Thành tỷ phú nhờ săn nhà hoang

15/02/2020 10:33
15-02-2020 10:33:41+07:00

Thành tỷ phú nhờ săn nhà hoang

Hong Kong Tins Plaza là nhà máy nhựa bỏ hoang, ọp ẹp ở quận Tuen Mun. Nhưng từ cái nhìn đầu tiên, Tang Shing-bor đã thấy đây là kho báu.

Năm 2005, ông trả 36 triệu USD để mua Tins Plaza. Nhưng chính Tang cũng không đoán trước được rằng chỉ 2 năm sau, ông kiếm được gấp ba.

Chính nhờ việc tìm mua các bất động sản công nghiệp bỏ hoang như Tins Plaza, rồi bán lại, hoặc cải tạo lại, Tang đã thoát bờ vực phá sản năm 2003 và trở thành tỷ phú năm 2016. Hiện tại, ở tuổi 86, ông là người giàu thứ 14 Hong Kong, theo Forbes, với tài sản 5,7 tỉ USD.

Tang nổi tiếng với những thương vụ đi ngược trào lưu. Bất chấp cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng phủ bóng lên thị trường bất động sản Hong Kong, Tang vẫn đang đổ tiền ồ ạt vào bất động sản công nghiệp tại đây. Năm ngoái, ông đã chi ra tới 700 triệu USD. Theo số liệu từ hãng nghiên cứu Real Capital Analytics, Tang là người mua bất động sản công nghiệp Hong Kong nhiều nhất năm 2019.

Tỷ phú Hong Kong Tang Shing-bor năm nay 86 tuổi. Ảnh: Forbes

"Đây là cơ hội tốt nhất tôi từng thấy", Tang cho biết trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi tại một trong các tòa nhà của ông ở quận Mong Kok. Nơi này chỉ cách vài tòa nhà so với địa điểm diễn ra một số cuộc biểu tình. Trong suốt buổi phỏng vấn, ông liên tục nhận điện thoại từ các môi giới, hãng bất động sản và luật sư.

Tang đang đàm phán thương vụ kế tiếp. Đó là một tòa nhà đổ nát gần sân bay cũ Kai Tak của thành phố. Chính quyền Hong Kong đang đấu giá nơi này để tái thiết. Với Tang, bất ổn chính trị tại Hong Kong chỉ giúp ông có món hời lớn hơn mà thôi.

Tài năng của Tang trong việc tìm ra và cải tạo lại các tàn dư của Hong Kong khi còn là trung tâm sản xuất đã hấp dẫn nhiều đối tác, như Chinese Estates Holdings và Jiayuan International. Cả hai đều đã lập liên doanh với công ty ông - Stan Group để cải tạo các bất động sản công nghiệp. "Ông ấy làm việc rất hiệu quả và có kinh nghiệm", Joseph Lam - một lãnh đạo tại Colliers International nhận xét.

Giới bất động sản Hong Kong gọi Tang là "Chú Bor". Địa ốc cũng chỉ là một trong những lĩnh vực ông tham gia. Tang từng sản xuất bóng đèn neon thập niên 50 và quản lý nhà hàng thập niên 70. Sự nghiệp của ông cũng phản ánh sự phát triển của Hong Kong vài thập niên qua.

Tang chưa bao giờ sợ thất bại. Cha mất khi ông mới 5 tuổi. Mẹ ông đã phải nuôi sống gia đình bằng một công việc trả lương rất thấp trong nhà máy. "Tôi đã phải nghĩ ra rất nhiều cách để tồn tại", Tang nói. Ông từng lang thang bên ngoài nhà hàng khi đói bụng, chờ người ta cho đồ ăn.  

Lớn lên trong cảnh nghèo khổ rèn cho ông tinh thần bền bỉ, gan góc. Khi đã ngoài 70 tuổi, ông vẫn duy trì được vóc dáng nhờ bơi lội vào sáng sớm. "Mọi chuyện luôn có cách. Chẳng có vấn đề nào không giải quyết được cả", ông nói.

Tang chỉ tốt nghiệp tiểu học. Năm 1950, ông đi theo một người thợ làm biển hiệu neon để học việc. Năm 20 tuổi, ông mở cửa hàng riêng. Thành công từ cửa hàng này giúp ông có vốn mở quán ăn với bạn năm 1970. Từ đó, Tang bắt đầu đổ tiền vào hàng loạt nhà hàng.

Thập niên 80, ông mở rộng sang hàng loạt mảng kinh doanh mới, trong đó có xe cũ. Dù vậy, ông thành danh nhờ việc mua đi bán lại các cửa hàng. Một trong các vụ đầu tư nổi bật nhất của ông là mua lại một tòa nhà cũ năm 1990 và cải tạo nó thành Mongkok Computer Centre nổi tiếng.

Tang trong một căn nhà ông sở hữu ở quận Mong Kok. Ảnh: Forbes

Đến năm 1997, Tang đã có hơn 200 cửa hàng trị giá gần 7,3 tỷ đôla Hong Kong (942 triệu USD) và bắt đầu lên kế hoạch IPO. Nhưng sau đó, khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra. Thị trường bất động sản Hong Kong mất giá tới 70% giai đoạn 1997 - 2004, một phần do dịch SARS bùng nổ. Đến năm 2004, Tang đã gánh khoản nợ 4 tỷ đôla Hong Kong.

Ông bắt đầu bán bớt tài sản, kể cả Mongkok Computer Centre. Dù vậy, Tang vẫn giữ lại các bất động sản công nghiệp mà ông bắt đầu mua từ năm 1996 để phòng trừ rủi ro.

Năm 2005, ông mua Tins Plaza với giá 280 triệu đôla Hong Kong. Ông chỉ chi ra 28 triệu HKD và phần còn lại vay ngân hàng từ thế chấp các tòa nhà đang sở hữu.

6 tháng sau, Tang nhận được cuộc gọi từ một công ty Australia - Macquarie Goodman - đề nghị mua tòa nhà với giá 500 triệu đôla Hong Kong. Đến tháng 10 năm đó, quỹ đầu tư bất động sản Mapletree của Singapore trả giá 520 triệu HKD. Tang đều từ chối.

Ông biết bất động sản thương mại có giá cao hơn bất động sản công nghiệp. Vì thế, ông định hướng phát triển cho Tins Plaza thành thương mại. 2 năm sau, một lãnh đạo của Macquarie bay từ Sydney sang gặp ông với lời đề nghị mới - 850 triệu đôla Hong Kong. Tang đã bán Macquarie Tins Plaza, kiếm lời 570 triệu đôla Hong Kong. "Tins Plaza là giao dịch đáng nhớ nhất của tôi", ông nói.

Sau đó, Tang không nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi. Ông nhắm đến một nhà máy cũ khác gần đó - Gold Sun Industrial Building. Không như các thương vụ trước, Goldsun có nhiều chủ sở hữu, buộc ông phải đàm phán riêng lẻ. Tang mua tầng đầu tiên năm 2006, nhưng đến tận năm 2014 mới xong. "Tôi phải mua từng tầng một", ông nhớ lại.

Tang cũng gặp khá nhiều may mắn. Mong muốn tăng nguồn cung bất động sản cho văn phòng, khách sạn và khu mua sắm, chính quyền Hong Kong năm 2010 ra chính sách khuyến khích tái thiết bất động sản công nghiệp không sử dụng. Họ cũng gỡ bỏ hạn chế về quy mô dự án xây trên đất chuyển đổi từ mục đích công nghiệp. Vì thế, giá nhà máy tăng tới 152% giai đoạn 2010 - 2016.  

Đến nay, Tang đã mua 73% các tòa nhà gần sân bay cũ. Việc tái thiết Kai Tak chắc chắn sẽ làm tăng giá bất động sản quanh khu này.

"Tôi rất lạc quan về tương lai của Hong Kong", Tang nói, "Tôi đã chứng kiến nhiều thăng trầm rồi. Luôn có cơ hội trong các rủi ro. Và đây là cơ hội của tôi".

Hà Thu

Vnexpress





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Tòa án Montenegro quyết định dẫn độ “cha đẻ” tiền kỹ thuật số Luna về Hàn Quốc

Tòa phúc thẩm Montenegro cho biết đã bác đơn kháng cáo của Do Kwon và giữ nguyên phán quyết trước đó của tòa án cấp dưới quyết định dẫn độ đối tượng này về Hàn Quốc.

Hai đại gia ở Vĩnh Phúc, sở hữu tập đoàn ‘lớn nhanh như thổi’ rồi nhúng chàm

Nguyễn Văn Hậu và Trịnh Văn Quyết - hai đại gia quê Vĩnh Phúc - sở hữu tập đoàn nghìn tỷ, từng phất lên như diều gặp gió và đều nhúng chàm với hàng loạt sai phạm.

Lisa Su, ‘nữ tướng’ AMD khuấy đảo ngành bán dẫn

CEO AMD Lisa Su đạt được những thành tựu chưa từng có: nữ CEO đầu tiên của một công ty bán dẫn lớn, cứu AMD khỏi bờ vực sụp đổ và khuấy đảo ngành công nghệ vốn do...

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng là một trong những người có ảnh hưởng nhất trong ngành ô tô toàn cầu

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng bất ngờ góp mặt trong danh sách MotorTrend PowerList 2024 - một bảng xếp hạng gồm 50 người có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong ngành công nghiệp...

5 'bóng hồng' quyền lực của làng công nghệ thế giới

Thế giới công nghệ khô khan ngày càng xuất hiện nhiều 'nữ tướng' nổi bật như tân CEO X Linda Yaccarino, CEO AMD Lisa Su hay Reshma Saujani, CEO Girls Who Code.

Facebook sập toàn cầu, cổ phiếu sụt giảm, nỗi đau tỷ USD của Mark Zuckerberg

Facebook sập trên toàn cầu là sự cố hiếm hoi đối với một ông lớn công nghệ thế giới. Ông chủ Mark Zuckerberg ngay lập tức mất vài tỷ USD, nhưng còn chịu nỗi đau khi...

Tỷ phú Bill Gates đến Đà Nẵng và Hội An

Tỷ phú Bill Gates vừa đến Việt Nam sau khi tham dự đám cưới của con trai tỷ phú Mukesh Ambani.

Tỷ phú Elon Musk kiện cha đẻ ChatGPT vì từ bỏ mục tiêu phi lợi nhuận

Tỷ phú Elon Musk đã đâm đơn kiện OpenAI và CEO Sam Altman cùng một số cá nhân khác, với lý do họ đã từ bỏ mục tiêu ban đầu của OpenAI là phát triển trí tuệ nhân tạo...

Ý tưởng kinh doanh triệu USD từ bộ bài phát triển EQ đơn giản

Khi giảng viên dùng một bộ bài làm giáo cụ, Jenny Woo đã nảy ra ý tưởng kinh doanh độc đáo trên Amazon, hiện mang lại doanh thu hàng triệu USD/năm.

Startup Fintech 1Long nhận vốn 500,000 USD

Một nền tảng ứng dụng công nghệ tài chính cho biết người dùng có thể tích lũy tài sản với số tiền ban đầu chỉ từ 10 ngàn đồng (dưới 1 đô la Mỹ).


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98