Mở thêm thị trường cho nông sản

02/03/2020 06:15
02-03-2020 06:15:20+07:00

Mở thêm thị trường cho nông sản

Việc mở rộng thị trường xuất khẩu trái cây phải được thực hiện một cách bền vững chứ không phải tìm cách đối phó

Một trong những biện pháp của Bộ Công Thương trong việc hỗ trợ đầu ra cho nông sản xuất khẩu gặp khó khăn do dịch Covid-19 là yêu cầu toàn bộ hệ thống Thương vụ tại nước ngoài tổ chức ngay các hoạt động tìm kiếm, kết nối khách hàng mới để chuyển hướng tiêu thụ nông - thủy sản, đặc biệt là trái cây.

Tăng xuất khẩu thanh long vào Úc

Mới đây Thương vụ Việt Nam tại Úc đã đề xuất Công ty XNK Đà Lạt kết nối với Sở Công Thương tỉnh Long An để thu mua 5 tấn thanh long ruột đỏ đúng thời điểm bà con nông dân cần giải quyết đầu ra. Ngoài ra, được sự ủng hộ của Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Úc, Thương vụ còn dự kiến phối hợp với Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam tại Úc, Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam tại Sydney và Công ty XNK Đà Lạt tổ chức ngày hội thưởng thức thanh long ruột đỏ Việt Nam, đồng thời cùng với kiều bào xây dựng mạng lưới quảng bá tiêu thụ thanh long Việt Nam ổn định tại Úc.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đánh giá việc Thương vụ Việt Nam tại Úc tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại cho quả thanh long thời điểm này là hoạt động tích cực giúp giải tỏa ứ đọng. Tuy Úc không phải thị trường lớn nhưng nếu mở được nhiều thị trường nhỏ sẽ tăng được lượng tiêu thụ. Trước đây, khi Úc chưa mở cửa cho trái thanh long Việt Nam, đã từng có doanh nghiệp (DN) Úc đến Việt Nam thu mua thanh long để xuất khẩu sang nước thứ 3, cho thấy trái cây Việt Nam có rất nhiều tiềm năng.

"Hiệp hội Rau quả Việt Nam, với vai trò là cầu nối giữa DN và nhà nước, giữa DN với các đối tác nước ngoài, chúng tôi cũng cố gắng mở rộng thị trường cho trái cây Việt Nam. Tuy nhiên, do kinh phí hoạt động còn hạn hẹp, hiệp hội chưa tổ chức được các sự kiện xúc tiến thương mại nên rất cần được tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại do nhà nước tổ chức để tìm kiếm thêm khách hàng" - ông Nguyên nói.

Theo ông Nguyên, các thị trường cao cấp như Úc, Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... có nhu cầu đối với trái cây Việt Nam nhưng đòi hỏi cao, nhất là vấn đề an toàn thực phẩm. Do đó, thông thường trái cây họ mua phải có chứng nhận GlobalGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu) từ vườn đầu tư trực tiếp hay liên kết với nông dân, tuy nhiên diện tích vườn có chứng nhận này chưa tới 5% tổng diện tích canh tác. Để tăng diện tích canh tác theo tiêu chuẩn này cần sự đầu tư lớn cũng như thời gian. Riêng thị trường lớn là Trung Quốc, về dài hạn, nông dân vẫn phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật mới chứ không phải dịch bệnh qua là đầu ra lại thuận lợi.

Các DN xuất khẩu thanh long tại Long An đánh giá Úc là một trong những thị trường khó tính, kiểm soát nghiêm ngặt đối với nông sản tươi nhập khẩu. Nông sản Việt Nam, trong đó có trái thanh long, muốn vào được thị trường Úc cần đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn, thậm chí một số tiêu chuẩn khắt khe hơn Nhật Bản, châu Âu. Do đó, nông sản phải được xử lý tốt, đúng kỹ thuật, từ giống, canh tác đến đóng gói, bảo quản và vận chuyển.

Để đạt chuẩn vào thị trường Úc, thanh long phải được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra và cấp mã số, đồng thời phải kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, truy xuất được nguồn gốc... Thanh long tươi từ Việt Nam trước khi vận chuyển phải được xử lý bằng phương pháp nhiệt hơi trong 40 phút, nhiệt độ 46,5 độ C, độ ẩm 90% trở lên…

Mở thêm thị trường cho nông sản - Ảnh 1.
Xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc thời gian qua hết sức bấp bênh, nguy cơ dội hàng có thể xảy ra bất cứ khi nào. Ảnh: NGỌC TRINH

Phải hướng đến sản xuất sạch, bền vững

Theo ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An, dù Úc đã mở cửa cho mặt hàng thanh long Việt Nam hơn 2 năm nay, thị trường này cũng được đánh giá là nhiều tiềm năng nhưng đến thời điểm này, sản lượng thanh long Long An xuất khẩu sang đây còn rất thấp. "Thanh long Việt loại 500 g/trái bán tại siêu thị Úc khoảng 20 USD/kg, tính ra hơn 400.000 đồng/kg. Một số bạn bè tôi sống ở Úc cho rằng mức giá này quá cao nên khó bán" - ông Trịnh nêu thực tế và cho rằng nếu giảm được giá bán, khả năng tiêu thụ mặt hàng này tại Úc cũng như những thị trường khó tính khác sẽ tốt hơn.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, thừa nhận công ty bà đã xuất khẩu thanh long sang Úc nhưng sản lượng không nhiều, mỗi năm chỉ được vài chuyến. "Úc là thị trường rất khó tính. DN muốn xuất khẩu phải mua hàng từ các vườn có chứng nhận GlobalGAP để bảo đảm hàng sạch, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của Úc. Yêu cầu cao về chất lượng nhưng giá mua từ phía Úc chỉ vừa phải nên ít DN khai thác thị trường này" - bà Thu giải thích.

Là chủ một trong những DN xuất khẩu trái cây tươi có tiếng ở Việt Nam nhưng bà Thu nhìn nhận các DN Việt Nam trong lĩnh vực này còn non trẻ, chỉ mới chập chững ra thị trường thế giới nên chỉ khai phá được thị trường nhỏ hẹp tại cộng đồng người Việt, người Hoa ở các nước. Do tiềm lực còn hạn chế nên DN Việt chưa tổ chức được các hoạt động quảng bá để khách nước ngoài biết đến và mua trái cây Việt.

Ngoài ra, do vùng sản xuất trái cây của Việt Nam còn manh mún, chất lượng, mẫu mã không đồng đều nên DN không dám tăng nhanh sản lượng xuất khẩu vì lo không kiểm soát được chất lượng. "Tại nhiều thời điểm, sản lượng trái cây thu mua tại các vùng liên kết không đủ số lượng cho đơn hàng nhưng DN không dám mua bên ngoài. Bởi nếu phía nhập khẩu kiểm tra phát hiện vi phạm, lô hàng bị hủy thì DN sẽ thiệt hại rất lớn, mà uy tín trái cây Việt Nam cũng bị ảnh hưởng" - bà Thu nhìn nhận.

Cũng theo bà Thu, để mở rộng thị trường xuất khẩu trái cây, tránh phụ thuộc một thị trường, Việt Nam phải chỉnh đốn lại sản xuất theo hướng sạch hơn một cách bền vững chứ không phải tìm cách đối phó khi xảy ra sự cố rồi sau đó lại quay về nếp làm ăn cũ.

Một số DN xuất khẩu khác lại cho rằng vấn đề đầu ra cho trái cây khó khăn trong thời gian qua không chỉ do dịch bệnh Covid-19 mà còn do sự thay đổi điều kiện nhập khẩu ở các nước trong khi sản xuất Việt Nam chưa thay đổi kịp. Đối với thị trường Trung Quốc, là danh mục nhập khẩu và yêu cầu về truy xuất nguồn gốc. Do đó, nếu nông dân không thay đổi cách canh tác, chắc chắn đầu ra sẽ tiếp tục khó khăn.

Đầu ra cho nông sản sạch gặp khó

Tỉnh Bình Thuận, nơi được xem là thủ phủ thanh long của cả nước, với hơn 30.000 ha cây thanh long. Để nâng cao chất lượng trái thanh long Bình Thuận, trong những năm qua, mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP được nhiều bà con nông dân trên địa bàn tỉnh hưởng ứng. Hiện nay, Bình Thuận có khoảng 7.680 ha diện tích thanh long VietGAP, chiếm 28,27% diện tích trồng thanh long cả tỉnh, với hơn 9.000 hộ nông dân tham gia. Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp sạch này lại luôn bị đánh đồng với giá của sản phẩm canh tác kiểu cũ, khiến nhiều hộ nông dân không còn mặn mà với VietGAP.

Để giải quyết bài toán đầu ra thanh long, thời gian gần đây, tỉnh Bình Thuận đã chú trọng công tác xúc tiến, mở rộng thị trường. Trong đó, ngoài thị trường chủ lực Trung Quốc, thanh long Bình Thuận đã có mặt ở các thị trường như: Mỹ, Canada, Ấn Độ, Đức, Malaysia, Indonesia, Đài Loan, Thái Lan, Hà Lan, Hàn Quốc... Tuy nhiên, tỉ trọng xuất khẩu hiện còn rất thấp do yêu cầu khắt khe về kỹ thuật sản xuất thanh long an toàn ở những thị trường này.

H.Phố

Ngọc Ánh - Thanh Nhân

Người lao động







TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Giao dịch trầm lắng, nguồn cung cao gây sức ép gạo Việt

Nguồn cung cao khiến cho giá xuất khẩu gạo Việt Nam tiếp tục giảm nhẹ, trong khi giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã nhích lên nhẹ nhờ nhu cầu cải thiện.

Vì sao Việt Nam tăng nhập khẩu nông sản?

Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) cho biết việc gia tăng nhập khẩu nông sản xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trong quan hệ thương mại quốc tế, nhằm điều chỉnh cán...

Giá cà phê hôm nay 21-6: Tụt dốc đến khó tin

Giá cà phê hôm nay giảm 3 con số với cả Robusta và Arabica khiến người giữ cà phê thêm sốt ruột

Sầu riêng nhiễm chất cấm sắp 'hết cửa' ở Đắk Lắk

Ông Nguyễn Văn Hà - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk - cho biết, xây dựng chuỗi giá trị sầu riêng là cần thiết. Tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp...

Lo ngại về nhu cầu tiêu thụ yếu trên thị trường hàng hóa, giá cao su lao dốc

Giá cao su RSS3 trên sàn Osaka đánh mất gần 2% về mức 2.057 USD/tấn trong khi giá cao su TRS20 trên sàn Singapore cũng giảm hơn 2% về mức 1.600 USD/tấn.

Vụ lùm xùm của C.P Việt Nam ảnh hưởng thế nào tới thị trường thịt heo?

Theo Sở Công Thương TP HCM, sự việc của C.P Việt Nam đến nay vẫn chưa gây tác động đáng kể đến thị trường heo hơi và nguồn cung thịt heo trên địa bàn

Giá gạo toàn cầu tăng trong tháng Năm nhờ nhu cầu tăng mạnh

Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), nhu cầu mạnh đối với gạo Basmati trước lễ Eid al-Adha là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tăng giá gạo trong...

Heo bệnh buộc phải tiêu hủy, người chăn nuôi được hỗ trợ 40.000 đồng/kg hơi

Từ 25/7, với lợn (heo) bị dịch bệnh buộc phải tiêu hủy nằm trong Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch hoặc Danh mục bệnh truyền lây giữa động vật và người...

Phó Chủ tịch PAN: "Nông nghiệp là lĩnh vực rủi ro, chỉ có niềm tin thể chế mới khiến doanh nghiệp đầu tư"

Tại hội thảo về Nghị quyết 68, Phó Chủ tịch HĐQT PAN Nguyễn Thị Trà My nhấn mạnh nông nghiệp là lĩnh vực rủi ro cao, cần cơ chế ưu đãi như trừ chi phí nghiên cứu...

Doanh nghiệp Việt dự kiến nhập khẩu hơn 600 triệu USD nguyên liệu thức ăn chăn nuôi từ Mỹ

Doanh nghiệp hai bên đã trao đổi và ký kết Bản ghi nhớ (MoU) về việc nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi từ bang Ohio, với tổng giá trị các MoU được ký lên tới...

Giá vàng và hàng hóa


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98