11 câu chuyện doanh nghiệp đáng chờ đợi năm 2020: Giá trị hậu mãi của các thương vụ khủng và bước chuyển mình của những ông lớn

Đây là bước tiếp nối của những câu chuyện được quan tâm nhất trên thị trường chứng khoán trong năm 2019. Diễn biến và bước đi tiếp theo của từng doanh nghiệp được đề cập sẽ mang lại những thay đổi và tác động lớn đến giá trị cổ phiếu trên thị trường chứng khoán và cả bộ mặt của những lĩnh vực, ngành công nghiệp mà họ tham gia.

Gỗ Trường Thành có lãi?

Năm 2019 có lẽ sẽ khép lại với một TTF “sạch sẽ”, theo lời Chủ tịch Mai Hữu Tín, cùng khoản lỗ theo kế hoạch hàng trăm tỷ đồng. Hiện, doanh nghiệp từng mệnh danh “vua gỗ” này đang hướng đến trở thành một nhà cung cấp nội thất tổng thể cho các dự án bất động sản nội địa, tuy nhiên, thị trường nhà đất và xây dựng vẫn đang chững lại. Cùng với đó là nỗi lo về chi phí nhân công tăng lên sau làn sóng đổ bộ của dòng vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất.

Trong năm qua, TTF trình làng những thay đổi lớn trong bộ máy lãnh đạo điều hành mà đáng chú ý nhất là việc bổ nhiệm vị Tổng Giám đốc trẻ tuổi Nguyễn Trọng Hiếu. Năm 2020 được kỳ vọng là thời điểm nên chuyện của doanh nghiệp từng có danh xưng “vua gỗ”.

(HOSE: TTF) giảm 18.76% trong năm 2019
Vốn hóa thị trường cuối năm: 822 tỷ đồng

Giấc mơ kỳ lân của Yeah1

Yeah1 sẽ hoàn thành toàn bộ việc trích lập dự phòng liên quan đến mạng đa kênh ScaleLab, theo đó, nhiều khả năng ghi nhận quý lỗ lớn thứ ba liên tiếp, trong quý cuối cùng năm 2019. Từ sau khủng hoảng Youtube, Yeah1 đã thực hiện nhiều thay đổi từ các vị trí điều hành doanh nghiệp cho đến định hướng chiến lược kinh doanh.

Yeah1 vẫn đang loay hoay trong việc tìm kiếm động lực tăng trưởng tiếp theo. Lượng vốn ngàn tỷ huy động thời điểm chào sàn hầu như đã được hãng truyền thông này giải ngân toàn bộ. Hiệu quả của các khoản đầu tư mới cần được chứng minh trong năm 2020 nếu Yeah1 muốn lấy lại lòng tin từ giới đầu tư.

(HOSE: YEG) giảm 84.26% trong năm 2019
Vốn hóa thị trường cuối năm: 1,092 tỷ đồng

Bách Hóa Xanh mở ra cánh cửa tiếp theo
cho Tập đoàn Thế Giới Di Động

Tập đoàn Thế Giới Di Động, hãng bán lẻ với doanh thu tỷ USD mỗi quý, đặt kế hoạch tăng trưởng hai chữ số trong năm 2020. Hàng gia dụng, mắt kính, đồng hồ cho đến các cửa hàng điện thoại giá rẻ đã lần lượt được trình làng nhưng chuỗi siêu thị Bách Hóa Xanh mới chính là yếu tố tiên quyết quyết định tương lai của cả Tập đoàn.

Năm 2020, Bách Hóa xanh tiếp tục mở rộng ra các tỉnh miền Trung và xâm nhập sâu hơn tại khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long, Đông Nam Bộ. Trên hết, khả năng hòa vốn và sinh lời của chuỗi này cần phải được chứng minh sau 4 năm hoạt động.

(HOSE: MWG) tăng 33.29% trong năm 2019
Vốn hóa thị trường cuối năm: 50,467 tỷ đồng

Kỳ đại hội của Coteccons

Thành tích kinh doanh suy giảm và giá cổ phiếu “đổ đèo” là những gì giới đầu tư đề cập khi nói đến Coteccons trong năm 2019, khác hẳn câu chuyện về một nhà thầu dẫn đầu thị trường nội địa.

Không chỉ gặp khó khăn vì thị trường bất động sản không thuận lợi, Coteccons còn đang mắc kẹt giữa những mâu thuẫn về đường hướng doanh nghiệp của Chủ tịch Nguyễn Bá Dương và nhóm cổ đông lớn nhất Kustocem. Không có dấu hiệu nào cho thấy mọi chuyện đã được giải quyết kể từ những căng thẳng xảy ra tại kỳ họp thường niên tháng 4/2019.

Với một doanh nghiệp kín tiếng như Coteccons, những sự việc sâu trong doanh nghiệp có lẽ chỉ được gợi mở tại kỳ đại hội thường niên tổ chức năm 2020.

(HOSE: CTD) giảm 66.94% trong năm 2019
Vốn hóa thị trường cuối năm: 3,914 tỷ đồng

Chờ đợi Sabeco “lên như rồng”

Hãng bia lớn nhất Việt Nam đang muốn tiến vào phân khúc cao cấp hơn với chiến dịch tái khởi động thương hiệu và tăng giá bán các dòng sản phẩm. Quá trình tái cơ cấu về nhân sự và chi phí sản xuất bắt đầu cho thấy sự chuyển biến, đặc biệt là đối với biên lợi nhuận.

Giai đoạn tiếp theo, Sabeco tỏ rõ quyết tâm tăng trưởng khi đồng loạt công bố kế hoạch đầu tư ngàn tỷ đồng để mở rộng công suất tại các nhà máy bia và nâng cấp thiết bị máy móc. Trên thị trường chứng khoán, giới đầu tư chưa tỏ ra lạc quan về những gì mà tỷ phú Thái và bộ sậu đã làm được trong năm qua. Những hiệu quả rõ nét hơn về mặt tài chính tại Sabeco cần được thể hiện vào năm 2020.

(HOSE: SAB) giảm 14.27% trong năm 2019
Vốn hóa thị trường cuối năm: 146,212 tỷ đồng

Masan hậu sáp nhập Vincommerce

Masan sẽ trực tiếp sở hữu và vận hành hệ thống hàng ngàn địa điểm bán lẻ sau sáp nhập Vincommerce. Sự cộng hưởng cùng các cửa hàng siêu thị Vinmart và Vinmart+ trùng với thời điểm Masan muốn tái lập những gì đã làm được với nước chấm và mì tôm khi trình làng tham vọng dẫn đầu thị trường thịt heo 10 tỷ USD với sản phẩm thịt mát.

Thị trường chứng khoán đã tỏ ra lo lắng về câu chuyện hậu sáp nhập, nhưng chỉ thời gian mới có câu trả lời chính xác nhất.

(HOSE: MSN) giảm 27.1% trong năm 2019
Vốn hóa thị trường cuối năm: 66,045 tỷ đồng

“Goliath ngành sữa”
tìm kiếm tăng trưởng qua M&A

Những bất đồng ban đầu giữa dàn lãnh đạo hai bên Vinamilk và GTNFoods, liên quan đến thương vụ thâu tóm Sữa Mộc Châu của Vinamilk, đến nay đã được giải quyết.

Vinamilk đã sở hữu 75% GTNFoods và sẽ sớm đưa nhân sự vào cải tổ lại Sữa Mộc Châu. Thương vụ này khép lại cũng mở ra cánh cửa mới cho tiềm năng tăng trưởng dài hạn của Vinamilk với sự cộng hưởng lớn từ thị phần và vùng nguyên liệu của Sữa Mộc Châu. Và biết đâu chiến lược tăng trưởng qua M&A của Vinamilk vẫn chưa dừng lại khi hàng ngàn tỷ đồng vẫn đang nhàn rỗi trong túi của hãng sữa lớn nhất Việt Nam.

(HOSE: VNM) tăng 0.72% trong năm 2019
Vốn hóa thị trường cuối năm: 202,871 tỷ đồng

Tập đoàn công nghiệp - công nghệ
Vingroup

Những ngày cuối năm 2019 bận rộn đối với những người điều hành Vingroup. Họ đã thực hiện chuyển nhượng Vinmart và Vinmart+, sáp nhập Adayroi vào VinID và giải thể VinPro, qua đó hoàn toàn rút khỏi mảng bán lẻ. Vingroup cho thấy họ sẽ dồn mọi nguồn lực vào công nghiệp - VinFast và công nghệ - VinSmart.

Vingroup biết cách tạo ra các sản phẩm chất lượng. Từ Paris Motor Show cho đến cung đường đua F1 tại Hà Nội, họ sẵn sàng chi đậm để khiến người tiêu dùng chú ý. Khi kinh doanh cũng là tham vọng hùng cường của cả một dân tộc, đây là chuyến hành trình mà bất cứ ai cũng phải dõi theo.

(HOSE: VIC) tăng 20.67% trong năm 2019
Vốn hóa thị trường cuối năm: 387,386 tỷ đồng

Cuộc đổ bộ của người Hàn
vào địa hạt chứng khoán

Công ty chứng khoán hoạt động tại Việt Nam có vốn điều lệ lớn nhất hiện nay là Mirae Asset, một cái tên từ Hàn Quốc. Không chỉ tại Mirae, dòng vốn rẻ từ Hàn Quốc đang chảy khắp huyết quản của thị trường chứng khoán ngày càng chật chội của Việt Nam. Cuộc đua phí giao dịch và cho vay ký quỹ đang dần nóng hơn bao giờ hết.

Không chỉ có tiền, đến từ thị trường phát triển hơn, những tay chơi xứ Hàn đem đến khả năng công nghệ và chất lượng dịch vụ đã được chứng minh để thách thức vị thế của những ông lớn nội địa. Cuộc đua sang năm 2020 có lẽ sẽ còn khốc liệt hơn với màn đáp trả của các công ty chứng khoán trong nước.

Những lời hứa của ông Trịnh Văn Quyết

FLC sẽ về mệnh giá trong năm 2020 và FHH, BAV sẽ có giá ba chữ số là tuyên bố của ông Trịnh Văn Quyết, nếu không vị doanh nhân này sẽ tuyên bố phá sản.

Dù ông Quyết không dành sự quả quyết như vậy về thành tích kinh doanh của các công ty, nhà đầu tư đều hiểu rằng các mức tăng giá cổ phiếu nên được hậu thuẫn bởi những thành tích thực sự xuất phát từ nền tảng kinh doanh của doanh nghiệp.

(HOSE: FLC) giảm 10.51% trong năm 2019
Vốn hóa thị trường cuối năm: 3,266 tỷ đồng

(OTC: FHHBAV)

Nông dân tỷ phú

Lần lượt chia tay các mảng kinh doanh bất động sản và thủy điện, Hoàng Anh Gia Lai tỏ rõ quyết tâm sẽ chuyên tâm vào cuộc chơi nông nghiệp. Doanh nhân Đoàn Nguyên Đức không đơn độc trên con đường này mà còn có sự chung tay của tỷ phú Trần Bá Dương với kế hoạch rót hơn tỷ USD vào mảng nông nghiệp của Hoàng Anh Gia Lai.

“Quy mô lớn”, “cơ giới hóa” và “xuất khẩu” là những gì có thể nói về tham vọng nông nghiệp của một doanh nhân từng giàu nhất Việt Nam và một bên là tỷ phú ngành công nghiệp ô tô.

(HOSE: HAG) giảm 20.29% trong năm 2019
Vốn hóa thị trường cuối năm: 3,691 tỷ đồng

(HOSE: HNG) giảm 13.13% trong năm 2019
Vốn hóa thị trường cuối năm: 15,409 tỷ đồng

Nội dung: Thừa Vân

Hình ảnh: Tuấn Trần

FILI

05-02-2020 09:00:00+07:00

Tin cùng chuyên mục

Hotline: 0908 16 98 98