'Tôi là chủ nợ mà bị Leflair đối xử quá tệ'

11/03/2020 09:59
11-03-2020 09:59:35+07:00

'Tôi là chủ nợ mà bị Leflair đối xử quá tệ'

Sáng 10/3, Leflair gặp mặt một số nhà cung cấp để giải quyết công nợ. Tuy nhiên, cuộc gặp chưa xử lý triệt để vấn đề và để lại nhiều bức xúc cho hầu hết nhà cung cấp.

* Leflair - tham vọng đứt gánh của cựu lãnh đạo Lazada

* Nhiều khách hàng 'tố' Leflair đã nhận tiền nhưng không trả hàng

Trong email gửi lúc 8h sáng 10/3, ông Pierre Antoine Brun - Đồng sáng lập và COO Công ty Cổ phần Leflair (sở hữu trang thương mại điện tử chuyên kinh doanh hàng hiệu Leflair) thông báo danh sách 138 nhà cung cấp được đến tham dự cuộc họp với lãnh đạo doanh nghiệp lúc 10h sáng cùng ngày. Đây là những nhà cung cấp đã đăng ký tham gia và được phía Leflair lựa chọn, mỗi đơn vị chỉ được cử 1 đại diện.

Ông Pierre cũng tuyên bố sẽ rời khỏi văn phòng lúc 11h45 cùng ngày. Do đó, ngay từ lúc 9h, nhiều nhà cung cấp đã có mặt để chờ đợi, nhưng sau 9h30, họ mới được bộ phận lễ tân tòa nhà đưa lên khu vực văn phòng Leflair.

3 vòng kiểm duyệt để gặp đại diện Leflair

Để gặp lãnh đạo Leflair, các nhà cung cấp phải vượt qua 3 vòng kiểm duyệt an ninh. Ở chốt lễ tân tòa nhà, đại diện 138 nhà cung cấp được hướng dẫn lên trực tiếp, còn những người không có tên trong danh sách phải để lại giấy tờ tùy thân.

Tuy nhiên, thực tế, chỉ 138 người được bước vào bên trong văn phòng. Nhân viên an ninh kiểm tra thông tin từng người bên ngoài cửa văn phòng, sau đó tiếp tục kiểm tra lại lần nữa trước khi cho phép những đại diện này vào khu vực diễn ra cuộc họp. Theo ghi nhận, Leflair sử dụng gần 20 nhân viên an ninh trong và ngoài khu vực văn phòng.

Hàng trăm nhà cung cấp chờ bên ngoài văn phòng Leflair sáng 10/3. Ảnh: L.A.

Những nhà cung cấp còn lại không có tên trong danh sách bị từ chối ngay tại sảnh thang máy. "Cuộc họp để giải quyết vấn đề với nhà cung cấp nhưng chỉ lựa chọn một số người tham gia, không nêu rõ tiêu chí lựa chọn là gì. Những người đó chắc gì đã đại diện được cho quyền lợi của tất cả chúng tôi", một nhà cung cấp nói với phóng viên.

Sau khoảng 30 phút chờ đợi, những nhà cung cấp này được yêu cầu để lại thông tin cá nhân (bao gồm số CMND) và tên công ty. Tuy nhiên, họ không được hứa hẹn khi nào có thể gặp lãnh đạo Leflair hay các bước giải quyết tiếp theo.

"Đáng lẽ phải có một người từ phía Leflair ra nói chuyện, cho chúng tôi biết cần chờ đợi đến bao giờ, chứ không phải phó mặc cho nhân viên an ninh. Chúng tôi đợi ở đây hơn 2 tiếng đồng hồ, không có chỗ ngồi, nước uống và không khí mát mẻ, trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp", anh Hoang - một nhà cung cấp người Hàn Quốc không có tên trong danh sách Leflair gửi đi sáng nay chia sẻ.

Anh phân phối các mặt hàng thực phẩm chức năng trên website của Leflair. Hiện tại, số công nợ lên đến hơn 100 triệu đồng. "Tôi có quyền tức giận và phải tức giận trong tình huống này. Đó là tiền của, công sức và thời gian của tôi", anh bức xúc lên tiếng.

Một nhà cung cấp khác cũng đồng tình: "Tôi là chủ nợ mà bị đối xử quá tệ. Tôi đến yêu cầu Leflair trả nợ chứ có trộm cắp gì đâu mà họ đưa nhiều lớp bảo vệ để kiểm soát như thế này, trong khi họ chưa trả lời các email hay xác nhận công nợ gì cho tôi".

Các nhà cung cấp không có tên trong danh sách gặp mặt ngồi la liệt bên ngoài văn phòng Leflair. Ảnh: L.A.

Thực tế, đến 12h30, sau khi các nhà cung cấp bên ngoài tỏ thái độ gay gắt, người phiên dịch của lãnh đạo Leflair mới bước ra và tiến hành thu thập biên bản xác nhận công nợ của từng nhà cung cấp. Tuy nhiên, người này không cho biết khi nào phía Leflair sẽ ký vào biên bản này và trả lại, hay thanh toán cho nhà cung cấp.

Leflair sẽ nộp đơn phá sản

Nằm trong số 138 nhà cung cấp tham dự cuộc họp, anh Quý Đinh - giám đốc một doanh nghiệp trang sức đá phong thủy cho biết, phía Leflair chỉ trả lời lòng vòng, không đưa ra phương án giải quyết nào rõ ràng. Thông tin đáng chú ý nhất được đưa ra là doanh nghiệp này sẽ nộp đơn xin bảo hộ phá sản trong ngày 10/3.

Hai nhà sáng lập Leflair gặp mặt một số nhà cung cấp sáng 10/3.

Đồng thời, theo biên bản cuộc họp đã được đại diện Leflair và nhóm nhà cung cấp ký xác nhận, Leflair phải làm việc với đơn vị vận chuyển về việc trả hàng cho tất cả nhà cung cấp trước ngày 20/3. Đồng thời, doanh nghiệp này sẽ hoàn tất ký văn bản xác nhận công nợ trước ngày 25/3 và thanh toán tất cả công nợ trước ngày 31/3. Nếu không thực hiện được, các nhà cung cấp sẽ tiến hành khởi kiện.

Hiện tại, nhóm nhà cung cấp đang thống kê số công nợ của từng đơn vị. Theo ghi nhận đến nay, tổng số công nợ đã lên đến hơn 50 tỷ đồng. Trong đó, con số thấp nhất khoảng 4 triệu đồng, còn cao nhất hơn 2 tỷ đồng. Ngoài ra, một số nhà cung cấp chưa thể lấy lại hàng trong kho của đơn vị vận chuyển, do vướng mắc về thủ tục giấy tờ.

Trước đó, khi trao đổi với các nhà cung cấp vào đầu tháng 3, ông Pierre Antoine Brun cho biết số công nợ mà sàn TMĐT này chưa xử lý với khoảng 500 nhà cung cấp là hơn 2 triệu USD. Trong khi đó, khoản tiền mặt còn lại trong tài khoản của doanh nghiệp chưa đến 50.000 USD.

Leflair được thành lập năm 2015 bởi 2 doanh nhân người Pháp Loic Gautier và Pierre Antoine Brun, chuyên phân phối các sản phẩm hàng chính hãng với mức giá phải chăng.

Trong 4 năm qua, sàn TMĐT này đã kêu gọi gần 12 triệu USD trong các vòng gọi vốn, từ đó phục vụ hơn 120.000 khách hàng, doanh thu ước đạt hàng chục triệu USD với giá trị đơn hàng trên mỗi khách hàng cao nhất thị trường.

Tuy nhiên, theo thông báo chính thức gửi các nhà cung cấp hồi đầu tháng 2, do áp lực về nguồn vốn, Leflair sẽ tạm ngừng hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam và tập trung kinh doanh hàng xuất nhập khẩu.

Lan Anh

Zing.vn





MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (1)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Đại gia Trung Quốc đầu tư 450 triệu USD xây nhà máy sản xuất pin điện mặt trời tại Nghệ An

Hainan Drinda - nhà sản xuất tấm quang điện tái tạo từ Trung Quốc, sẽ xây nhà máy sản xuất pin mặt trời 450 triệu USD tại Khu công nghiệp Hoàng Mai II (Nghệ An).

Doanh nhân Việt kể chuyện bán gạo ST25, thanh long... tại Mỹ

Kinh nghiệm từ xuất khẩu thanh long, gạo ST25... được chia sẻ như bài học cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt vào thị trường Mỹ, nơi đang tăng trưởng 20%/năm.

Rủi ro hợp đồng trường quốc tế

Để lấy kinh phí hoạt động, nhiều trường tư thục, trường quốc tế thực hiện chiêu sinh theo hình thức ký hợp đồng vay với phụ huynh và rủi ro phát sinh từ đây.

Điều gì làm nên những khoản đầu tư thành công?

Đầu tư thành công lớn nhất của bạn là gì? Có thể đó là cổ phiếu của một công ty siêu khủng mà bạn mua từ thời nó còn là một công ty startup; Có thể là việc bạn tham...

Ưu tiên đầu tư của các thế hệ tại Mỹ

Các thế hệ khác nhau lớn lên với những giá trị và thực trạng kinh tế khác nhau, khiến sở thích đầu tư của mỗi thế hệ cũng khác nhau.

Crocs - "phát minh tồi tệ nhất của nhân loại" mang về hàng tỷ USD

Được bán ở hơn 85 quốc gia, những đôi dép Crocs đã thành công trong việc phát triển một cộng đồng thực sự xung quanh chúng.

Nghề 'độc' kiếm bộn tiền: Nấu chảy rác thải để lấy vàng

Rác điện tử đang là mỏ vàng. Nhiều quốc gia trên thế giới nỗ lực chiết xuất vàng từ các bảng mạch đã qua sử dụng và rác điện tử.

Từ 1688 đến SaboMall - Cơ hội kinh doanh không giới hạn cho doanh nghiệp Việt

Sức mạnh của hợp tác quốc tế và vai trò tháo gỡ mọi giới hạn địa lý của công nghệ 4.0 đang tạo ra ảnh hưởng tích cực và rõ rệt lên chính những nhà bán hàng tại Việt...

Bán bỉm, tã, sữa... online thu 3,09 nghìn tỉ đồng trong 3 tháng

Chỉ kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, ngành hàng mẹ và bé chuyên bán bỉm, tã, sữa đạt doanh thu 3,09 nghìn tỉ đồng trong 3 tháng cuối năm 2023.

Hơn 105.000 shop rời sàn, thương mại điện tử vẫn tăng trưởng kỷ lục

Với 2,2 tỉ đơn vị sản phẩm được bán ra trong năm 2023, tổng doanh thu 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam tăng mạnh nhất trong 3 năm trở lại đây và tăng...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98