10 doanh nghiệp có EPS cao nhất năm 2019
10 doanh nghiệp có EPS cao nhất năm 2019
Bảng xếp hạng EPS năm 2019 vẫn tiếp tục điểm danh những gương mặt quen thuộc, có EPS cao ngất ngưỡng và ổn định trong nhiều năm liền. Các doanh nghiệp này tập trung chủ yếu ở ngành sản xuất, bất động sản và xây dựng.
* Với chỉ tiêu, vốn hóa thị trường trên 500 tỷ đồng và có khối lượng giao dịch cổ phiếu bình quân năm 2019 từ 50,000 cp/phiên.
Theo thống kê dữ liệu của Vietstock, top 10 doanh nghiệp có EPS cao nhất 2019 bao gồm D2D, VHC, MSH, PTB, CTD, MWG, VCS, VJC, HDG, AMV. Trong số này, một nửa có EPS tăng. Trong đó, chỉ có 2 doanh nghiệp có EPS vượt trên 10,000 đồng, đó là D2D và VHC. Năm doanh nghiệp có EPS giảm là VHC, MSH, CTD, VJC và AMV.
Nguồn: VietstockFinance
|
Dẫn đầu top EPS toàn thị trường năm 2019 là Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (HOSE: D2D). Theo đó, EPS năm 2019 của Công ty đạt mức kỷ lục 24,700 đồng, tăng 225% so với năm trước.
Được biết, năm 2019 là năm làm ăn thành công nhất của D2D từ khi niêm yết tới nay. Công ty đạt lợi nhuận sau thuế hơn 392 tỷ đồng tăng 317%, doanh thu năm qua tăng đột biến do hiệu quả đầu tư dự án KDC Lộc An cao hơn so với dự án KDC Phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa. Nhờ kết quả kinh doanh tăng mạnh, cổ phiếu D2D đã lập đỉnh cao nhất từ trước đến nay trong năm 2019. Tới phiên 19/02, giá cổ phiếu đang ở quanh mức 59,500 đồng/cp.
Vị trí nhì bảng thuộc về Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) với EPS 2019 đạt 12,600 đồng, giảm gần 19% so với năm trước. Tuy EPS giảm nhưng ông lớn Vĩnh Hoàn vẫn là một trong những doanh nghiệp đứng đầu có EPS cao nhất trong nhiều năm liền.
Kết thúc năm 2019, VHC ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 1,180 tỷ đồng, giảm hơn 18% so với năm trước. Cả năm, Công ty thực hiện được 94% chỉ tiêu về lợi nhuận sau thuế mà ĐHĐCĐ đã đặt ra đầu năm.
CTCP May Sông Hồng (HOSE: MSH) giữ vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng. Trong bối cảnh ngành dệt làm ăn không mấy sáng sủa thì MSH vẫn ghi nhận lãi ròng 2019 tăng 22% so với năm trước, đạt 452 tỷ đồng. EPS đạt gần 9,200 đồng (giảm hơn 10% do trong năm 2019, MSH đã phát hành hơn 50 triệu cp).
Một đơn vị khác, hàng năm cũng thường xuyên góp mặt trong danh sách top 10 EPS là Phú Tài (HOSE: PTB). Với lợi nhuận sau thuế đạt mức 435 tỷ đồng, tăng gần 13%, EPS của Công ty năm 2019 đạt mức 9,100 đồng, tăng gần 9%.
Theo BVSC đánh giá lĩnh vực sản xuất đồ gỗ sẽ là trọng tâm tăng trưởng của Phú Tài trong tương lai. Trong năm 2019, Công ty này đã đầu tư hơn 500 tỷ đồng cho hai lĩnh vực sản xuất chính là đá ốp lát và gỗ.
Năm 2020, PTB lên kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 6,400 tỷ đồng và 600 tỷ đồng.
Một trong hai đại diện sàn HNX trong bảng xếp hạng lần này là Vicostone (HNX: VCS) khi EPS của năm 2019 đạt 8,100 đồng, tăng 24% so với năm trước.
Trong năm, VCS đạt 5,562 tỷ đồng về doanh thu, tăng 20% và lợi nhuận ròng đạt 1,410 tỷ đồng tăng 25%. So với các chỉ tiêu kế hoạch đặt ra, Công ty đã hoàn thành 105% chỉ tiêu về doanh thu và 106% chỉ tiêu về lợi nhuận.
Đơn vị còn lại là Sản xuất Kinh doanh Dược và Trang thiết bị Y tế Việt Mỹ (HNX: AMV) nổi lên như một ngôi sao trong 2 năm trở lại. Năm 2019, dù tốc độ tăng trưởng trong kinh doanh có chững lại nhưng EPS vẫn nằm trong top 10, đạt 6,917 đồng.
Sự thay đổi đáng chú ý nhất trong bảng xếp hạng EPS là ở Sara Việt Nam (HNX: SRA) khi EPS rơi từ con số 51,000 đồng năm 2018 xuống còn 1,400 đồng năm 2019. Điều này là do doanh thu năm 2019 của SRA chỉ đạt 292 tỷ đồng, giảm hơn 34%. Lợi nhuận ròng đạt 71 tỷ đồng, giảm 32% so với năm trước. Theo giải trình của Công ty, khoản sụt giảm này là do doanh thu của Công ty mẹ và công ty con giảm mạnh, mảng kinh doanh máy móc và thiết bị y tế không đem về được doanh thu đột biến như năm 2018. Thêm vào đó, năm 2019, SRA cũng thực hiện tăng vốn từ 20 tỷ đồng lên 180 tỷ đồng. Tới 19/02, giá cổ phiếu đang ở quanh mức 7,700 đồng/cp, giảm gần 68% từ đỉnh trong một năm trở lại đây.
|