn định

Lợi nhuận của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp ở Trung Quốc tăng trưởng trở lại trong 2 tháng đầu năm sau khi giảm liên tục trong suốt năm ngoái. Theo...

Cầu lớn bị sập, cảng biển hàng đầu của nước Mỹ phải đóng cửa

Vụ sập cầu Francis Scott Key ở Baltimore vào ngày 26/03 đã tạo ra một cơn chấn động và gây ra sự gián đoạn trong hoạt động của một trong những cảng biển bận rộn...

Vì sao Fed dự báo Mỹ không suy thoái?

Theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), không hề có tín hiệu nào cho thấy kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trong năm nay và cả năm 2025.

Quy mô kinh tế số Đông Nam Á có thể đạt 1.000 tỷ USD

Kinh tế số Đông Nam Á có thể đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030, thậm chí là gấp đôi con số này, nếu các chính phủ có chính sách tốt, nhất là cải thiện kỹ năng số cho...

Fed: Kinh tế Mỹ không có dấu hiệu suy thoái trong những năm tới

Các nhà hoạch định chính sách của Fed đã công bố một loạt các dự báo mới về nền kinh tế, với nhận định tăng trưởng trong các năm 2024, 2025 và 2026 thậm chí còn...

Tuần bước ngoặt của nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới

Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới vừa ghi nhận bước ngoặt về chính sách trong tuần trước. Trong đó, Thụy Sỹ trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên trên thế giới...

Trung Quốc sẽ ban hành quy định mới để thúc đẩy thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Thủ tướng Lý Cường khẳngn định Trung Quốc luôn chào đón mọi công ty từ tất cả các quốc gia trên thế giới đến đầu tư và tăng cường khẳng định chỗ đứng tại nước này.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98