Dân biết, dân bàn

20/02/2020 09:18
20-02-2020 09:18:00+07:00

Dân biết, dân bàn

Minh bạch giống như ánh nắng mặt trời. Dưới ánh nắng, vi khuẩn khó mà sống được.

Tôi nhớ câu nói này từ khi còn là một nhà báo 22 tuổi, hăng hái đưa tin về các chủ đề to tát. Nguyên Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Klaus Rohland, đã nói như vậy trong một cuộc phỏng vấn với chúng tôi. Đó là gần hai chục năm về trước, khi tôi đặt chân vào nghề báo, được giao nhiệm vụ đưa tin về các hoạt động kinh tế đối ngoại của Việt Nam. Tôi lắng nghe các nhà kinh tế, người làm chính sách trong và ngoài nước bàn về những chủ đề khá xa lạ: tài trợ phát triển chính thức (ODA), đàm phán gia nhập WTO, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tăng trưởng, giảm nghèo...

Tôi nhanh chóng nhận ra nhiều lỗ hổng trong kiến thức kinh tế xã hội của mình. Phải sau vài kỳ họp, tôi mới nắm được tài trợ ODA có hai loại: không hoàn lại và cho vay có lãi suất. Nhờ đó, sự hào hứng về các kỷ lục cam kết ODA trong các bản tin được thay thế bằng thái độ thận trọng hơn trong việc xem xét liệu các khoản vay này có làm tăng gánh nặng nợ công cho Việt Nam. Ngày ấy, có nhiều khái niệm lần đầu tôi được nghe tới như trách nhiệm giải trình, tính minh bạch, kiểm tra và cân bằng, cải cách thể chế... Tôi thường cẩn thận tìm hiểu nội hàm của từng từ và gắng làm rõ bối cảnh khi sử dụng các khái niệm này để không làm rối trí bạn đọc.

Đến tận bây giờ, tôi vẫn biết ơn các cuộc trò chuyện với nhiều chuyên gia. Họ giúp tôi nhận ra có nhiều vấn đề tưởng chừng vĩ mô và phức tạp hoàn toàn có thể được diễn giải một cách dễ hiểu. Khi tôi tìm tới Đại sứ Phần Lan lúc đó là ông Kagri Alanko để hỏi bí quyết vì sao nước này nhiều năm liền giữ ngôi vị số một trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu, ông chia sẻ: "Chúng tôi có một hệ thống dịch vụ công hiệu quả, một tòa án độc lập đem lại công bằng cho mọi người. Công khai và minh bạch là yếu tố cực kỳ quan trọng nếu muốn đất nước thật sự trong sạch".

Nhưng đọng lại nhiều nhất trong tôi có lẽ là các cuộc trò chuyện với đại diện thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam, ông Ryan Jordan. Ông là người yêu Việt Nam nhiệt thành, thích nhất món phở gà và những nụ đào ngày Tết. Ông không ngần ngại giấu những giọt nước mắt khi kết thúc nhiệm kỳ công tác ở Việt Nam năm 2005. Phát biểu lúc chia tay, ông nói rằng "đổi mới không chỉ là chuyển đổi kinh tế", rằng "Việt Nam cần chuyển từ nhà nước pháp trị, tức chính phủ sử dụng luật pháp để kiểm soát, chỉ đạo người dân sang hình thành nhà nước pháp quyền. Ở đó, mọi tầng lớp, chính quyền và công dân, những doanh nghiệp giàu có nhất và những người nghèo nhất, đều tuân thủ các luật lệ như nhau".

Buổi sáng cuối năm, tôi bị đánh thức bởi cuộc gọi của Văn. Con trai tôi đang học cấp ba ở Canada, cách tôi 12 múi giờ. Cậu đang bí với bài tập môn kinh tế. Hồi đầu năm, cháu là học sinh Việt Nam duy nhất cùng hai bạn Iran chọn môn này. Tới khi bập vào học, Văn choáng váng với khối lượng kiến thức sâu rộng mà học sinh tiếp cận. "Con không biết kinh tế học lại khó thế. Đúng là điếc không sợ súng mẹ ạ", Văn nói.

Bài tập con tôi phải giải quyết thuộc chủ đề tăng trưởng và bền vững. Thầy giáo đề nghị học sinh lý giải vì sao giai tầng của một người trong xã hội lại ảnh hưởng tới các quyết định kinh tế của họ; vì sao các nhóm lợi ích khác nhau cố gắng tác động tới chính sách của chính phủ và tại sao một số nhóm lại có ảnh hưởng hơn một số nhóm khác. Con lắc đầu khi tôi hỏi có sách giáo khoa hay bài mẫu nào để tham khảo. Nhà trường chỉ cho mượn quyển "Kinh tế học thời nay - Phân tích các vấn đề hiện tại" của Đại học Oxford để đọc. Còn lại học trò tự tìm tòi thêm bằng cách đi thư viện hoặc lên mạng.

May thay, những kiến thức tích lũy được trong thời gian làm báo khiến tôi đỡ "đứng hình" khi con nhờ vả. Nhưng điều tôi mừng hơn là con tiếp tục thể hiện sự quan tâm tới các vấn đề của đời sống chính trị xã hội. Có lẽ một phần là nhờ thường ngày, bữa cơm gia đình luôn rộn ràng chuyện thời sự như một thói quen. Từ cuối thập niên 1980, tôi đã thập thò đọc ké các bài viết "Những việc cần làm ngay" của tác giả N.V.L trên báo Nhân Dân mà với đầu óc của đứa trẻ 9-10 tuổi lúc ấy, tôi cứ tin tên của ông là "Nói và làm" hoặc "Nhảy vào lửa" như người lớn bàn tán. Bố mẹ cũng thường dắt tôi đi xem các vở kịch của Lưu Quang Vũ khiến cả xã hội thời ấy xôn xao.

Tôi không chắc "thói quen" này có ở mọi gia đình hay không. Nhưng tôi tin ở góc độ quốc gia, mức độ quan tâm của công dân với các vấn đề quốc kế dân sinh rất quan trọng với sự gắn kết xã hội. Đất nước chỉ có thể phát triển lành mạnh nếu mỗi cá nhân ý thức rõ về trách nhiệm đóng góp cho cộng đồng, sẵn lòng tham gia giải quyết những vấn đề của "chúng ta" hơn là chỉ tập trung vào chuyện của riêng "tôi". Sự tham gia của người dân vào quá trình ra chính sách càng cao sẽ càng đảm bảo cho chất lượng và quá trình thực thi chính sách vào đời sống.

Một khảo sát của OECD cuối 2016 cho thấy 50% dân số Colombia không quan tâm tới các vấn đề chính trị trong khi tỷ lệ này là 5% ở Nhật Bản và Đức. Điều này lý giải phần nào cho sự thành công về kinh tế của người Đức và người Nhật, bên cạnh những đức tính quý báu như tính kỷ luật và sự nỗ lực.

Một chính phủ thông minh là một chính phủ hiểu rằng mình không thể biết hết và cũng không thể gánh vác hết mọi việc. Để công dân có thể tham gia mạnh mẽ, thường xuyên và thực chất hơn vào các vấn đề chung của quốc gia, cộng đồng, rất cần thể chế hóa khâu này. Nhờ được thể chế hóa, "dân biết, dân bàn" sẽ trở thành một yêu cầu mang tính bắt buộc, được điều tiết bởi luật pháp. Bổ sung cho nó là nỗ lực xây dựng một hệ thống giáo dục biết kích hoạt ý thức công dân, tạo điều kiện cho báo chí, các tổ chức dân sự, hội đồng nhân dân và quốc hội phát huy vai trò giám sát.

Ở góc độ cá nhân, trở thành một công dân can dự có thể khởi sự bằng những bước đi đơn giản nhất. Từ việc ý thức được các quyền của mình và sử dụng chúng một cách tích cực, bám sát tin tức, chia sẻ ý kiến và tranh luận lành mạnh với các nhóm khác, giúp đỡ doanh nghiệp địa phương tới việc tham gia các hoạt động từ thiện, đi bảo tàng, tới thư viện, đưa ra các sáng kiến và để ý tới dấu vết rác thải của mình.

Cẩm Hà

Vnexpress





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Cấp 'tín chỉ xanh' đối với các nhà máy sử dụng năng lượng sạch

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và trình tự, thủ tục cấp "tín chỉ xanh" đối với các nhà máy sử dụng nguồn năng lượng sạch.

Còn khoảng 32.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được phân bổ chi tiết

Tính đến cuối tháng Ba, vẫn còn khoảng 32.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được phân bổ chi tiết, thậm chí 15 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân là 0%.

Vì sao ngành điện muốn áp giá hai thành phần?

Với cách tính hiện nay, hai khách hàng dùng cùng lượng điện, tiền trả như nhau, nhưng chi phí nhà đèn bỏ ra cho họ chưa được phản ánh chính xác, theo chuyên gia.

Thủ tướng đề nghị Apple mở rộng kinh doanh và xác định Việt Nam là một cứ điểm của Apple trên toàn cầu

Sáng 16/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Tim Cook, Giám đốc điều hành Apple của Hoa Kỳ - công ty công nghệ lớn nhất thế giới và là nhà đầu tư nước ngoài lớn...

Điện mặt trời mái nhà dư thừa: Phát lên lưới giá 0 đồng, không được tính tiền

Điện mặt trời mái nhà chỉ được tự dùng, không được bán cho cá nhân, tổ chức khác. Nếu không dùng hết, phát lên lưới chỉ được ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng...

Chủ tịch Tập đoàn Thuận An bị bắt: DN vài tỷ vốn tăng gấp 200 lần, nổi lên nhờ cầu đường

Từ một doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 3,9 tỷ đồng, trong 10 năm trở lại đây Thuận An đã lớn nhanh như thổi, vốn điều lệ tăng gấp 200 lần lúc mới...

Nhiều tiệm vàng tại TP HCM bất ngờ đóng cửa

Cục Quản lý thị trường TP HCM cho biết sẽ tiếp tục đồng loạt kiểm tra các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh mua bán vàng trên địa bàn thành phố

Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 38/CĐ-TTg ngày 15/4/2024 về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng...

Ứng phó thế nào trước làn sóng thép ngoại tràn vào?

"Việc suy giảm thị phần nội địa của ngành sản xuất thép cuộn cán nóng trong nước là có. Việc mất 1/3 thị phần trong chưa đầy 1 năm là một trong những tín hiệu đáng...

CEO Apple Tim Cook đến Việt Nam bằng máy bay riêng

CEO Apple Tim Cook dự kiến có nhiều hoạt động trong 2 ngày 15 và 16-4 tại Việt Nam, trong đó sẽ gặp mặt một số nhà sáng tạo nội dung


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98